“Ông tổ” của tâm lý học?!
Việc chữa bệnh liệt dương cho vua Trần Dụ Tông đã trở thành một câu chuyện đậm chất giai thoại và rất nổi tiếng trong lịch sử. Trong chuyện này, vai trò của người thầy thuốc Trâu Canh rất lớn và đến nay vẫn tồn tại nhiều câu chuyện thú vị quanh sự tích này.
Theo truyền thuyết tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được cụ Vũ Phương Đề (1697 - ?) chép lại thì Trâu Canh được trời ban cho một sợi dây mây thần. Bất kỳ người nào đeo vào thì dương vật đều "cương cứng lạ thường".
Chuyện kể rằng, thời bấy giờ quanh khu vực núi Tử Trầm, có rất nhiều đầm, hồ. Người dân thường rủ nhau đi đánh cá để kiếm sống. Trâu Canh nhà nghèo nên cũng phải theo đám người đó, ngày ngày ra hồ ở bên cạnh núi trước cửa nhà ông để đánh cá. Một hôm, đang đánh thì cái dây buộc đó cá bị đứt. Không biết làm sao, ông liền lên bờ tìm một sợi dây khác buộc lại. Chợt thấy một sợi dây mây vứt chỏng chơ trên bờ, ông liền nhặt lấy rồi quấn vào ngang thắt lưng để thay dây cũ.
Núi Tử Trầm ngày nay vẫn được bao quanh bởi rất nhiều ao, hồ... mà theo tương truyền, ngày xưa ông nhặt được sợi dây mây thần ở đây.
Bỗng nhiên, dương vật cương lên, cứng rắn lạ thường trong khi ông chỉ mặc một chiếc khố rách, sợ không che đậy được "sự lạ" nên phải đứng ở dưới ao, không dám lên bờ. Ông cứ đứng dưới ao như thế cho đến khi dân làng đã lục tục kéo nhau về, chỉ còn một mình... Ở nhà, không thấy con về nên mẹ ông phải đi tìm, sau thấy ông một mình vẫn ở dưới nước, bèn quở mắng. Ông xấu hổ không dám thưa mà chỉ cởi đó cá ra đưa cho mẹ đem về, rồi cởi dây mây ở ngang thắt lưng ra. Khi dây mây tháo ra thì dương vật của ông dần dần xìu nhỏ lại như thường.
Thấy chuyện lạ, sau lại bị mẹ tra hỏi vì sao cứ ở dưới ao không chịu về, ông đem đầu đuôi câu chuyện ra thưa với mẹ. Mẹ ông bèn lấy dây mây phơi khô, để lên gác bếp rồi thỉnh thoảng sai ông lấy dây ấy đeo thử vào người thì thấy dương vật cương cứng. Lần nào, ông thử cũng hiệu nghiệm như thế.
Thời bấy giờ, vua Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, thuốc thang chữa mãi không khỏi, trong khi nhà vua đang cần người nối dõi. Vì vậy, vua cho sứ giả đi khắp nơi tìm người chữa bệnh, hứa người nào chữa khỏi thì vua sẽ cho ăn một nửa lộc thiên hạ. Khi sứ giả đến làng, mẹ ông gọi sứ giả vào hỏi nguyên do câu chuyện.
Sứ giả thấy người đàn bà quê mùa, tự nhiên gọi vào hỏi chuyện lấy làm lạ nên cũng thành thật mà giải thích cho bà rõ. Sau khi hỏi chuyện xong, bà nói: "Nhà tôi có một vật có thể chữa khỏi bệnh cho vua". Nói rồi, hai mẹ con đem dây mây theo sứ giả vào kinh dâng vua. Vua đeo dây mây vào, quả nhiên dương vật hoạt động trở lại, sau sinh được hai hoàng tử. Vua cho ông là "thần y" bèn lưu lại trong cung để trông nom, thuốc men cho vua, vua ban thưởng rất hậu và sủng ái hơn tất cả mọi người.
Tuy nhiên, sử sách thì chép rằng, Trâu Canh dâng bài thuốc cho vua Trần Dụ Tông uống và nhờ thế mà khỏi bệnh. Bài thuốc này gồm hai phần chính. Một là lấy mật của đứa bé trai hòa với dương khởi thạch, hai là thông dâm với chị hoặc em ruột của mình.
Theo phân tích của TS.BS Bùi Minh Đức (tác giả cuốn sách: Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa) thì thầy thuốc Trâu Canh đã dâng vua Trần Dụ Tông một bài thuốc kép: Trong đó về mặt dược liệu (gồm mật trẻ con hòa với dương khởi thạch) chỉ là "hư chiêu" nhưng thực chất lại là một "độc chiêu" đánh vào tâm lý tình dục học mạnh mẽ của nhà vua. Thực ra, sau khi nhà vua uống thuốc vờ (vì có lẽ thuốc đó không chữa được bệnh liệt dương) thì việc loạn luân (thông dâm với chị ruột) là một liều thuốc táo bạo cực lớn để làm cương cứng dương vật.
Sự việc này chứng tỏ rằng, liều thuốc mà Trâu Canh đã kê, thực chất là liệu pháp kích hoạt tâm lý "ham chuộng sự mới lạ" của những ông hoàng trẻ tuổi thích ăn chơi trác táng. Tất nhiên là Trâu Canh đã rất thành công về điều này.
