Tại phiên thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 13/6, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đánh giá, Luật Thanh tra đang được sửa đổi một cách toàn diện.
Theo ông, đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Ông Hiếu chỉ ra, năm 2016, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan.
Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.
“Nhưng đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, không khiến doanh nghiệp an tâm. Những nội dung này phải được luật hóa. Và việc sửa đổi Luật Thanh tra là cơ hội để thực hiện yêu cầu này”, ông Hiếu nhìn nhận.
Theo đó, vị đại biểu đề nghị cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp. “Điều này tôi chưa thấy có trong dự thảo Luật Thanh tra đang trình Quốc hội”, ông Hiếu nói.
Ông cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn, nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lắp, chồng chéo lớn, nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau. Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra.
Bên cạnh đó, thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật, chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm, nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị thực hiện nguyên tắc áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp quy định pháp luật thiếu rõ ràng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Song, vị đại biểu Quốc hội cho rằng đây là quan điểm cá nhân của ông. Nếu áp dụng theo nguyên tắc này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có động lực hoàn thiện các quy định, đảm bảo minh bạch và công khai trong thực thi. Phải nói là cách hiểu khác nhau chứ không hiểu theo cách vi phạm các quy định của luật.
Nhằm đảm bảo giảm gánh nặng thanh tra cho doanh nghiệp, ông cũng đề nghị xác định rõ quan hệ giữa quy định của luật này với quy định về thanh tra chuyên ngành trong các văn bản luật khác, đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc chung.
Bấm nút tranh luận với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cho rằng, trong quản lý thanh tra cần phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, đồng thời phát huy đột xuất.
Bà đặt câu hỏi tại sao trong các lĩnh vực có nhiều vi phạm, nhưng kết quả báo cáo thanh tra tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp?
Đại biểu nêu rõ: “Đó là vì khi thanh tra theo kế hoạch, lại còn báo trước thì người ta sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp đoàn thanh tra. Tôi luôn nói với đội ngũ thanh tra của chúng tôi là khi thanh tra phải bất ngờ mới phát hiện các sai phạm, tổng hợp thông tin từ quần chúng, làm được như vậy thì hoạt động thanh tra mới hiệu quả”.
Cũng theo vị đại biểu này, hiện nay, đội ngũ thanh tra thường tập trung vào vấn đề tiền kiểm, làm sao để thẩm định cấp một giấy phép cho tốt. Nhưng sau đó, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, lực lượng thanh tra lại không đủ lực lượng để tiến hành.
Vì vậy, nếu chỉ trông cậy vào hoạt động thanh tra theo kế hoạch, lại được báo trước thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu sợ có tiêu cực trong thanh tra, phải có cơ chế giám sát, luân chuyển cán bộ, có các biện pháp răn đe.
“Không phải vì điều này mà chúng ta lựa chọn phương án dễ nhất là cứ đến hẹn lại lên, thanh tra theo kế hoạch, có thông báo trước cho doanh nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.
Hoàng Bích - Thu Huyền