Hôm qua, mình đọc được một bài viết với nội dung: Tết ở quê chồng nhà bạn ý có tục lệ đến Tết nhà cô bác, họ hàng bằng cân đường, gói mì chính hoặc hộp bánh...
Bạn ấy muốn ngỏ ý các mẹ giúp bạn ấy vài gợi ý về quà bánh đi Tết. Mình thấy có mẹ thì ngạc nhiên, có mẹ nhìn thấy nét đẹp trong truyền thống đi Tết, có mẹ lại thấy nó không đẹp... mỗi người mỗi ý.
Mình - người con đất Nam Định, nơi có truyền thống đi Tết cô bác, họ hàng bằng cân đường, gói mì, đôi khi gói bột nêm, chai dầu ăn... có đôi lời chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân.
Mình đã bước qua được cái ngưỡng 33 và đón chào mùa xuân thứ 34. Cả khi còn nhỏ hay khi đã đi lấy chồng mình đều được xách làn bánh, đường, mì chính... đi Tết.
Nhỏ thì được đi cùng bố mẹ, anh chị em. Khi lấy chồng rồi thì gia đình nhỏ của mình vẫn nối tiếp truyền thống đi Tết đó. Đi Tết có thể vào chiều 30 hoặc mồng 1, mồng 2 Tết. Với cá nhân mình, mình thấy đó là một nét đẹp, một truyền thống đẹp, một cái “lệ quê” nên gìn giữ.
Thứ nhất: Về việc đi Tết họ hàng
Sẽ có nhiều bạn nghĩ rằng, Tết mà đi khắp lượt cô bác, họ hàng thì mất thời gian lắm với ngại cái khoản chào hỏi nọ kia...
Với mình, đã bao năm rồi, dù ngày Tết có mưa, rét, đường xa hay là khi có con nhỏ... mình vẫn luôn cố gắng đến chơi Tết nhà họ hàng.
Cả năm bận rộn làm ăn, xoay vần với cuộc sống. Tết ấy là dịp, là cơ hội để đến chơi nhà người thân.
Những lời thăm hỏi, những câu chuyện không đầu cuối cũng giúp tình cảm thêm xích lại và để mình biết thêm thông tin về người họ hàng của mình một năm qua cũng như những dự định sắp tới.
Nếu bạn thấy thật phiền phức khi phải đi Tết hết họ hàng. Vậy bạn có nghĩ, ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm giữa những người được gọi là “họ hàng” mà không có sự tương tác thì tình cảm dần sẽ bị mai một và rồi đến lúc sẽ lạnh lùng như người dưng không?
Có bạn nào giật mình khi điểm lại những người họ hàng mà cũng lâu lâu rồi mình không biết thông tin về họ?
Thứ hai: Quà Tết
Lệ quê mình vẫn là đi Tết cân đường, gói mì chính, chai dầu ăn đấy. Có thể sẽ rất nhiều bạn thấy quà Tết chi mà buồn cười vậy? Các bạn có thể nhìn theo chiều hướng tích cực.
Những món quà Tết đó đúng là “buồn cười” thật nhưng nó là những thứ hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình.
Có bạn sẽ nói, ai ai cũng Tết kiểu đó thì tủ sẽ đầy ứ ự.
Vâng, đúng là sau dịp Tết thì trong mỗi gia đình đều đầy ắp đường, mì chính, bột nêm... Nhưng những thứ đó không phải dùng cho mỗi dịp Tết mà nó được dùng cho cả năm.
Như vậy, nó không phải là dư thừa, lãng phí đúng không ạ?
Lệ Tết này đã có từ bao đời, cho đến thời điểm ngày nay đời sống vật chất của con người ở quê cũng đã khá hơn rất nhiều. Những thứ trên không phải tích trữ nữa nên quà Tết không nhất thiết phải y nguyên là cân đường, gói mì,... thay đổi hay không ở chính bản thân, tấm lòng của người đi Tết.
Mà duy trì những món quà đó cũng chẳng có gì là không tốt, không đẹp phải không nào?
Thứ ba: Cách hành xử của người đi Tết và người được biếu quà Tết
Các bạn sẽ thấy thật là rắc rối, phiền phức khi mà người được biếu quà Tết cứ một mực không nhận quà; còn người đi Tết thì một mực mong cô bác nhận giúp cháu.
Đưa đi, đưa lại, đẩy qua, đẩy lại quả thật rất mệt. Song, mình thì nghĩ đó cũng là một nét đẹp.
Sở dĩ, người được biếu quà Tết không nhận là vì nghĩ cho con cho cháu, bởi Tết nhất mua sắm chi tiêu nhiều nên thường cô bác sẽ nói: “Cô (bác) nhận rồi, cô (bác) cho lại các con để đi Tết nơi khác”.
Còn người đi Tết thì luôn muốn cô bác mình nhận quà bởi lẽ: “Bọn con, cháu bận bịu quanh năm suốt tháng chẳng có dịp đến chơi nhà cô bác, quà chẳng có nhiều và cũng không có giá trị vật chất quá lớn, gọi là có chút ít tỏ tấm lòng”.
Đó, lý do của việc đưa đẩy từ hai chiều đều hợp lý, nó xuất phát từ tình cảm đẹp đấy chứ.
Trên đây là cái nhìn từ góc độ cá nhân mình. Tết cũng gần kề rồi, mình xin có đôi lời chia sẻ tới mọi người một chút về cái lệ Tết ở quê hương Hải Hậu - Nam Định của mình. Hy vọng lệ Tết đó sẽ góp phần phong phú thêm nền văn hóa Tết Việt Nam.
Lương Duyên