Truyền thuyết về “mẫu khuyển”
Hỏi thăm về dòng họ không bao giờ ăn thịt chó, người dân nơi đây nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đến nhà ông Đinh Công Dự, trưởng họ của đại gia tộc Đinh Công danh giá trong vùng. Ông Đinh Công Dự là người được gia tộc giao lại cho chức trách trông nom và bảo vệ những tài liệu ghi chép, cũng như ngôi mộ thờ mẫu khuyển.
Khi hỏi về tục kỳ lạ này của dòng họ, ông Dự nhanh chân đi lấy cho chúng tôi một tập tài liệu viết tay khá dày. Ông và con cháu mình coi đây là kho báu cần được giữ gìn, để truyền từ đời này sang đời khác. Ông Dự kể: “Tôi được các cụ kể lại rằng, khi Sơn Tinh, Thủy Tinh gây chiến với nhau, Thủy Thần dâng nước ngập hết làng trên, xóm dưới ở vùng đất Thanh Sơn này.
Ngày ấy, tất cả người dân đều bị nước cuốn trôi hết chỉ còn một đứa bé của gia đình nọ còn sống sót vì đứng trên mô đất cao. Rồi mô đất ấy được Sơn Thần bốc lên cao dần, cao dần nên Thủy Thần dâng nước đến đâu cũng không cuốn được đứa bé này. Đứa bé thoát chết và rồi chẳng biết từ đâu xuất hiện một con chó đã cứu và nuôi đứa bé khôn lớn. Sau này người ta đồn rằng con chó ấy là “mẫu khuyển” đến cứu giúp dân làng. Còn đứa bé kia chính là ông tổ của người Mường ở vùng đất Thanh Sơn này”.
Thêm một truyền thuyết nữa được ông Dự kể, đây cũng chính là câu chuyện mà con cháu ông phải khắc ghi. Xa xưa có một gia đình tại đây khi chạy giặc đã vô tình bỏ sót lại một đứa trẻ mới được 3 tháng tuổi. Đứa trẻ đó đã khóc lớn, tiếng khóc vang khắp núi rừng, vì thế, một chú chó trong nhà chạy ra tha đứa trẻ vào ổ của mình và cho bú.
Biết mình bỏ sót lại đứa bé ấy, nhưng họ chẳng thể quay về ngay được. Phải đến hơn 1 tuần họ mới trở về để tìm con. Đến nơi, họ tận mắt chứng kiến một cảnh tượng rất kỳ lạ. Đứa bé vẫn khỏe mạnh bình thường và đang được chú chó cho bú sữa. Bé không khóc và chú chó cưng nựng bé như chính con mình. Gia đình này đã rất cảm động và coi chú chó như ân nhân của mình, chăm sóc rất chu đáo. Không những thế, đến khi chó qua đời họ đã chôn cất cẩn thận. Còn đứa trẻ ấy chính là tổ tiên của dòng họ Đinh Công. Khi lớn lên, đứa trẻ ấy biết mình đã được chú chó cứu mạng nên đã thờ phụng với lòng thành kính. Từ đó đến nay đã qua 7 đời, nhưng những người con của dòng họ Đinh Công vẫn ngày ngày hương khói cho ngôi mộ “mẫu khuyển”. Toàn thể dòng họ kể cả dâu, rể nhắc nhau không được ăn thịt chó vì đó là người đã cứu giúp tổ tiên mình. Và việc thờ “mẫu khuyển” cũng là thờ người đã nuôi dưỡng tổ tiên của dòng họ Đinh Công.
Coi chó nuôi như người thân
Ông Dự bảo, từ ngày nhỏ ông đã thấy bố mẹ mình không ăn thịt chó. “Khi được bố mẹ kể cho nghe truyền thuyết về dòng họ thì tôi cũng nhất quyết không bao giờ đụng vào thịt chó. Cứ thế, đến các con tôi, cháu tôi đều học theo. Trước khi mất bố tôi còn dặn, thịt chó là phải kiêng đặc biệt, tuyệt đối không được giết hại, đụng đũa. Chẳng có ai là không ghi nhớ trong lòng một điều “chó đã cứu giúp tổ tiên mình, vì thế phải tôn trọng và nhớ ơn”, ông Dự khẳng định.
Tất cả mọi người trong dòng họ Đinh Công, khi đi ăn cỗ có món thịt chó là bảo nhau ngồi riêng ra một chỗ. Khi ấy chủ nhà biết ý sẽ “thiết kế” cho họ một món ăn khác. Đám cỗ nào lỡ quên thì họ ngồi uống rượu suông chứ nhất định không ăn.
Nhiều lần ông Dự đi ăn cỗ, bị chủ nhà cố ý “gài” để ông ăn phải thịt chó. Nhưng chỉ cần ngồi xuống mâm ngửi qua là ông biết đấy có phải thịt chó không. Ông Dự nói giọng vui vẻ: “Họ nói đấy là món giả cầy, con lợn rừng được thui đi và nấu như món thịt chó. Nhưng làm sao qua được mắt tôi, dù có trộn cả hai loại vào tôi vẫn nhận ra. Nhiều lần như thế, họ không còn dám trêu mình nữa. Chuyện kiêng thịt chó từ lâu đã trở thành tục lệ bất thành văn của dòng họ chúng tôi. Bởi, chó mẹ đã có công với dòng tộc chúng tôi, nhờ thế mà dòng tộc chúng tôi mới được con đàn cháu đồng như hôm nay”.
Bà Đinh Thị Nhỡ tiếp lời chồng mình: “Chúng tôi tôn trọng những gì mà tổ tiên để lại, vì thế nên một mực làm theo. Trước khi lấy ông Dự tôi vẫn ăn thịt chó bình thường, nhưng từ khi về làm dâu dòng họ Đinh Công tôi tuyệt đối không đụng đũa. Ban đầu cũng có chút khó khăn khi đi ăn cỗ bên ngoài vì thịt chó được coi là món đặc sản của người dân vùng này. Nhưng mãi cũng thành quen và mấy chục năm nay tôi đã thực hiện đúng như những gì mà con cháu dòng họ vẫn đang làm.
Với chúng tôi, ngay cả con chó nuôi trong nhà cũng phải coi như người thân, không được chửi hay giết hại. Có thể nói thờ “mẫu khuyển” và chuyện không ăn thịt chó là một nét đẹp của dòng họ Đinh Công, nó phải được giữ gìn”.
Chiều dần buông, chúng tôi phải chia tay những người trong dòng họ Đinh Công. Trước khi ra về, ông Đinh Công Dự bảo với chúng tôi rằng, có lẽ những chuyện không ăn thịt chó của dòng họ Đinh Công sẽ không bao giờ khép lại khi đời này sẽ truyền lại cho đời khác. Bởi với họ, đó cũng chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.