Nỗi lòng người mẹ
Tiếp chúng tôi, bà Dương Thị Vinh (mẹ của Nguyễn Tuấn Nghĩa) ngẹn ngào trong nước mắt khi kể về đứa con trai. Bà cho biết, từng khóc rất nhiều khi chứng kiến cảnh Nghĩa không bình thường sau vụ tai nạn giao thông. Mặc dù rất đau lòng nhưng ông bà vẫn buộc phải gửi Nghĩa vào bệnh viện tâm thần mong cải thiện bệnh tật. Nhưng bệnh của Nghĩa vẫn không cải thiện được là mấy.
“Mặc dù Nghĩa thần kinh không được bình thường nhưng được cái cháu cũng hiền lành, chưa làm hại ai bao giờ. Nó chẳng kiên trì được việc gì ngoài việc hằng đêm ra bãi sông Hồng tập ngồi thiền…”, bà Vinh nói.
Cũng theo bà Vinh, sau khi bỏ về quê được một thời gian, hiện mẹ con chị Mùi đã quay trở lại với Nghĩa. Do cả Nguyễn Tuấn Nghĩa và chị Lê Thị Mùi đều không có công ăn việc làm nên ông bà phải trợ cấp tiền bạc.
Vợ chồng Nguyễn Tuấn Nghĩa bên hai bé Lê Văn Phả và Nguyễn Thị Đức Hạnh.
Riêng về số phận của bé gái Nguyễn Thị Đức Hạnh và Lê Văn Phả (con riêng của chị Lê Thị Mùi với người chồng trước) bà Vinh khẳng định chúng vẫn được chăm sóc tốt. Hầu như ngày nào chúng cũng qua ăn cơm, trò chuyện với bà. Chỉ có điều, bà không thể đón chúng về ở cùng vì bố mẹ chúng không chịu. Thêm nữa, nhiều năm nay ông bị bệnh, phải nằm một chỗ, mọi việc chăm sóc một tay bà đảm đương nên bà không thể dành nhiều thời gian cho cháu.
Bà Vinh cũng cho biết, việc anh Nghĩa chị Mùi thường xuyên trần truồng hoặc quan hệ trước mặt các con nay đã hạn chế đáng kể. “Dạo trước, khi còn khỏe, Mùi và Nghĩa vẫn hay đi tập ở bãi sông Hồng cùng nhau. Nhưng từ ngày Mùi bị yếu thì hay ở nhà, chỉ mình Nghĩa là ngày nào cũng đi”, bà Vinh nói.
Chính quyền sẽ giúp hai đứa trẻ đến trường
Khi nhắc đến việc cho các con đi học, Nghĩa nói từng dắt cháu Lê Văn Phả đến trường tiểu học gần nhà để đăng kí cho cháu vào học lớp 1 nhưng nhà trường không muốn nhận, mặc dù giấy tờ, lý lịch của cháu đầy đủ. “Tôi không muốn Phả học trong một môi trường mà mọi người sẽ nhìn cháu với ánh mắt kì thị. Từ đó, tôi đưa Phả về, để sau này nếu cháu không theo đạo Phật như tôi thì cũng có hướng học nghề…”, Nghĩa nói.
Thế nhưng theo bà Vinh thì bên tổ dân phố và lãnh đạo phường đã trao đổi với bà sẽ hỗ trợ việc học hành của hai đứa trẻ. “Con bé Hạnh đến tháng 7 này là vừa tròn 4 tuổi chứ không phải đã 6 tuổi như bố nó nói. Còn cu anh thì đã 10 tuổi. Sở dĩ cu anh chưa được nhận vào học trên này vì hộ khẩu của cháu vẫn ở dưới Ninh Giang (Hải Dương), theo học trên này là trái tuyến. Nhưng vừa rồi bác tổ trưởng tổ dân phố cũng đã có qua trao đổi với tôi là lãnh đạo phường sẽ tìm mọi cách giúp đỡ để cho cháu được đi học. Người ta cũng sẽ đề nghị với nhà trường - nơi các cháu sẽ theo học hỗ trợ một phần kinh phí. Vấn đề đặt ra bây giờ là khi các cháu đi học rồi, ai sẽ là người đón đưa các cháu… Tôi thì bận chăm sóc ông nhà nên không thể làm được việc đó. Còn bố mẹ chúng thì tối nào cũng dắt xe ra bãi sông Hồng đến tận gần sáng mới về, rồi hôm sau ngủ đến tận trưa chiều mới dậy. Tôi nhiều lần bảo Nghĩa bớt đi nhưng cháu không nghe. Nghĩa bảo việc ra bãi sông Hồng là tu tập nên không thể bỏ. Còn Mùi thì cũng có thói quen ngủ đến tận trưa mới chịu dậy. Tôi cũng đang đau đầu không biết phải làm sao”, bà Vinh giãi bày.
Ông Phạm Đình Nam, phó chủ tịch UBND phường Phúc La, quận Hà Đông cho hay, gia đình Nguyễn Tuấn Nghĩa là trường hợp được quan tâm đặc biệt của tổ dân phố số 14. Hầu hết trong các cuộc họp, cán bộ phường lẫn tổ dân phố đều rất hay nhắc đến trường hợp của Nghĩa. Đích thân ông Nam đã từng nhiều lần đến nhà Nghĩa để tìm hiểu hoàn cảnh và giúp làm các loại giấy tờ tùy thân, kể cả giấy khai sinh cho bé Hạnh. Ông Nam cũng đã đặt vấn đề với Ban quản lý Khu đô thị Văn Quán tạo công ăn việc làm cho Mùi và Nghĩa nhưng cả hai không chịu làm việc.
Riêng việc liên hệ trường học cho bé Phả và bé Hạnh, phường cũng đã nhiều lần trao đổi với Nghĩa. Tuy nhiên, do có vấn đề về thần kinh nên khi nói chuyện với cán bộ phường và tổ dân phố thì Nghĩa gật đầu đồng ý. Xong mấy hôm sau lại thay đổi ý kiến không muốn cho hai bé đi học. Ông Nam cũng khẳng định, bây giờ, chỉ cần Nghĩa và Mùi đồng ý thì phường có thể sắp xếp cho bé Hạnh vào bất kỳ trường mầm non nào trên địa bàn.
Còn cháu Phả, do đã hơn 10 tuổi nên việc sắp xếp cho cháu vào học lớp 1 ở trường bình thường sẽ rất khó khăn. Nhưng hiện ở phường có một lớp học hòa nhập dành riêng cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt nên phường có thể bố trí cho cháu theo học ở lớp đấy. “Quan điểm chung của phường là không để bất kỳ cháu bé nào trên địa bàn bị mù chữ và sống trong hoàn cảnh đặc biệt. Trường hợp thuyết phục nhiều lần không được, phường sẽ buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để hai cháu được đến lớp theo đúng luật định của nhà nước”, ông Nam nói.
Theo Giadinh.net