'Dị nhân' thổi sáo cực hay bằng lỗ mũi

'Dị nhân' thổi sáo cực hay bằng lỗ mũi

Thứ 2, 22/04/2013 10:26

79 tuổi, ông thổi sáo bằng hai lỗ mũi hay như bất cứ một nghệ sỹ tài năng nào thổi sáo bằng miệng. tay “thần chết” đã từng trên dưới 10 lần “dắt” ông đi nhưng không thắng được sức sống kỳ lạ ở ông.

Ông là Phạm Văn Nâu, SN 1935, ở thôn Dực Liễn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Đứa bé bảy lần nhận "án tử" trong sáu tháng

Năm 1945, ông Nâu khi đó là thằng bé Nâu 10 tuổi, đã chứng kiến cảnh ông nội, bà nội, em gái, em trai và những người hàng xóm chết đói. Lúc đó, bố mẹ cậu không thể lo cho cậu được nữa. Ông Nâu kể: "Tôi không hiểu nhiều nhưng biết rằng, nếu không có cái gì bỏ vào bụng thì sẽ chết. Thế là tôi ra đồng ăn trộm quả đỗ, củ khoai ăn sống xít cho qua ngày đói”. Có lần, khi đang đào trộm khoai ở nhà bà cô họ, Nâu bị người ở của nhà bà cô bắt được, dùng gậy xọc liên tục vào xương hông. Rồi Nâu bị bà cô ôm quật xuống sân đá. "Tôi kêu lên như một con ngóe rồi chết ngất đi. Mọi người hô hoán nhau gọi bố bế tôi về chuẩn bị làm hậu sự. Nhưng tôi không chết...", ông Nâu mím môi, mắt hơi nheo khi kể đến đây.

Xã hội - 'Dị nhân' thổi sáo cực hay bằng lỗ mũi

Ông Nâu đang trổ tài thổi sáo bằng mũi.

Sau trận đòn đó, Nâu lang thang đến chùa làng nhặt một bát nhang cũ và đi ăn xin ở các làng bên cạnh. Ông Nâu kể: "Một lần vào tháng 2/1945, tôi rình lúc bữa cơm đến nhà chú ruột xin ăn vì nghĩ tình thân thể nào chú cũng cho cái gì đó. Tôi cầm bát nhang chìa ra, chú múc cho miệng bát cháo khoai nhưng không cho ăn, cũng không cho mang về. Ông tìm dây trói tôi lại, đánh một trận vì nghĩ tôi làm xấu mặt cả họ. Ông dong tôi về nhà, bố lại đánh tôi một trận nhừ tử".

Thằng bé bị bố đánh không dám về nhà, tiếp tục đi lang thang cho đến tháng 5/1945 mới mò về nhà. Lúc đó mới mùa gặt xong nên bố mẹ Nâu cũng không đuổi cậu đi. Nhưng không may, lần này Nâu lại bị người ta vu oan... ăn trộm bò. Bố cậu phải bán ba sào ruộng để chuộc cậu về. Sau ngày chuộc con về, bố mẹ Nâu cho cậu ăn một bữa thật no rồi bỏ cậu ở chợ gần Đồ Sơn với mục đích để cậu chết. Cậu bé không một mảnh vải che thân khóc hết nước mắt và đi lang thang khắp thành phố Hải Phòng. Cậu được chứng kiến cảnh người Nhật nhặt những người chết, sắp chết chất lên xe bò, đổ xuống sông. "Người chết thì chìm xuống đáy sông. Trẻ con đang còn sống ngắc ngoải cứ chơi vơi yếu ớt trên mặt nước rồi mới chìm xuống... Tôi sợ người ta "nhặt" được mình và cho xuống sông như thế...", ông Nâu kể lại.

Rồi cậu cũng lại tìm được về nhà. Bố mẹ cậu nhìn thấy thằng bé đã bị vứt đường cho chết mà vẫn quay về thì tức giận vô cùng. Bố cậu đánh cậu không thương tiếc. Mẹ cậu lôi con vào úp mặt xuống đống tro. Cậu đang giãy giụa giữa đống tro bếp đợi chết thì được chị gái lôi ra ngoài. Cậu lại thoát chết lần nữa...

Tháng 6/1945, bố của Nâu bị chết vì kiệt sức. Lúc này cậu bé mới dám mò về nhà. Cậu không bị bố đánh nữa, nhưng lại bị những người chú ruột mình đánh rất tàn bạo. Đó là lần cả họ mua đồ về làm giỗ cho ông bà nội Nâu, đồ cúng bị mất sạch. Mọi người đổ hết tội cho cậu. "Năm ông chú, ba ông giữ đầu, giữ chân cho thật chặt, một ông cầm kim băng to xiên vào đùi tôi liên tục. Máu chảy ra như ruồi trâu đốt...", ông nói mà giọng không giấu nổi sự uất nghẹn. Ông còn bị người nhà dùng đá ghè nát bàn tay... Ở nhà, cứ bị mất cái gì, người ta không cần tìm hiểu mà cứ đổ hết tội cho cậu bé Nâu tội nghiệp.

