Xung quanh những câu chuyện về đồng “cốt’’ là cả một chuỗi những tình huống, câu chuyện bi hài mà chính người trong cuộc cũng không thể ngờ tới. Từ hôm nay, báo Người đưa tin sẽ đăng loạt bài “Những bi hài xung quanh chuyện đồn cốt gọi hồn” để phản ánh đầy đủ về cái “thế giới” mà ít người biết đến này.
Cô chê tiền Việt rồi lục ví lấy tờ đô la để làm lộ phí về cõi âm
Để chuẩn bị cho một lễ cầu hồn, tùy từng nơi, từng địa điểm sẽ người ta có những quy định khác nhau. Thông thường, lễ vật chỉ gồm chè, thuốc, gói bánh, thẻ hương, còn phần “thành tâm” tùy thuộc vào gia chủ. Trong “thế giới” này, tiền dương thế vẫn có giá trị để quyết định sự nhanh hay chậm trong việc chuyển phát nhanh ngân phiếu xuống “ngân hàng địa phủ”.
Một buổi lễ gọi hồn
Tôi đi cầu hồn
Một buổi đang ngồi nhậu cùng ông bạn già ở phố Trường Trinh (Hà Nội) thì có một người bạn khác đến. Qua ông bạn già giới thiệu, tôi được biết người mới đến này tên T, vốn là cán bộ nghiên cứu của một viện khoa học xã hội. Thấy tôi tự giới thiệu là phóng viên, đang có nhã hứng tới những chuyện tâm linh, anh T đã có một buổi “đại khai nhãn giới” cho tôi về vong, hồn, bùa chú. Thấy PV vẫn chưa tin lắm, anh T hứa hẹn buổi hôm sau sẽ đưa tôi và ông bạn già đi dự một lễ cầu hồn để minh chứng cho những điều mình vừa nói.
Đúng 9h sáng hôm sau, anh T gọi điện báo với tôi đã liên lạc được với “cô”. “Cô” cũng là người làm công ăn lương trong một công ty nhà nước nên phải nể lắm “cô” mới bố trí được một buổi chiều lo việc tâm linh cho chúng tôi. Để tránh đi vào giờ thiêng, tức khoảng 12h - 13h trưa, “cô” bảo đó là giờ các “quan trên” đi tuần nên chúng tôi có một bữa nhậu nhỏ lai rai trước cửa tòa soạn. Vừa nhậu, anh T trỏ tay ra xe bảo: “Em ngồi ở đây thôi nhưng trên xe đã có người nhà của em ngồi sẵn đi cùng rồi”. Tôi thấy chột dạ và cũng tò mò không biết người đi theo mình là ai.
Trên đường đi, tôi cứ khấp khởi đoán già đoán non về “cô”. Hóa ra “cô” cũng chỉ hơn tôi một vài tuổi. Mặc dù “cô” chưa đến ba mươi nhưng đã có đến hơn mười năm làm cầu nối giữa hai thế giới âm dương. “Cô” được “lộc” của các liệt sĩ ở Trường Sơn nên nói thiêng lắm. Cũng không quan trọng việc đặt lễ bao nhiêu mà tùy tâm theo khách nên tới giờ vẫn chưa bị mất “lộc”. Anh T bảo chúng tôi như thế. Đi đến địa phận thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ông bạn tôi bảo dừng xe lại trước một cửa hàng tạp hóa rồi rủ tôi vào mua mấy thứ gọi là làm quà cho các “cụ”.
Hơn 3h chiều, đường vào nhà “cô” vẫn vắng ngắt. Xe chúng tôi đậu lại trước cửa một ngôi nhà ngói ba gian. Một bà cụ hơn 60 tuổi chạy ra đón tiếp. Bà có vẻ quen thân với hai ông bạn tôi lắm. Anh T rỉ tai tôi bảo: “Em đưa tiền cho cụ sắm lễ cho. Mỗi vong gọi về là một lễ. Trước kia chỉ chừng 30.000 đồng nhưng giờ chắc lên tới 50.000 đồng rồi”. Tôi lật đật đưa bà cụ 100 nghìn đồng một lễ rồi đi theo vào ngôi nhà tầng ở đối diện. Hóa ra nơi mà chúng tôi vừa đặt chân đến chỉ là chỗ ở của “cô”. Bà cụ giúp chúng tôi đặt lễ lên ban thờ. Mỗi lễ bao gồm một gói chè chừng hai lạng, một bao thuốc lá Thăng Long và một gói bánh quy. Đây chỉ được coi là chút lòng thành để xin phép các bậc bề trên trong nhà và báo cáo với các quan về việc của chúng tôi ngày hôm nay.
Người xếp hàng đến xin gọi hồn luôn trong trạng thái chờ đợi
Người âm chê tiền Việt, thích đô la
Chúng tôi vào đợi được một lúc thì “cô” về. Vẫn nguyên trang phục công sở, “cô” vui vẻ chào chúng tôi rồi bắt tay ngay vào việc. Chuẩn bị tinh thần trước là sẽ có một buổi lễ với khói hương nghi ngút nên tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy “cô” chỉ khấn thổ địa, gia tiên và các quan trên rồi lập tức “ốp đồng”. Hai ông bạn đỡ lấy lưng “cô”, vỗ vỗ mấy cái trong lúc “cô” rơi vào trạng thái “trống rỗng”. Thấy “cô” rùng mình, anh T ra hiệu với tôi là hồn đã về. Người nhà của bạn tôi về trước nên tôi và anh T lui lại phía sau ngồi.
