"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC

"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 7, 07/12/2024 09:00

Nhận nhiệm vụ quay trở lại điều hành FLC trong bối cảnh hiện nay, dàn lãnh đạo FLC sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề còn tồn đọng cần được giải quyết.

HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (UpCOM: FLC) vừa công bố nghị quyết bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.

Theo đó, ông Vũ Anh Tuân được bầu là Chủ tịch HĐQT FLC, thay thế ông Lê Bá Nguyên vừa được miễn nhiệm chức vụ này để đảm nhận các trọng trách khác do HĐQT giao phó.

Bên cạnh sự tân Chủ tịch HĐQT, FLC cũng phát đi thông báo thời, bà Bùi Hải Huyền được giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn. Cả hai nhân sự trên đều là "người cũ" của FLC khi đã có thời gian công tác tại doanh nghiệp trước đây.

Nhận nhiệm vụ quay trở lại điều hành FLC trong bối cảnh hiện nay, dàn lãnh đạo "bình mới rượu cũ" này sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề còn tồn đọng cần được giải quyết.

Từ đỉnh cao tới vực sâu

Trên cơ sở hợp nhất các công ty thành viên, Tập đoàn FLC được thành lập năm 2010 bởi ông Trịnh Văn Quyết. Tới năm 2011, cổ phiếu này ngay lập tức được đưa lên sàn chứng khoán HNX và chuyển sang HoSE vào năm 2013.

FLC đã cho ra đời hàng loạt các hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng – sân golf FLC Sầm Sơn tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; FLC Quy Nhơn tại Quy Nhơn, Bình Định góp phần đánh thức tiềm năng du lịch tại các địa phương.

Ngoài ra, FLC còn triển khai nhiều dự án ở các phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản.

Song hành cùng mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản, FLC cũng mở rộng đa ngành, hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực tiếp tục được đưa lên sàn chứng khoán, như: Xây dựng và vật liệu (CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC, UpCOM: GAB); chứng khoán (CTCP Chứng khoán BOS, UpCOM: ART); nông nghiệp, hóa chất (CTCP Nông dược H.A.I, UpCOM: HAI); du lịch - giải trí (CTCP Đầu tư Thương mại & Xuất nhập khẩu CFS, UpCOM: KLF); dịch vụ bán lẻ (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, UpCOM: AMD).

"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết hầu tòa sáng 22/7/2024.

Không những hoạt động "dưới đất", cánh tay của FLC còn nối dài lên "bầu trời" khi thành lập nên hãng hàng không Bamboo Airways, chuyến bay đầu tiên cất cánh vào đúng tháng đầu năm 2019.

Hãng bay tư nhân này nhanh chóng chiếm tới 20% thị phần nội địa, trở thành đối thủ đáng gờm của 2 "tiền bối" là Vietnam Airlines và VietJet Airs.

Ông Trịnh Văn Quyết khi ấy đã đưa tên tuổi của FLC lên thời kỳ đỉnh cao: quỹ đất trải dài với loạt dự án giúp thay đổi diện mạo nhiều địa phương khiến ông Quyết được ca ngợi là người "lấy cát dát thành vàng", hãng hàng không dù non trẻ về tuổi đời nhưng tên tuổi không mấy thua kém những hãng bay "quốc nội" lâu đời trước đó…

Bất ngờ ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" và "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Xáo trộn nhân sự trên diện rộng

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, FLC thông tin vụ việc này liên quan đến các giao dịch mua bán chứng khoán của cá nhân ông Quyết, FLC không phải là chủ thể có liên quan hay có những hoạt động liên quan.

Theo FLC, vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn.

Nhưng không sai khi nói, mọi chủ trương, chiến lược, hoạt động của hệ sinh thái FLC đều gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết nên khi vị lãnh đạo này vướng vòng lao lý, doanh nghiệp cũng khó tránh khỏi cảnh lao đao.

Đã gần 3 năm trôi qua kể từ khi ông Quyết bị bắt, FLC vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hiện hữu, khó để giải quyết trong ngày một ngày hai.

"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC- Ảnh 2.

Nhiều nhân sự chủ chốt từng "vào sinh ra tử" cùng ông Trịnh Văn Quyết lần lượt rời đi.

Ngay sau khi cựu Chủ tịch HĐQT bị bắt, hàng loạt nhân sự chủ chốt, cấp cao của FLC lần lượt rời đi.

Những cái tên quen thuộc, từng là cộng sự thân tín của ông Trịnh Văn Quyết như bà Vũ Đặng Hải Yến, ông Đặng Tất Thắng, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm… nối dài danh sách từ nhiệm của Tập đoàn.

Những chiếc "ghế" lãnh đạo cứ được lấp đầy rồi lại bỏ trống, làn sóng từ nhiệm rồi bổ nhiệm mới dập dìu vây lấy doanh nghiệp. Những vị trí từng được nhiều người mong muốn được đương nhiệm nay như quả bóng được đá từ chân người này sang nhân sự khác không hồi kết.

Bộ máy nhân sự của FLC tính đến nay đã giảm 60% nhân sự cơ hữu sau quá trình tái cấu trúc. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban. Hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết gồm 14 công ty con (do Tập đoàn FLC sở hữu từ trên 50-100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.

Hàng loạt cổ phiếu "họ" FLC cùng cảnh ngộ

Vấn đề lớn nhất của FLC trên sàn chứng khoán là cổ phiếu bị "phong sát" hàng loạt. Loạt cổ phiếu mang "họ FLC) gồm FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS và GAB đến nay đề bị huỷ niêm yết, đã không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết mà chuyển về UpCOM.

Nguyên nhân của việc này là do các doanh nghiệp liên quan đến FLC đều chậm nộp báo cáo tài chính.

