Ý chí, bản lĩnh, thiên khiếu, may mắn hay những bí ẩn của cơ thể khiến một người trần mắt thịt như anh trở thành dị nhân đặc biệt trong hơn 80 triệu dân Việt Nam. Anh đã làm nên những điều kì diệu ngoài sức tưởng tượng của một con người bình thường.
Ở tuổi xế chiều Võ Sư Quốc Cường vẫn cô đơn đi và về
"Dị nhân" nhai bóng đèn và nuốt rắn sống
Sinh ra ở miền đất võ Bình Định, ngay từ nhỏ, Quốc Cường đã say mê học võ và mày mò tìm hiểu những thế võ lạ, khác người. Tuổi thơ của anh trôi đi với cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn đủ điều. Gia đình neo đơn, túng quẫn khiến anh không được theo học đến nơi đến chốn. Thuở ấy, trường làng thường xuyên tổ chức các đợt đấu võ thi tài giữa các bậc võ thuật có thứ hạng, Quốc Cường thường hay thập thò phía sau sàn diễn, cậu được chứng kiến những thế võ tấn công, phòng thủ rất lạ của bậc đàn anh. Ngoài giờ phụ giúp gia đình, Cường lén tìm đến các lớp học võ đạo xin thầy theo học. Vì còn quá nhỏ, nên anh nhận được cái lắc đầu của tất cả các thầy.
Nỗi thèm khát, mong mỏi được luyện võ không vì thế mà tắt lịm. Cường kiên trì, mỗi ngày đều tới tiếp diện thầy, quét dọn sân trường, lau chùi bàn ghế để ghé mắt xem thầy dạy. Cảm động trước nhiệt huyết của cậu trò nghèo, các thầy cho phép anh học võ. Cường được học về nội công, khí công và võ cổ truyền.
13 tuổi, anh phải lao ra đời kiếm kế sinh nhai. Anh phiêu bạt kì hồ khắp nơi có khi sang cả Phnôm Pênh (Campuchia) theo đoàn mãi võ. Anh trải qua rất nhiều những ngón nghề có tên và không tên để duy trì sự sống và nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng trên sàn võ. Từ những năm 80 đầu năm 90 của thế kỉ trước, Cường bắt đầu nghiệp mãi võ mưu sinh. Anh đi biểu diễn ở những tụ điểm quán bar, sân khấu, tạp kỹ các tỉnh phía Nam. Lúc đó, khả năng của anh đã nuốt được rắn lục, cho rắn hổ mang cắn vào tay, dùng tay chẻ sầu riêng, một ngón tay đục thủng dừa khô và nhai bóng đèn...
Quốc Cường kể, anh có thói quen ăn bóng đèn từ năm 30 tuổi. Lúc đầu, anh chỉ ăn để khám phá điều kì diệu ở một vật thể lạ. Mỗi ngày ăn hai bóng, ăn 25 năm thì số lượng bóng đèn lên đến mười mấy ngàn cái. Một điều tưởng chừng không thể đối với người bình thường nhưng với anh bây giờ đã trở thành thói quen mỗi ngày. Anh bảo, ngày nào không được nhai bóng đèn thì thèm lắm và đã nghiện rồi. Một bóng đèn neon còn nguyên vẹn, anh dùng tay bóp nát ra sau đó dốc tất cả vào miệng nhai côp cốp như người ta ăn ngô rang.
Tôi hỏi anh nhai như thế có khi nào bị mảnh vụn cứa vào miệng không? Rồi khi trôi xuống dạ dày, liệu những hạt thủy tinh sắc nhọn, cứng chắc kia có đục thủng bao tử của anh? Cường trả lời tỉnh bơ: "Không hề hấn gì, chịu khó nhai cho nát nhừ sau đó thì nuốt vào là xong. Vào đến bụng rồi thì cái gì cũng tiêu hết, thế nhưng mọi người đừng học theo tôi vì chỉ có cái bụng tôi chịu nổi thứ này thôi chứ vào bao tử người khác sẽ phải đi bệnh viện đấy".
Đó là chuyện nhai bóng đèn, còn chuyện anh nuốt rắn lục sống càng khó tin hơn, thậm chí có người còn ngất xỉu ngay tại chỗ khi chứng kiến màn biểu diễn có một không hai này. Hai con rắn lục đang ngoe nguẩy bỗng chốc bị anh tóm cổ đưa đầu vào miệng rồi từ từ trôi xuống dạ dày. Anh chép miệng một cái, uống một ngụm nước rồi há miệng ra cho mọi người xem. Sau lần nuốt rắn đầu tiên ở Hà Nội, anh bị khán giả giữ lại không cho về để họ theo dõi xem anh có nuốt chúng thật hay không. Một ngày, hai ngày anh không có biểu hiện gì, họ cho anh về với những cái ôm hôn nồng hậu và cảm phục hết lời.