Nghe ra thì biết người về là bà cô tổ của ông bạn tôi. Bà cô thiêng lắm, lần nào về cũng phải vào trước. Có những lần đi coi ở nơi khác, trong khi những người phải ăn chực nằm chờ hàng chục ngày thì bạn tôi đến được gặp bà cô ngay. Được biết, bà cô anh bạn tôi chết khi còn là con gái. Là người học cao hiểu rộng, con nhà gia giáo nên bà đáo để lắm. Các cụ tổ tiên trong nhà cũng phải nể mà cắt cử bà lên để lo việc phân chia công việc của các vong trong nhà. Anh T bảo, chuyện tâm linh không nhất thiết cứ phải tuổi cao mới chức trọng. Chỉ cần người có tài, có đức là được nể nang ngay.
Vừa nhập vào xác “cô” đồng, bà cô đã bắt đầu lớn tiếng quát đứa cháu trai lâu ngày không đến thăm. Bà hỏi han chuyện nhà chuyện cửa xong xuôi và củng cố niềm tin cho cháu mình chuyện làm ăn, không quên nhắn nhủ: “Mày cứ yên tâm, chuyện này để bà lo. Bà sẽ hối người ta nhanh chóng thanh toán tiền cho mày để lấy vốn mà đầu tư”. Nói được một lúc, bà cô cho gọi chúng tôi vào, chia cho mỗi người một cái bánh làm quà. Đang vui chuyện, bà cô quay sang bảo tôi và anh T: Người nhà nhà các cô các cậu đi cùng xe của cháu tôi thì lát về phải trả tiền xe cho cháu tôi đấy nhé. Không trả thì lần sau đừng hòng tôi cho lên xe!. Chúng tôi chỉ còn nước cười trừ dạ vâng.
Đến lượt mình, tôi căng thẳng không biết người đi theo mình là ai nên xin phép gọi người ấy lên. Thấy “cô” rùng mình một lúc nghĩa là hồn đã nhập nhưng vẫn không thấy nói năng gì, anh T thay lời tôi: “Dạ, xin hỏi chúng cháu phải gọi cụ như thế nào ạ ?”. Tỏ vẻ giận dỗi, mãi "cô” mới buông ra từng tiếng. Hóa ra vẫn là “người thiêng nhất” trong họ, tức bà cô tổ. Bà chỉ tay mắng mỏ tôi không thành tâm hỏi han thờ phụng rồi đùng đùng đòi đi.
Ngồi đằng sau, anh T nhắc tôi gửi biếu bà một chút lộ phí đi đường. Tôi lúng túng rút trong ví ra một tờ 100 nghìn. Lúc này, chẳng ai biết người đang nói chuyện với tôi là bà cô tổ hay “cô” đồng. “Cô” gạt đi bảo: “Mang về cho cha mẹ mày. Đưa tao rồi lát về lấy gì tiêu!?”. Để củng cố niềm tin cho bà, tôi đưa ví ra: “Cháu còn tiền”. Tỏ vẻ hoài nghi, “cô” bèn cầm lấy ví trên tay tôi kiểm tra. Thấy có mấy tờ tiền đô la, “cô” bèn cầm một tờ 50 đô la duy nhất và hỏi: “Sao mày không biếu bà tờ này để bà lo liệu chuyện ở dưới kia?”. Anh T đứng cạnh vỗ vai “cô” và nói: “Bà ơi, tờ này to lắm, bằng mười mấy tờ kia. Cháu nó còn về đường xá chi tiêu nữa, để lần sau cháu nó lên cháu nó biếu bà tờ khác”. “Cô” bèn thanh minh: Không phải tôi ham gì tiền của anh, của chị. Chỉ là tôi thương cháu tôi tôi muốn lo liệu chuyện cho nó được chu đáo mà thôi. Trước lúc thăng, bà tổ cô trong thân xác “cô” đồng còn nhắn nhủ Chủ nhật tuần này tôi nhớ phải lên đấy thăm bà. Bà còn nhiều chuyện phải nói với tôi nữa.
Buổi lễ cầu hồn diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ. Khi chúng tôi bước ra gian ngoài đã thấy lố nhố những bà, cô đang chờ đến lượt. Hóa ra được tin “cô” xin nghỉ việc cơ quan, các bà đã đã đến xin cô cho gặp người nhà. Được biết, bình thường, “cô” chỉ làm việc vào các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy, Chủ nhật, còn
Gọi hồn từ châu Âu về dễ hơn châu Á? Tôi dè dặt hỏi liệu mình đi gọi hồn như thế này thì có làm phiền tới việc yên ổn của các cụ ở thế giới bên kia hay không. Anh T cười lớn trả lời: “Tất nhiên là không rồi”. Anh T bảo, việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ cõi âm về cõi trần của các hồn theo những chiều rất riêng, có khi chỉ là nháy mắt. Hồn nào càng thiêng thì thời gian đi về càng nhanh. Đôi khi cũng có gặp trắc trở trên đường đi, phải gọi đến dăm ba lượt mới tới nơi được. Anh T bảo, nếu gọi những hồn ở nước ngoài về thì với những nước châu Âu dễ dàng hơn là châu Á. Có lẽ do “cơ chế mở” nên các cửa ải cũng ít hơn. |
Trầm Ngải
Kỳ 2: Dưới âm cũng học...ngoại ngữ để phù hộ người trần