Đi tìm dấu vết của "Người đẹp Tây Đô"

Đi tìm dấu vết của "Người đẹp Tây Đô"

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Tôi từng nghĩ "Người Đẹp Tây Đô" chỉ là một nhân vật hư cấu trong một câu chuyện được xây dựng lên để ca ngợi người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên khi lần theo lịch sử, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng "Người Đẹp Tây Đô" là một con người bằng xương bằng thịt.

Bà là Lâm Thị Phấn, một cô con gái xuất sắc của dòng họ Lâm danh giá. Bà còn là một tình báo viên nổi tiếng, một thiếu tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Bà đã sống, đấu tranh cho dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ góp phần ghi dấu vào những mốc son mãi chói ngời trong lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Sự kiện - Đi tìm dấu vết của 'Người đẹp Tây Đô'

Bà Lâm Thị Phấn năm 1935

Thuở vừa trăng tròn, Lâm Thị Phấn con gái của điền chủ trí thức Lâm Văn Phận được người dân trong vùng đất Tây Đô trù phú gọi trìu mến là "Người đẹp Tây Đô". Họ gọi vậy để tôn vinh một người con gái tài sắc vẹn toàn hiếm có. Theo những tài liệu còn lưu giữ tại ngôi nhà truyền thống của dòng họ Lâm ở thành phố Cần Thơ, thời bấy giờ bà không chỉ đẹp mà còn là một thiếu nữ có học thức rất cao. Bởi vậy Lâm Thị Phấn sớm lọt vào mắt xanh của nhiều tài tử giàu có trong vùng, trong số đó có người nhà Công Tử Bạc Liêu.

Người con gái tuyệt sắc họ Lâm

Lâm Thị Phấn tên theo khai sinh là Lâm Thị Elise, sinh ngày 11/11/1918 tại phường An Cư thành phố Cần Thơ. Bà là con gái đầu lòng của ông giáo Lâm Văn Phận. Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ bà đã bộc lộ sự thông minh và ham học hỏi. Bà được cha mình cho theo học trường Taberd và lấy bằng tú tài tại đây. Bị ảnh hưởng từ cách giáo dục của cha mình, từ nhỏ Lâm Thị Phấn đã có những suy nghĩ đi ngược lại tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Với phương châm sống: "Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được", bà luôn ủng hộ tư tưởng giải phóng phụ nữ.

Không chỉ là người học cao, bà còn là một người con gái đẹp tuyệt sắc. Khi bước vào tuổi 15, bà sở hữu một ngoại hình lý tưởng với chiều cao 1,7m, khuôn mặt sắc sảo, nụ cười duyên dáng làm mê mẩn biết bao nhiêu chàng trai. Bà được mọi người công nhận là hoa khôi của trường Taberd thời đó.

Theo những tài liệu còn được lưu giữ cẩn trọng tại gia đình họ Lâm, chúng tôi biết được rằng, dòng họ của bà là một dòng họ giàu có và nổi tiếng. Dòng họ này xuất thân từ hoàng tộc thuộc triều nhà Thanh sống ở Quảng Đông, Trung Quốc. Bà ngoại của ông Lâm Văn Phận (thân sinh bà Lâm Thị Phấn) vốn là công chúa thuộc triều đại Mãn Thanh. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra, dòng họ này di tản xuôi về phía Nam và di cư vào đất Việt.

Sau những năm sống ở miền Bắc Việt Nam, nhận thấy đất đai ở phía Nam Việt Nam trù phú hơn nhiều miền Bắc. Vì thế khoảng đầu thế kỷ 20 dòng họ Lâm đã tiến vào phía Nam theo chủ trương khai khẩn đất hoang của triều đình nước ta lúc bấy giờ. Khi đặt chân đến vùng đất Tây Đô, dòng họ Lâm ra sức khai khẩn, mở rộng ruộng đất. Đến những năm 1918 - 1920, trong hơn 20 năm khai khẩn, 1/3 diện tích đất thành phố Cần Thơ ngày nay đã trở thành đất đai của dòng họ Lâm. Mà người trực tiếp quản lý đất đai ấy là ông Lâm Văn Phận. Ruộng đất Lâm gia nhiều, Lâm gia lại nổi tiếng đức độ nên ngày càng có nhiều người dân từ nơi khác đến xin làm tá điền. Gia thế họ Lâm ngày càng lớn mạnh, nổi tiếng khắp vùng.

