Lớp học không tiếng trống trường
Những ngày đầu tháng 9, PV báo Người Đưa Tin đến xã Công Hải, huyện Thuận Bắc để ghi nhận không khí nhập học của lớp học tình thương tại chùa Long Cát, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với quyết tâm giúp con em đồng bào Raglai nghèo xoá mù chữ, chùa Long Cát đã trở thành nơi chắp cánh ước mơ, hoài bão cho các em.
Khác với những lớp học chính quy, tại lớp học tình thương này, không khí không sôi động, không tiếng loa phát thanh, không tiếng trống trường,… Các em nhập học trong lặng lẽ. Nhưng, hình ảnh "Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em đến trường..." vẫn hiện hữu tại lớp học tình thương.
Sau khi hoàn tất việc làm trên nương rẫy, nhiều cha mẹ đồng bào Raglai lại vội vã quay về nhà đưa con mình đến lớp học. Những em nhỏ lần đầu tiên đi học thể hiện rõ sự rụt rè, thấy người lạ các em lại víu thật chặt vào tay mẹ.
Vượt quãng đường gần 5km, chị Katơr Thị Mớm (ngụ thôn Suối Vang, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) dẫn đứa con trai Katơr Quốc Cường (7 tuổi) đến lớp học tình thương để nhập học. Đây là lần đầu tiên Quốc Cường được đến lớp nên rất rụt rè. Thấy PV, em bấu víu vào chân mẹ.
Phải mất gần 20 phút được mẹ động viên, Quốc Cường mới chịu buông chân mẹ để bước vào lớp của mình.
Chị Mớm cho biết: “Nhờ được các sư thầy, sư cô trong chùa vận động nên giờ con mình mới được đi học. Bây giờ mình chưa dám về nhà vì sợ con tìm không thấy mẹ nó lại khóc làm khổ thầy cô ở đây. Ở nhà, con mình nhát lắm đi đâu cũng phải có mẹ nó mới dám đi”.
Không may mắn như em Katơr Quốc Cường được mẹ đưa đến lớp, hai chị em Kator Thị Mướng (8 tuổi, ngụ thôn Xóm Đèn, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) và Katơr Duy (6 tuổi), phải tự dắt díu nhau đi bộ gần 1km để đến với lớp học tình thương.
Năm nay, hai chị em Mướng và Duy đã vào lớp 3 và lớp 1. Nhưng do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, hai em không được đến trường như nhiều bạn bè khác.
Được các sư thầy ở chùa Long Cát vận động nên ba, mẹ em đã đồng ý cho 2 chị em Mướng và Duy đến đây để theo học. “Được đi học em vui lắm. Bây giờ em có thể đánh vần được chữ ba, mẹ và cũng đã viết được tên của mình lên giấy”, em Kator Thị Mướng vui vẻ chia sẻ với PV.
Chị Katơr Thị Dung (28 tuổi, ngụ thôn Suối Vang, huyện Thuận Bắc) phấn khởi cho biết: “Mình có ba đứa con đang theo học tại chùa Long Cát. Trong đó đứa lớn là Katơr Huy năm nay đã lên lớp 5 nhưng học rất chậm hiểu, nhờ các thầy các cô ở lớp học tình thương này tận tình chỉ bảo nên hiện tại con mình đã có thể học chữ lưu loát hơn trước. Hai bé còn lại cũng như vậy”.
Chia sẻ về lớp học, ông Đặng Đình Trọng, Trưởng ban Hộ trị Tam Bảo, chùa Long Cát chia sẻ: “Hơn 15 năm qua, lớp học mở ra chủ yếu giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Công Hải không có điều kiện đến trường được tiếp cận gần với con chữ, nhằm giúp em sau này biết đọc và biết tính toán”.
Trao đổi với PV, ông Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải cho biết: “Trong nhiều năm liền, chùa Long Cát đã hỗ trợ địa phương rất nhiều trong công tác xóa mù chữ cho các em đồng bào dân tộc Raglai. Hằng năm, có hơn 100 em đã đến ngôi chùa này để theo học".
