Ngày 9/5, theo sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT)TP.Đà Nẵng, trên cơ sở đề xuất của sở VH&TT 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã cho phép trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng.
Thời gian tiến hành khai quật từ ngày 2/5 đến 3/9, với diện tích khai quật 600m2. Chủ trì khai quật đợt này là ông Nguyễn Ngọc Chất, công tác tại bảo tàng Lịch sử quốc gia. Kinh phí thực hiện trích từ nguồn kinh phí của 2 địa phương.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, tạm lưu giữ tại bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật hư hỏng, thất lạc. Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng sở VH&TT TP.Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất phương án phân chia hiện vật, trình Bộ trưởng bộ VH,TT&DL xem xét, quyết định.
Mới đây, Hải Vân Quan đã được bộ VH,TT&DL công nhận là di tích cấp Quốc gia. Việc công nhận danh hiệu cho di tích này và đưa Hải Vân Quan vào hệ thống quản lý, bảo vệ theo quy định của Nhà nước hiện nay là cần thiết.
Trong khoảng thời gian dài, Hải Vân Quan bị xuống cấp nghiêm trọng vì di tích này nằm giữa địa phận 2 địa phương TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 2016, 2 địa phương đã liên kết để cứu di tích này. Ngành văn hóa 2 địa phương đã ký biên bản ghi nhớ để tiến hành thực hiện các bước trùng tu di tích Hải Vân Quan.
2 địa phương cũng thống nhất cùng làm chung bộ hồ sơ đề nghị bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích Quốc gia và triển khai các bước tiếp theo để tiến hành trùng tu, khai thác có hiệu quả cụm di tích này. Nhờ sự “bắt tay” của 2 địa phương đã giải quyết được bài toán khó kéo dài.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc sở VH&TT TP.Đà Nẵng nhận định, đây là cửa ải quan trọng, trấn giữ đường thiên lý có từ thời Lê và đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng đã cho tiến hành đặt quan, phái lính, đưa vũ khí đến trấn giữ và xây dựng Hải Vân Quan trở thành một trong những tổ hợp các công trình phòng thủ cho Kinh đô Huế.
Di tích này chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự gắn liền với vương triều Nguyễn. Đáng nhẽ, di tích cần được trùng tu, tôn tạo từ lâu nhưng chưa làm được, trở nên hoang phế, xuống cấp bởi thiên nhiên lẫn con người xâm phạm nghiêm trọng. Sở dĩ, tình trạng này kéo dài do ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng vẫn còn nhập nhằng, gây ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Gần đây, ngành văn hóa của 2 địa phương rất bức xúc, chạnh lòng, ngồi lại tìm cách cứu Hải Vân Quan. Nhờ có tiếng nói chung mà Hải Vân Quan vừa được công nhận là di tích cấp quốc gia và sẽ được trùng tu tôn tạo trong thời gian tới.
Theo ông Hùng, trùng tu Hải Vân Quan phải đảm bảo tính chân xác. Tuy nhiên, việc trùng tu phải chấp nhận 1 số vấn đề về vật liệu, chất kết nối, màu sắc… Chẳng hạn, khi trùng tu thì màu sắc phải mới hơn so với hiện trạng và những yếu tố liên quan…
Mặc dù vậy, khi trùng tu, những yếu tố quan trọng là kiến trúc, địa điểm phải đảm bảo yếu tố gốc. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, sai yếu tố gốc là không thể chấp nhận được.