HoSE cho biết quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc bởi các doanh nghiệp này đều "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin".

Trong đó, riêng FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của mình.

"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC- Ảnh 3.

Diến biến thị giá cổ phiếu FLC trước khi bị đình chỉ giao dịch.

Từng là cổ phiếu được bao người săn đón, giao dịch sôi động thuộc hàng top đầu thị trường chứng khoán (lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam có 8 phiên giao dịch vượt ngưỡng thanh khoản 100 triệu cổ phiếu, thì FLC chiếm tới 3/8 phiên).

Thị giá có những thời điểm leo lên tới gần 200.000 đồng/cổ phiếu, mã FLC kết thúc hơn một thập kỷ làm mưa làm gió trên sàn chứng khoán của mình với vùng giá "trà đá" 3.500 đồng/cổ phiếu, loạt cổ phiếu cùng "họ" cũng chỉ chập chững trên dưới 1.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, cho rằng việc vi phạm công bố thông tin do "hoàn cảnh bất khả kháng", FLC vẫn liên tục kiến nghị cơ quan quản lý xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu và khẳng định đang nỗ lực xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định.

FLC cho biết đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư Vấn UHY (UHY) tại cuối năm 2022.

Kiểm toán và Tư vấn UHY được thành lập vào năm 2006, với đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tự Trung, doanh nghiệp này vừa nhận trái phạt của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước do kiểm toán viên thuộc công ty này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục và chưa thu thập đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán theo chuẩn mực.

Trong quá khứ, công ty này cũng có lịch sử chuyên ký ký kết hợp đồng kiểm toán cho báo cáo tài chính với các công ty nằm trong diện cảnh báo, hạn chế hoặc đình chỉ giao dịch.

Dự án bị "khai tử", nặng gánh nợ nần

Tại báo cáo tài chính quý III/2022 – báo cáo tài chính cuối cùng mà Tập đoàn này đưa ra từ đó tới nay cho thấy công ty lỗ luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 hơn 1.891 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 đang lãi hơn 73 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, công ty ghi nhận có hơn 28.271 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 78% tổng tài sản và cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính đạt 5.015 tỷ đồng.

Các khoản nợ trên được FLC thế chấp chủ yếu bằng quyền sử dụng đất, các tài sản gắn liền với đất và tài sản khác.

Phần lớn hợp đồng vay vốn của FLC được ký kết trong hai năm 2020-2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, hàng không của tập đoàn này bị ảnh hưởng.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 được tổ chức vào hồi tháng 2/2024, lãnh đạo FLC cho biết Tập đoàn đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc tái cấu trúc tài chính và định hình lại các lĩnh vực kinh doanh.

Song tới ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 năm 2024 tổ chức giữa tháng 11/2024 vừa qua, doanh nghiệp lại chia sẻ đang đối mặt với khoản cưỡng chế thuế và hóa đơn lên tới 955 tỷ đồng, bao gồm 98 tỷ đồng phát sinh từ hoạt động kinh doanh và 856 tỷ đồng liên quan đến thuế đất tại các dự án đầu tư, cho thấy bức tranh tài chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Có những thời điểm, FLC nhận về cùng lúc 20 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế. Điều này đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.

"Di sản" thời ông Trịnh Văn Quyết và những thách thức với dàn lãnh đạo mới của FLC- Ảnh 4.

Nhiều dự án trên các tỉnh thành của FLC bị "khai tử".

Không chỉ chịu áp lực về tài chính, loạt dự án của FLC bị "đóng băng" cũng khiến doanh nghiệp khó để cơ cấu được dòng tiền chi trả.

Trong số 54 dự án đang được FLC triển khai, 12 dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hết hạn tiến độ, và 8 dự án đang đối mặt nguy cơ thu hồi. Bên cạnh đó, 14 dự án đã chấm dứt hoạt động, bao gồm cả việc FLC tự nguyện dừng hoặc bị tỉnh thu hồi.

Tại các tỉnh như Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Ngãi… FLC đều đã nhận về quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và chấm dứt hoạt động các dự án dang dở.

Một tình trạng khác của các dự án của FLC đó là đang nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất rất lớn, tổng nghĩa vụ tài chính phải nộp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này là rào cản rất lớn trong việc địa phương tháo gỡ vướng mắc các thủ tục pháp lý của dự án.

Dàn lãnh đạo mới có đưa FLC tới "hồi thái lai"?

Đứng trước "di sản" mà cựu lãnh đạo Trịnh Văn Quyết để lại, việc tái cơ cấu và vực dậy doanh nghiệp đặt ra thách thức lớn đối với ban điều hành mới.

Dù vậy tại Đại hội, lãnh đạo Tập đoàn FLC khẳng định doanh nghiệp đang từng bước tái cấu trúc mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, đồng thời giữ vững cam kết với cổ đông và khách hàng.

Doanh nghiệp cũng cam kết sẽ trả nợ thuế đúng hạn, xem đây là khoản đầu tư dài hạn mang lại giá trị lớn cho các dự án tiềm năng, vấn đề được ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Về vấn đề cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, FLC cho biết dù đã tìm được đơn vị kiểm toán nhưng do một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, liên hệ nhân sự cũ làm rõ và một số lý do khách quan nên BCTC 2021 vẫn chưa được công ty kiểm toán xác định, làm rõ.

Khẳng định công ty sẽ cố gắng phối hợp cùng đơn vị kiểm toán hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin để đưa cổ phiếu FLC giao dịch trở lại trên sàn UpCOM, nhưng lãnh đạo FLC vẫn chưa thể đưa ra thời gian chính xác cho sự trở lại này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.