Bài ca muôn thuở: Chuyển lên cấp có thẩm quyền
Đưa chiếc rương sắt phủ đầy bụi ra ngoài sân, ông Nguyễn Văn Thông (SN 1958) vừa mở lấy những tập hồ sơ, giấy tờ dày cộp vừa chua xót kể cho chúng tôi nghe, năm 1996, ông cùng các hộ dân khác trong làng được UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh điều động di dời để phát triển vùng kinh tế mới tại khu vực Rú Rác (xóm 8, 9, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên). Thuở ấy, Rú Rác chỉ là một vùng đất trống, hoang sơ, cằn cỗi với 3 không: Không đường, không điện, không nước.
Sau khi di dời, sức trẻ cùng khát vọng xây dựng vùng kinh tế mới, thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình, chàng thanh niên Thông cùng những người dân thuộc diện di dời đã ra sức phát cỏ dại, cày xới rồi vay mượn hàng chục triệu đồng tự kéo đường điện và mở đường để triển khai mô hình trồng keo, chăn nuôi trang trại…
Cũng như một số hộ dân khác, trên mảnh đất được giao, ông Thông xây một ngôi nhà nhỏ với số tiền hỗ trợ vỏn vẹn 800.000 đồng, rồi ngày ngày chăm chỉ gieo mầm sống trên những thước đất cằn cỗi.
Sức người cùng ý chí đã biến vùng đất Rú Rác chẳng mấy chốc trở nên xanh tốt, ngút ngàn. Thế nhưng, 22 năm trôi qua, dù đã làm nhà ở sinh sống và sản xuất ổn định, lâu dài nhưng gia đình ông Thông cùng một số hộ dân vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ).
“Năm 1994, tôi mua của HTX Nam Lĩnh thửa đất gần 1ha với giá 6 triệu đồng. Thời đó, một con bò giá chỉ 60.000 đồng thôi. Sau khi mua đất thì năm 1996 bị điều động di dời ra đây nên tôi làm nhà và trồng cây, phát triển mô hình trang trại luôn. Vậy mà đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Bao năm qua, chúng tôi đã gửi hàng chục lá đơn đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp nào cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung: Chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết”, ông Thông bất lực nói.
“Chúng tôi là những người di dân phát triển vùng kinh tế mới theo Chương trình 327 nhưng không hiểu sao nhiều năm qua, chúng tôi làm đơn rất nhiều nhưng vẫn không có cơ quan thẩm quyền nào trả lời rõ ràng hay hướng dẫn cụ thể chúng tôi phải làm hồ sơ, giấy tờ như thế nào để được cấp bìa đỏ và lý do vì sao chưa được cấp? Người dân ở đây thường chua xót nói với nhau rằng, cả đời tiên phong đi trồng cây gây rừng nhưng hết đời lại không có được 1m đất để thờ”, ông Nguyễn Văn Soàn (SN 1945), trú tại thôn 9, xã Cẩm Lĩnh thở dài.
Cũng là một trong những hộ di dân phát triển vùng kinh tế mới theo kế hoạch của UBND huyện Cẩm Xuyên, ông Nguyễn Văn Từ đến nay vẫn không hiểu vì sao cứ 5 năm 1 lần lại phải đóng tiền đấu thầu đất, mỗi nhà hơn 10 triệu đồng. "Từ năm 1996 đến nay, ngoài tiền đóng nộp sản phẩm, xã Cẩm Lĩnh đã thu của chúng tôi hàng trăm triệu đồng. Không có sổ đỏ, nên muốn vay ngân hàng để tái sản xuất cũng đành chịu. Khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Từ phản ánh.
Chính quyền lúng túng
Theo tìm hiểu của PV, vào ngày 5/11/1996, UBND huyện Cẩm Xuyên có Quyết định số 174/QĐ-UBND điều động 14 hộ, 54 nhân khẩu và 45 lao động di dời sang vùng kinh tế mới ở khu vực Rú Rác theo Chương trình 327. Tiếp đó, huyện này có Quyết định 145/QĐ-UBND ngày 12/11/1998 điều động 8 hộ, 44 nhân khẩu và 20 lao động; Quyết định 08/QĐ-UBND ngày 13/11/1998 điều động 22 hộ, 103 nhân khẩu, 49 lao động sang khu vực Rú Rác.
Ông Trần Xuân Tưởng, cán bộ địa chính xã Cẩm Lĩnh cho hay, khi một số hộ dân ở thôn 8, thôn 9 có đơn xin hồ sơ cấp GCNQSDĐ, xã không biết nguồn gốc đất như thế nào mới phối hợp với UBND huyện rà soát thì phát hiện có đến 44 hộ thuộc diện di dời dân xây dựng vùng kinh tế mới nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ. Sau đó, UBND xã đã có văn bản gửi lên huyện đề nghị rà soát, giải quyết. “Chúng tôi không nắm được việc các hộ dân này di dời theo Chương trình 327 nên đã thu sai tiền đấu thầu đất. Sau khi phát hiện xã đã dừng lại”, ông Tưởng nói.
Theo thông tin từ phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Cẩm Xuyên, nguyên nhân chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho 44 hộ dân nói trên là do một số hộ dân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý. Chính vì vậy, huyện đang gặp vướng mắc, cần xin ý kiến hướng dẫn của sở TNMT để kiểm tra, rà soát những hộ nào thuộc đất ở, hộ nào đất trồng rừng, hộ nào vướng quy hoạch… mới có hướng giải quyết.
"Hiện, huyện đã thành lập tổ công tác, tiến hành phối hợp, kiểm tra, rà soát, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.