Người ta nói anh là "quái dị" chứ chẳng phải người vì qua những chuyện anh làm nó ngoài sức tưởng tượng của một người bằng xương bằng thịt. Ngoài những pha biểu diễn đùa với tính mạng, anh còn có khả năng đục thủng quả dừa khô chỉ bằng một ngón tay, dùng đầu đập nát trái sầu riêng, dùng giáo nhọn đâm vào yết hầu đẩy xe ô tô tải có trọng lượng 5 tấn... Những điều kì lạ anh làm đồng nghĩa với sự nguy hiểm anh đã trải qua.
Phía sau tràng pháo tay là máu và nuớc mắt
Gặp anh lần đầu, không ít người có cảm giác anh là người dữ dằn với bộ tóc để dài ngang vai, hơi quăn, trán quấn một chiếc khăn màu da trăn, khuôn mặt đen cháy nắng, chai sần. Thế nhưng, khi tiếp xúc với anh mới hiểu anh là một con người rất hiền, vui vẻ và cởi mở. Qua hơn 40 năm làm xiếc cho thiên hạ, vui buồn, tủi hổ, thành công và thất bại đối với anh nó vô cùng lắm. Anh đánh đổi chuyện nghề bằng chính tính mạng của mình và đã vài lần “thần chết” đến gõ cửa nhà anh.
Những hình ảnh này trên báo chí đã không còn xa lạ gì với khán giả
Năm 1992, Quốc Cường thoát xác thử tài với nghiệp diễn viên điện ảnh. Trong cảnh quay của bộ phim "Vết thù năm tháng", anh đóng vai một đại ca, đối thủ của Trần Quang. Trần Quang thì đứng hiên ngang giữa nhóm đàn em của mình còn Quốc Cường nuốt con trăn để thể hiện sự cao cơ hơn. Đến đoạn cuối, con trăn ngộp quá đã cắn luôn vào vòm họng của anh. Máu phun xối xả không cách gì cầm lại được.
Anh được đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng bác sĩ lắc đầu. Anh đã tắc thở, người thân khóc ròng mấy ngày thương tiếc anh, các bác sĩ ở bệnh viện có ý muốn để anh lại mấy ngày để làm phẫu thuật cổ của anh phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Khi ê kíp thực hiện ca mổ vừa xong thì anh cử động trở lại. Mọi người mừng vui chưa hết còn anh nghĩ đến chuyện tự tử vì mình không thể nói được. "Cường cảm thấy cuộc đời mình coi như chấm hết, tương lai tối tăm mịt mù vì miệng cứ ú ớ thế này thì không còn làm được gì nữa", anh kể lại.
Được một vài hôm, đang trong lúc tuyệt vọng thì anh lại nói được (do vết thương ở yết hầu chưa lành nên ảnh hưởng đến giọng - PV). Kiểm tra lại con trăn anh nuốt thì hóa ra là con Nưa có nọc cực độc. Ngày ra viện, anh thề với mọi người và với chính bản thân mình là không bao giờ nuốt trăn nữa nhưng sẽ chuyển sang nuốt rắn.
Với thân hình vạm vỡ, anh được mời đóng các vai phản diện trong những bộ phim hành động của Việt Nam và nước ngoài. Một lần đóng với diễn viên Lý Hùng cảnh trên máy bay, anh là không tặc đang khống chế tiếp viên hàng không. Do chưa chuẩn bị nên anh bị người hùng cứu Mỹ nhân tung một cú đá trời giáng, anh ngất xỉu tại chỗ. Một lần đi Bình Dương thực hiện pha dùng đầu đập gạch, người chủ muốn thử tài của anh đã chọn ra những viên gạch "sịn" nhất. Anh vận công đập mà toát cả mồ hôi, tóa cả máu mà gạch không vỡ. Anh phải dùng đến thiết đầu công mới giải quyết được chuyện tò mò của người dân.
Không thể nhớ đã bao nhiêu lần anh bị phun máu vì khán giả cứ lỡ tay thử bất ngờ vào người anh khi anh chưa kịp chuẩn bị. Sự nghiệp điện ảnh tưởng ít sóng gió ấy rồi cũng qua để lại trong anh những vết sẹo và tai nạn để đời. Nhìn khắp chân tay, mình mẩy của anh là những vết sẹo to có, nhỏ có, cũ và mới cứ chồng lớp lên nhau.
Nổi tiếng trong và ngoài nước với những pha biểu diễn lạ lùng nhất, thế nhưng cuộc sống đời tư của võ sư Quốc Cường thật lắm nỗi truân chuyên. Cách đây 4 năm, người vợ suốt 20 năm gắn bó đã rời bỏ anh vì một căn bệnh hiểm nghèo. Anh chôn vùi nỗi đau vào những màn khí công siêu đẳng. Anh tâm sự với tôi rằng, anh cố gắng tìm kiếm cho riêng mình một bờ vai, một hậu phương khi về già mà sao khó quá. Ba năm có đến 12 người phụ nữ đến với anh nhưng rồi họ đều lặng lẽ ra đi không chút vương vấn. Anh đã khóc trong mỗi lần chia tay như thế mặc dù tình nghĩa chẳng tày gang.
Hoa Nguyên