Thế nhưng, theo như câu chuyện dân gian nói ở trên thì vua Trần Dụ Tông sinh được hai hoàng tử. Trong khi đó một số giáo trình châm cứu hiện nay cũng ghi rằng, nhờ vào châm cứu mà vua Dụ Tông sinh được 3 hoàng tử và 6 công chúa.
Dựa vào các nguồn sử liệu, ta cần phải khẳng định rằng: Thứ nhất vua Dụ Tông không có con trai. Thứ nữa là châm cứu không chữa được bệnh liệt dương của vua Trần Dụ Tông như các sách châm cứu vẫn đề cập tới. Tất nhiên, vì là một nhân vật nổi tiếng nên những câu chuyện lưu truyền trong dân gian có hiện tượng "tam sao thất bản" cũng không có gì là lạ.
Một trang sách trong quyển Công Dư Tiệp Ký tiền biên chép chuyện Trâu Canh ở núi Tử Trầm.
Ẩn số khả năng tiên tri, đoán bệnh
Có tài vẫn bị người đời chê bai Mặc dù còn nhiều tranh cãi quanh nhân vật lịch sử này nhưng tài năng của Trâu Canh là điều không thể phủ nhận. Chỉ có điều, trong lĩnh vực y thuật, cho đến bây giờ ông vẫn nhận được rất nhiều lời chê bai về vấn đề y đức. Nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD còn cho rằng, dù có biệt tài chuyên môn nhưng không nên lưu danh những nhân vật "tai tiếng về đạo đức" như thế này. |
Riêng chuyện chữa bệnh liệt dương cho vua Dụ Tông đến nay còn tồn tại nhiều nghi vấn. Tuy nhiên thành tích cứu sống vị vua này lúc còn bé thì đều được các bộ sử ghi nhận và các thầy thuốc hiện đại phân tích, tìm hiểu. Vậy thì, thầy thuốc Trâu Canh có thực sự cứu được hoàng tử Hạo (vua Dụ Tông sau này) khỏi chết đuối nhờ châm cứu hay không? Thầy thuốc ưu tú, nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD trong cuốn sách Nhiếp Sinh của mình đã đưa ra những lý giải thú vị. Ông viết: "Trong lâm sàng, thuật châm cấp cứu người bị chết đuối đều được các sách dạy châm cứu đề cập tới, nên chuyện này rất đỗi bình thường. Các thầy châm cứu thực tế đều biết và áp dụng khi cần phương pháp châm tả 4 huyệt chính yếu là: Nhân trung - hội âm - tố liêu - trung xung (ngoài ra có thể ở các huyệt khác, tuỳ theo tình trạng của người bị nạn) nhằm tăng cường nhịp đập của tim, cải thiện chức năng hô hấp sau khi đã sơ cứu bằng cách xốc ngược bệnh nhân cho nước trong miệng, mũi chảy ra ngoài".
Theo như y học hiện đại thì trường hợp cấp cứu hồi sức đối với người bị ngưng tim (trong trường hợp này là ngưng thở do ngạt nước) là phải tiến hành ngay lập tức và khẩn trương các động tác hô hấp nhân tạo, ấn tim ngoài lồng ngực cho người bị nạn. Động tác xốc ngược bệnh nhân để cho nước trong miệng, mũi chảy ra ngoài là chỉ làm "mất thời gian vàng" (là thời gian cần phục hồi hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, vốn là nguồn cung cấp ô xy cho não). Từ đây, nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD đưa ra nhận xét: "Thành tích cứu người chết đuối sống lại của thầy Trâu Canh cũng không phải là "kỳ công" gì cho lắm về hoạt động y khoa thời trung cổ nước nhà”.
Về chuyện tiên đoán hoàng tử Hạo sẽ bị liệt dương, nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD cũng cho rằng, có logic về mặt y học. Ông viết: "Thầy thuốc Trâu Canh khi làm thủ thuật cấp cứu tai nạn chết đuối cho hoàng tử Hạo (lúc đó mới 6 tuổi) chắc chắn sử dụng "tốc tả châm", tức là châm mạnh tay và kích thích mạnh huyệt nhân trung (thường dùng loại kim tam lăng - loại kim to cứng có 3 ngạnh ở đầu kim) đã làm tổn thương lâu dài vị trí huyệt nhân trung và có thể để lại nhiều vết sẹo quanh khu vực này. Từ những di chứng tại huyệt nhân trung và vùng xung quanh đó (do thao tác của thầy Trâu Canh gây ra) đã để lại kết quả là vua Trần Dụ Tông bị chứng liệt dương. Thầy thuốc Trâu Canh do đã "thuộc bài vở" về hiệu quả lâm sàng huyệt nhân trung (đã có ghi chép trong y thư cổ đại phương Đông từ xa xưa rồi...) nên ông ta dễ dàng tiên lượng được việc liệt dương sau này của hoàng tử Hạo. Vì thế, điều này không có gì là thần kỳ cả".
Phạm Thiệu
Kỳ tới: Cái kết buồn của cuộc đời "nhà tình dục học đầu tiên"...