Hệ thống giao thông của họ cực tốt, đã đành, các trạm nghỉ đều cỡ năm sao, và đặc biệt là, hoàn toàn miễn phí khi khách sử dụng dịch vụ “đầu ra” sau chừng trăm cây số trên xe. Các trạm dừng cách nhau khoảng trên dưới một trăm cây số.
Có những ông nghệ sĩ đường phố đứng chơi đàn phục vụ, có thùng đựng tiền nếu khách nghe xong có nhã hứng tặng, không thì ông vẫn say sưa phục vụ.
Nói thêm, không phải ai cũng có thể là nghệ sĩ đường phố. Họ phải có chứng chỉ (một dạng “giấy phép con” như ở Việt Nam chăng?), và khi biểu diễn phải có giấy phép nữa thì mới được hành nghề.
Điều đáng nói là cách họ thu tiền đường, bên ta gọi là phí, có thời còn được gọi là... giá, có hẳn biển rất to “trạm thu giá” khiến mấy anh tài xế đường dài để cả thúng giá đỗ trên xe để nộp.
Tôi hết sức đồng ý và ủng hộ chuyện, phàm là đường BOT hay cao tốc, thì phải thu phí, vấn đề là thu như thế nào, và BOT như thế nào.
Ở ta, đường đang yên lành thế, sửa sang chút rồi dựng cổng thu phí, trong khi đúng ra, anh phải làm đường mới mà thu, còn đường cũ là của dân, ai không xót xe, xót thời gian thì cứ đường cũ mà đi.
Và nữa, tôi hay xuống cái mái ấm Chư Sê, nơi có ông Đinh Minh Nhật nuôi hàng trăm cháu bé mồ côi, cách nhà bốn mươi cây số thăm các cháu và chuyển tấm lòng của bạn bè xuống mái ấm. Chạy qua trạm thu phí BOT chưa đầy 10 km thì rẽ vào đường làng, nhưng đều bị thu phí đủ cho cả đoạn 70km. Chắt chiu từng đồng cho các cháu mồ côi nhưng mỗi lần xuống với các cháu, nguyên tiền phí đường hết 70 ngàn đi và về.
Là trở lại chuyện bên Đài Loan thu phí.
Thứ nhất là chả có cái trạm thu phí nào như ở bên ta. Nghe nói để làm cái trạm thu phí ấy cũng phải mấy chục tới cả trăm tỉ. Rồi còn nhân công, còn giấy in vé vân vân. Giờ thu phí tự động, đỡ vé giấy, nhưng không phải ai cũng dán thẻ thu phí tự động.
Đường bên Đài Loan hoàn toàn không có trạm thu phí nhưng không có nghĩa là không thu phí, mà nó tự động tính theo cự li mình đi, rồi tự động trừ vào thẻ. Thẻ mà lỡ hết tiền thì nó ghi nợ đấy, trong vòng bao nhiêu ngày mà thẻ vẫn không có tiền thì nó... tính lãi. Rất đơn giản.
Thứ hai là cách tính hết sức nhân văn, tức là nó đúng, nó không tham, tức là đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Và nếu thế thì mỗi lần đi xuống Mái ấm Chư Sê của tôi chỉ mất mấy ngàn, cùng lắm là chục ngàn chứ không bị tới bảy mươi ngàn cho mười km như thế.
Và cách thu phí đường cao tốc cũng rất nhân văn, khuyến khích người sử dụng. Ấy là 20 km đầu được miễn phí. 100 km tiếp theo thu giá chuẩn, khoảng 1000 đồng tiền Việt cho một km, trên 200 km thì thu 70% giá chung ấy, tức chỉ còn 700 đồng một km.
Mà nghe nói bên ấy, các doanh nghiệp làm đường và thu phí, tức là họ phải có lãi.
Ủy ban thường vụ quốc hội bên ta đang họp và tiến hành chất vấn các bộ trưởng. Tôi nghe ông Hồ Đức Phớc nói mới biết, rằng là các ngành kinh doanh lớn của ta, càng tăng giá càng lỗ. Ấy là giá vé máy bay và ngành hàng không, là tiền điện với ngành điện vân vân càng tăng thì càng... lỗ. Có thể tại tôi lơ ngơ, nhưng càng tăng giá lại càng lỗ thì quả là, tôi chưa nghĩ tới.