Bước ngoặt bất ngờ giải oan cho cậu bé trời đày

Năm 1952, lúc này cậu bé Nâu đã là chàng thanh niên 17 tuổi, rất khỏe mạnh. Tháng 5/1952, theo như lời kể của ông trong một lần nhảy xuống hồ của nhà Tư cố có thực dân Pháp đóng, Nâu vớt được một quả chuông chùa khảo dập. Nâu đã tìm cách vác quả chuông đến chùa để cung tiến. Nhiều người gạ Nâu bán quả chuông lấy tiền mua quần áo, nhưng cậu từ chối mặc dù cậu rất cần tiền. Chàng trai trẻ mang quả chuông đến chùa Cả Chiêu Tường (thuộc huyện An Dương - Hải Phòng bây giờ). Sau khi cung tiến quả chuông khảo dập, cuộc đời Nâu bước sang một trang khác. Kỳ lạ thay, tất cả những người đổ tội cho Nâu ăn trộm, ăn cắp đều lần lượt tìm ra thủ phạm chứ không phải là Nâu. Ai cũng rất hối hận vì việc đó.

Năm 1954, Nâu 19 tuổi. May mắn lớn nhất của Nâu là cháu gái ông Tổng Lan (thuộc hàng “quan” to nhất nhì huyện Thủy Nguyên) đã phải lòng cậu. Mặc dù gia đình hai bên không môn đăng hộ đối, mặc dù Nâu là đũa mốc, cô Lê Thị Kiến (vợ ông Nâu bây giờ) là người đẹp ở chỗ mâm son nhưng hai người vẫn nên vợ nên chồng.

Xã hội - 'Dị nhân' thổi sáo cực hay bằng lỗ mũi (Hình 2).

Ông Nâu thổi sáo cho những người bạn già cùng đi tập thể dục nghe.

Tiếng sáo thần kỳ

Mỗi lần ông Nâu đi đến đâu, người quen, người lạ đều cứ vây quanh ông. Họ bị hút hồn bởi tiếng sáo trong veo vẻo, du dương đến lạ kỳ được ông thổi bằng mũi. Ông già 79 tuổi cứ vừa đi, vừa lắc lư hông, say mê theo điệu sáo như một chàng trai mới lớn đang căng tràn sức xuân. Ông đi biểu diễn rất nhiều nơi nhưng không nhận tiền của ai. Ông bảo: "Tôi chỉ thích những người xung quanh mê theo tiếng sáo của mình chứ không cần tiền. Mỗi lần thấy họ say mê, tán thưởng, tôi có thể thổi liên tục gần trăm bài hát". Ông bắt chước được cả tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng vượn kêu, tiếng lá cây xào xạc...

Ông Nguyễn Văn Họa, người thôn Dực Liễn, Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết: "Không biết ông Nâu lấy đâu ra sức mà thổi sáo bằng mũi hay đến thế? Công việc hàng ngày của ông là lên núi tìm lá thuốc về chữa bệnh cứu người. Ông cứ vừa leo, vừa đưa sáo vào lỗ mũi, thổi suốt dọc đường. Ông đi nhẹ như đi trên mây, thổi sáo hay như một vị tiên. Nhiều người nghĩ ông là tiên, là phật mới có thể làm được như vậy".

Kỷ niệm của ông Nâu về những lần đi diễn thì nhiều. Nhưng ông nhớ nhất là lần ông sang Thái Lan du lịch. "Tôi lấy sáo ra thổi, khách Tây cứ đi theo tôi, chụp ảnh. Họ nói cái gì tôi không hiểu, nhưng tôi thấy thích lắm. Họ ôm, hôn tôi làm cho bà vợ tôi phát bực mình", ông Nâu nhớ lại.

Những lúc đi đâu xa, ông thủ thêm mấy cây sáo. Lên xe, chỗ đông người, ngồi một mình ông đều thổi sáo say mê. Rất nhiều người bắt chước ông thổi sáo bằng mũi, nhưng chưa ai làm được. Người ta cứ tin ông có một thứ quyền năng đặc biệt. Ông cười: "Làm gì có gì bí mật đâu. Hồi nhỏ, những lúc đi chăn trâu, bới khoai, tôi nhặt cành cây đu đủ, đục lỗ giống như cây sáo để thổi chơi. Tôi chẳng biết học nhạc như thế nào, cứ nghe bài hát, nghĩ trong đầu thế nào thì thổi thế. Khi thổi hay bằng miệng, tôi muốn tìm cách nào đó thổi sáo cho bớt nhàm nên chuyển qua mũi thổi. Tôi thấy hay nên tập cho đến khi thổi bằng mũi giống như thổi bằng miệng. Chán thổi một bên, tôi tập thổi cả hai bên mũi. Chuyện có thế thôi".

Trải qua những năm tháng cực nhọc, cay đắng của cuộc đời, ông Nâu bây giờ là một ông già hạnh phúc. Không chỉ ông tự nhận mà mọi người đều tin trong cuộc đời ông, thực sự có sự hiện hữu của những điều kỳ diệu.          

Tiếng sáo cứu cánh tâm hồn

Ông trầm ngâm chiêm nghiệm: "Nếu có một điều kỳ lạ trong việc tôi thổi sáo thì chính là mỗi lần tôi bị đày ải, oan ức, tôi có thể vui vẻ ngay sau đó được mà không để bụng, không thù hận ai chính nhờ tiếng sáo. Cứ đang đau đớn, tôi vớ cành đu đủ thổi là tôi lại toe toét cười được ngay. Sức mạnh tinh thần đó cùng với niềm tin đã giúp tôi vượt qua tất cả mọi khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống".

Trường Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.