Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, truyền thống văn hóa lâu đời và có nhiều khu di tích lịch sử, lễ hội nổi tiếng như: Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Phủ Na (huyện Như Thanh), Núi Nưa – An Tiên (huyện Triệu Sơn) …
Khu di tích An Tiên nằm trên núi Nưa, thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu đánh quân Đông Ngô xâm lược...
Theo truyền thuyết, Mùng 9 âm lịch hàng năm là ngày mở cổng trời, các huyệt đạo được xem là nơi giao thoa của trời đất nên rất linh thiêng.
Ngày từ những ngày đầu xuân Quý Mão, do thời tiết thuận lợi, người dân địa phương và du khách thập phương đã lên núi Nưa nơi có khu di tích An Tiên để thắp hương cầu may, cầu phúc và vãn cảnh. Lượng khách về chiêm bái tại An Tiên ngày càng đông.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, sáng Mùng 6 Tết, thời tiết tại núi Nưa có mưa phùn, giá rét, nhiệt độ ngoài trời trên đỉnh khoảng 10 độ C. Trời mưa, cái rét, không ngăn được dòng người về núi Nưa nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và là một trong 4 huyệt đạo linh thiêng của nước ta chiêm bái.
Di tích An Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa hùng vĩ. Muốn lên đỉnh núi phải vượt qua khoảng 3km đường đèo dốc. Để đảm bảo an toàn cho du khách, BQL Khu di tích An Tiên cắm biển cấm xe máy tay ga và xe ô tô trên 16 chỗ ngồi lên núi, bố trí lực lượng an ninh phân luồng giao thông, đảm bảo ANTT, đồng thời bố trí xe đưa du khách lên huyệt đạo để chiêm bái, vãn cảnh.
Mùng 7 Tết, thời tiết thuận lợi hơn nên lượng du khách về khu di tích An Tiên khá đông. Theo nhận định của BQL khu di tích, theo thông lệ, Mùng 9 tại núi Nưa sẽ diễn ra lễ hội mở cổng trời, lượng du khách đến với An Tiêm chiêm bái rất đông, dễ gây ùn tắc giao thông
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa rừng (chúa Thượng ngàn). Tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na.
Nơi đây còn được biết đến là vùng đất linh thiêng - nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Tại đây, bà đã dừng chân để chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sĩ, luận bàn kế sách hành quân đánh giặc.
Ông Bùi Đức Chính – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du (Trưởng BQL khu di tích Phủ Na) cho biết, Phủ Na là di tích cấp tỉnh nên do UBND xã Xuân Du quản lý. Theo thông lệ, lễ hội Phủ Na xuân Quý Mão chính thức diễn ra từ ngày Mùng 1.
Ngày đầu khai hội, do dịch bệnh Covid -19 được khống chế, thời tiết thuận lợi nên người dân địa phương và du khách đến với Phủ Na khá đông. Ước đoán, hết Mùng 6 Tết đã có khoảng 14.000 dung khách đến lễ bái, vãn cảnh tại khu di tích Phủ Na.
Ban quản lý khu di tích đã lên phương án, đốc thúc và tăng cường kiểm tra việc chấp hành công tác PCCC, ANTT, ATVSTP … và đặc biệt không để tình trạng mê tín dị đoan, cờ diễn ra công khai, phức tạp tại lễ hội.
Các mặt hàng bày bán tại lễ hội Phủ Na phần lớn là sản vật của người dân địa phương như: Sắn dây, hàng thủ công mỹ nghệ, cây giống … Lễ hội ngoài đáp ứng nhu cầu chiêm bái, vãn cảnh của du khách thì đây cũng là dịp nâng cao đời sống vật chất cho người dân địa phương.