Tôi đi Đài Loan cùng nhà văn Tạ Duy Anh, ông này có đầu óc tính toán hơn tôi nhiều, nên ông tính ngay như sau: “Ví dụ, từ Hà Nội xuống Hưng Yên, nếu đi trên cao tốc Đài Loan, không tính tiền. Đi tiếp đến Hạ Long khoảng 150km, phí đường cho ô tô con (xe lớn thu phí mức cao hơn chút) tầm 105.000 đồng, bằng một nửa mức thu hiện tại của Việt Nam”.
Thì cũng nhân “đi một ngày đàng” tôi cung cấp thêm chút nữa, mà thôi, cop lại ghi chép của ông Tạ Duy Anh vậy: “Theo lời kể của Thạc sĩ, nhà dịch thuật Lù Việt Hùng, người đã sinh sống và thành rể Đài Loan hơn 20 năm và là bố của 3 đứa trẻ, thì cặp vợ chồng nào đẻ một con, thị trưởng thành phố “lì xì” ngay 10 triệu đồng. Đẻ đứa thứ 2, “lì xì” 15 triệu. Từ đứa thứ 3 trở đi, “lì xì” 20 triệu. Sinh đôi hay ba thì cứ mức đó nhân với số con.
Vẫn theo Hùng, bất kể đứa trẻ nào sinh ra và sống ở Đài Loan, không phân biệt quốc tịch bố mẹ, từ 0 đến 6 tuổi, đều được nhà nước trợ cấp tiền sữa, bỉm... khoảng 5- 6 triệu đồng một tháng. Xe ô tô nào mà có chở trẻ con, đến mọi điểm đỗ đều có chỗ đỗ riêng và tất nhiên free.
Khi sản phụ đến kỳ sinh nở, chỉ cần đăng kí thời gian, địa điểm, đúng giờ bác sĩ phải có mặt và trong thời gian lưu tại bệnh viện hầu như mọi thứ miễn phí. Nói hầu như, vì bố mẹ vẫn phải trả một khoản nhỏ.
Ví dụ vợ Lù Việt Hùng phải đẻ mổ, được ở trong phòng riêng đầy đủ tiện nghi cho cả người nhà, sau năm ngày, tổng chi phí phải trả khoảng 10 triệu đồng. Còn lại kệ bảo hiểm đi mà lo nốt phần lớn còn lại.
Nông dân Đài Loan, với mức đóng bảo hiểm không đáng kể, cứ từ 65 tuổi trở lên, đều có trợ cấp, gọi là lương hưu cũng được. Mức hiện tại ở thành phố Đài Nam là 5,5 triệu đồng một tháng, quy ra tiền Việt.
Riêng chuyện xuất bản sách, thì cứ như chuyện bịa. Không ai phải xin giấy phép xuất bản. Nhà nước không kiểm soát nội dung. Nhưng xin mã ISBN thì bắt buộc. Mà là mã sống, chứ không phải mã hình thức, tức là có thể tra cứu toàn bộ thông tin về cuốn sách. Thời gian xin nhiều nhất 3 ngày và không phải nộp một xu nào.
Chính phủ Đài Loan đang khuyến khích mảng sách giấy, vì thế hiện tại, ngoài miễn thuế thu nhập đánh trên mỗi cuốn sách căn cứ giá bán, họ luôn chờ để hỗ trợ tác giả xuất bản (nếu tác giả tự in) cũng như phát hành.
Ví dụ, bạn có bản thảo tiểu thuyết "Mối chúa" hoặc "Đất mồ côi", phản ánh hiện thực hoặc lịch sử đất nước, nhà nước cực kỳ hoan nghênh và bạn hãy cho chính quyền biết dự định xuất bản, số lượng, để họ hỗ trợ thêm về tài chính và tạo điều kiện quảng bá. Ngoài ra có rất nhiều quỹ văn hóa, quỹ văn học... luôn chờ bạn yêu cầu để tiếp sức.
Điều bắt buộc duy nhất là bạn phải nộp 2 cuốn sách mỗi loại cho Thư viện quốc gia”.
Cuộc đi của chúng tôi vừa rồi, có sự góp sức của tới mấy cơ quan, trong đó có các hiệp hội như Văn bút Đài Loan (Trung Quốc), hiệp hội giao lưu văn hóa Đài Loan, quỹ trao đổi Đài Loan – Châu Á..., tức là các quỹ văn hóa, văn học cũng góp phần làm... ngoại giao cho đất nước họ.
Thì chỉ là vài nhận xét nhân “đi một ngày đàng” chứ có thể chả rập khuôn được nước nào với nước nào...