Ông Lâm Văn Phận không chỉ là một điền chủ giàu có mà còn là một con người hiếu học. Vào thời Pháp thuộc trong vùng không có trường học, rất ít người được theo học bài bản và chính qui. Là người có chí cầu tiến, ông Lâm Văn Phận đã tự mày mò học tập ở nhà và sau đó thi đậu bằng Diplôme. Đến thời điểm thực dân Pháp buộc phải đào tạo và sử dụng người Việt vào các công việc hành chính. Pháp mở trường Taberd Cần Thơ (thuộc thành phố Cần Thơ ngày nay). Sau khi được nhận vào làm giáo viên ở đây, ông Phận vẫn tiếp tục học và lấy bằng tú tài. Người Pháp thấy ông là một người tài năng và giàu có nên phân cho ông làm hiệu trưởng trường Taberd.

Không chỉ là người học rộng giàu có, ông Phận còn rất yêu nước. Trường Taberd, nơi ông làm hiệu trưởng đã trở thành cái nôi đào tạo ra nhiều chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng. Về sau, ông cùng với những học trò xuất sắc của tham gia kháng chiến với chức danh chủ tịch Liên Việt Tỉnh Cần Thơ (trước 1945).

Vừa chỉ tay vào các di vật, người hướng dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà thờ dòng họ Lâm, nơi "Người Đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn sinh ra và lớn lên tự hào nói: Những chiến sỹ cách mạng ưu tú đã từng sống ở đây và ăn cơm do bà giáo (mẹ bà Lâm Thị Phấn) nấu. Một tay bà giáo chăm sóc, lo lắng thuốc thang cho họ. Ngày Cô Hai (Lâm Thị Phấn) lấy chồng, chính những chiến sỹ cách mạng là người bưng mâm quả đưa dâu.

Người đẹp Tây Đô được gả vào nhà Công tử Bạc Liêu

Nhiều tài liệu cho rằng "Người Đẹp Tây Đô" đã bị ép gả cho Công Tử Bạc Liêu. Nhưng theo như lời người cháu gái của bà Lâm Thị Phấn kể lại: Vào năm 17 tuổi người nhà Công Tử Bạc Liêu nhờ người sang đặt cọc và hỏi cưới bà về làm vợ cho người anh con cô cậu ruột với Công Tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy.

Sự kiện - Đi tìm dấu vết của 'Người đẹp Tây Đô' (Hình 2).

Nhà thờ dòng họ Lâm

Người chồng này của bà là cháu nội đích tôn của ông Phan Văn Bì hay còn được gọi là Bá hộ Bì - ông Vua lúa gạo Nam Kì lúc bấy giờ. Ông Bì chính là ông ngoại của Công tử Bạc Liêu, người nổi tiếng một thời về sự chịu chơi trong giới nhiều tiền lắm của thời bấy giờ.

Tuy bà Phấn có tư tưởng phương Tây, không thích ép buộc và muốn tự do trong mọi vấn đề nhưng bà cũng là một người con hiếu thảo. Vì thế dù không yêu thương cháu ông “chúa gạo” nhưng bà vẫn nghe lời cha mẹ lấy ông này làm chồng. Về phía gia đình con trai Bá hộ Bì, vì thấy gia thế giàu có nhưng học thức hạn chế nên muốn tìm một người con dâu giỏi giang, đảm đang, thông thạo mọi việc và được học hành tử tế về quán xuyến mọi việc trong gia đình. Phần nữa họ muốn tìm một người vợ xinh đẹp, khéo léo để giữ chân cậu cháu đích tôn chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ.

Ngày “Người Đẹp Tây Đô” đi lấy chồng biết bao nhiêu bạn đồng môn tiếc nuối. Ai cũng tiếc vì đóa hoa đẹp vội vã đi lấy chồng. Ông giáo Phận cũng rất thương cho con gái mình. Ông hiểu cô là người có chí lớn, là người cấp tiến mà phải gắn cuộc đời dưới nếp nhà phong kiến cổ hủ mà không biết làm cách nào.

Về nhà chồng, ngày vui nhanh chóng đi qua chỉ còn lại chuỗi ngày ngán ngẩm chán chường bên người chồng ít học. Chồng không lo làm ăn, chỉ biết chơi bời trác táng. Cha chồng của bà lo sợ con trai sẽ phá tan tành gia sản nên giao quyền quản lí tài sản cho con dâu. Từ đó, mâu thuẫn giữa bà và chồng lại càng gia tăng. Mỗi lần thiếu tiền tiêu xài, chồng bà lại cáu gắt, kiếm chuyện chửi mắng, đay nghiến bà. Bà cắn răng chịu đựng để mong giữ gìn cho trọn vẹn cái nghĩa vợ chồng.

Hai đứa con trai lần lượt ra đời không hề níu kéo được hạnh phúc gia đình trái lại còn đè nặng thêm lên những đau khổ về thể xác và tinh thần của người đẹp.

Thanh Hà - Ngọc Lài


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.