"Ngoài việc dạy học ra, chùa Long Cát còn hỗ trợ việc đi lại, ăn uống, sách vở cho các em học sinh rất tốt. Trong thời gian tới, hy vọng chùa Long Cát tiếp tục vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ cùng địa phương làm tốt công tác xóa mù chữ cho con em đồng bào Raglai nơi đây”, ông Bàng nói thêm.
Quyết tâm duy trì sĩ số lớp
Nhằm tạo điều kiện cho các em theo học, thầy cô giáo và chùa đã vận động các nhà hảo tâm, phật tử hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Trước mỗi buổi học 30 phút, chùa còn tổ chức bữa ăn như: Cơm, mì tôm…để các em được no bụng mà yên tâm học tập.
Nhờ được hỗ trợ điều kiện học tập, chỉ dạy tận tình nên các em đã có ý thức chăm học, chuyên cần. Nhiều em đã đọc thông, viết thạo, có điều kiện học tiếp lên các lớp cao hơn ở nhà trường phổ thông trên địa bàn.
Hiện tại, năm học 2018-2019, đã có 175 con em đồng bào đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Những năm qua, số lượng con em đồng bào Raglai nghèo ở xã Công Hải đến với lớp học tình thương tại chùa Long Cát ngày càng tăng. Cụ thể, năm học 2017 - 2018, lớp học đã tiếp nhận 163 học sinh theo học ở các lớp.
Chị Katơr Thị Sinh (ngụ thôn Ba Hồ, xã Công Hải) có con trai con Katơr Minh (lớp 4) đang theo học tại lớp học tình thương của chùa Long Cát cho biết: “Mỗi ngày, sau khi đi chăn bò về, Minh lại xách cặp, vở ra lớp học để ăn cơm rồi vào học. Giờ con đã biết chữ, biết làm các phép tính, tôi mừng lắm”.
Điều đặc biệt hơn, đội ngũ thầy, cô giáo đứng lớp ở đây đều là giáo viên dạy chính ở trường tiểu học Công Hải. Họ được chùa Long Cát thuê để truyền dạy kiến thức với các môn như: Văn, Toán… theo chương trình của ngành Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù nói là thuê, nhưng những giáo viên ở đây lại không xem là đi dạy để "kiếm tiền". Trong thâm tâm họ đến lớp học này chỉ một điều duy nhất là đưa "con chữ" nghèo được bay cao, bay xa.
Với 9 năm gắn bó tại lớp học tình thương ở chùa Long Cát, thầy Thiên Sanh Quảng (giáo viên trường tiểu học Công Hải) chia sẻ: “Mình cũng cố gắng hết sức để giúp các em biết được con chữ, biết được cách tính toán để sau này có thể đi làm phụ giúp cha mẹ”.
Mỗi khi nghe tin học sinh bỏ lớp, sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, Trụ trì chùa Long Cát không quản ngại ngày đêm đến tận nhà, lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh cho con em mình đến lớp. Nhờ sự tận tâm, tận tình kêu gọi của sư cô, nên năm học nào các em cũng đến chùa học rất đông.
Chỉ tay về phía lớp học, ông Đặng Đình Trọng cho biết thêm: “Để duy trì sĩ số lớp chúng tôi ở đây phải có quà giúp đỡ những gia đình khó khăn, những ngày lễ, tết chúng tôi còn may quần áo, mua giày, dép mới để tặng các em. Ngoài ra, ở đây chúng tôi còn tổ chức nấu ăn vào các buổi chiều trước khi bắt đầu vào học,.. Có như vậy, các em mới có thể bám lớp tình thương này”.
PV rời lớp học cũng là lúc trời đã chập choạng tối, tiếng chuông chùa ở đây cũng bắt đầu ngân vang xen lẫn tiếng đánh vần ê, a...của các em học sinh nghèo. Trong tương lai “con chữ” sẽ là hành trang là "liều thuốc" tiếp sức cho các em Katơr Quốc Cường, Katơr Thị Mướng, Katơr Duy, Katơr Huy,....được có công việc ổn định, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây cũng là mong ước của bao cha mẹ đồng bào Raglai nghèo, khi đưa con đến lớp học tình thương tại chùa Long Cát.