Đi tìm lời giải việc một số người Việt trẻ trở nên hung hăng, côn đồ

Đi tìm lời giải việc một số người Việt trẻ trở nên hung hăng, côn đồ

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 2, 02/11/2020 18:48

Từ những vụ án mạng với nguyên nhân "lãng xẹt" như: mời rượu không uống ,nhìn đểu, hát karaoke quá to... nhiều ý kiến lo ngại, một bộ phận người Việt trẻ côn đồ hơn.

Xung quanh vấn đề này, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (học viện Cảnh sát nhân dân) đã đưa ra nhìn nhận dưới góc độ tâm lý tội phạm học.

PV: Thưa ông, nhiều vụ đánh nhau, ẩu đả, thậm chí là án mạng diễn ra trong thời gian qua khiến dư luận đặt ra câu hỏi dường như một số người Việt trẻ đang ngày càng hung hăng, côn đồ hơn? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Nói một cách chính xác là một bộ phận nhỏ người Việt trẻ thích thể hiện bản thân qua thói hung hãn, côn đồ. Trước đây, khi xảy ra 1 vụ giết người đã là cú sốc với xã hội. Nhưng càng ngày, số vụ bất thường càng tăng và tội phạm ngày càng trẻ hoá đồng nghĩa với việc tác động nền tảng lệch chuẩn vào một bộ phận dân chúng gia tăng. Tôi cho rằng, lối sống gấp, thích sống hưởng thụ, ăn chơi sa đọa, thoả mãn nhu cầu cá nhân đang tràn lan, hàng ngày hàng giờ tác động vào nhận thức hành vi của con người.

Pháp luật - Đi tìm lời giải việc một số người Việt trẻ trở nên hung hăng, côn đồ

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn.

Có thể lý giải thêm, chuyện không kiềm chế được suy nghĩ dẫn tới ẩu đả, đánh nhau như thế bởi lẽ họ có nhiều uẩn ức, bất mãn trong cuộc sống. Nhiều người khi bực tức ở đâu đấy, tích tụ lại sau đó bùng phát. Đặc biệt là giới trẻ, khi gặp hoàn cảnh bất lợi, họ thường có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, thậm chí là cực đoan. Đó chính là những nguyên nhân cốt lõi khiến tội phạm diễn biến ngày một phức tạp và manh động hơn.

PV: Với góc độ là chuyên gia tội phạm học, ông có thể lý giải cặn kẽ nguyên nhân khiến một số người Việt trẻ trở nên côn đồ hơn?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Đạo đức xã hội đang xuống cấp trong khi các đối tượng tội phạm, đặc biệt là khi tuổi còn trẻ luôn nhạy cảm, dễ bị lôi cuốn theo số đông. Giới trẻ có đặc trưng là chưa hoàn thiện nhân cách; những trải nghiệm, cư xử trong cuộc sống cũng chưa có nhiều nên dễ bị vướng vào những hành vi lệch chuẩn.

Họ hiện đang bị “bẫy” bởi quá nhiều thứ văn hóa đầy tính bạo lực. Những thứ giải trí bạo lực này sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động vì những nguyên cớ... vu vơ, vớ vẩn.  Đó cũng là hệ quả tất yếu của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực chứ không phải hiện tượng mang tính bộc phát.

Ở góc độ tâm lý tội phạm, các đối tượng phạm tội trẻ hoá đang gây ra những vụ trọng án với các tình tiết thực hành tội phạm theo các “hình mẫu” của tội phạm được xuất hiện tràn lan trên các phim ảnh, internet, mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

PV: Theo ông, tình trạng hung hăng, hiếu chiến của một bộ phận giới trẻ có xuất phát từ "lỗi" giáo dục của gia đình và nhà trường?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Suy nghĩ của trẻ được định hình từ môi trường xung quanh gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Nếu trẻ lớn lên trong gia đình luôn có tranh cãi, bạo lực, ra ngoài thấy cảnh đánh nhau, đóng cửa xem phim thì chứng kiến đủ mọi hành động tàn sát, bắn giết… thì như một lẽ tự nhiên, trẻ “học” và từng bước “biến” những hành động đó thành thói quen của mình. Theo đó, từ một hành động bạo lực nhỏ trở thành thói quen, tính cách hung hãn côn đồ là quãng đường rất ngắn.

Ngoài ra, tôi cho rằng hiện nay có nhiều trẻ chứng kiến mâu thuẫn, bạo lực và bất công trong gia đình khiến chúng có tâm lý bất mãn, bất cần. Trải qua thời gian dài sống trong trạng thái tâm lý bất ổn đó, nhiều trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý theo xu hướng chây ì, chai sạn cảm xúc.

Sự uất ức dồn nén không biết xả vào đâu ấy nếu chẳng may lại bị người ngoài khích bác; bia rượu, ma túy dẫn đường, sẽ dễ hiểu vì sao họ có thể “bỗng chốc” trở thành những con người hung hăng, bạo lực.

Vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường là rất quan trọng trong việc tạo dựng thói quen tốt, hành vi đẹp, định hình nhân cách hòa ái cho công dân. Sửa thói quen hung hãn côn đồ chỉ là ngọn, giáo dục lối sống, văn hóa, kỹ năng trong gia đình, nhà trường từ nhỏ mới là gốc.

PV: Như ông vừa nói, chỉ một số người Việt trẻ “hung hăng” hơn, nhưng nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn sẽ nảy sinh những hệ lụy lớn. Ông có nghĩ như vậy không?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Thói quen hung hăng, côn đồ không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà xã hội nào, thời nào cũng có. Chúng ta không thể kỳ vọng vào xã hội “sạch” bạo lực nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một xã hội hòa ái, nhân văn hơn. Cần phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề đó chính là môi trường sống. Nếu môi trường tốt, lành mạnh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi sẽ giúp giảm thiểu giới trẻ trước những cám dỗ, lôi kéo tới những môi trường văn hoá độc hại, lệch chuẩn.

Để làm được, phải quay trở về cái gốc giáo dục, mỗi người lớn hãy là tấm gương hòa ái, thân thiện cho con trẻ noi theo. Các bậc phụ huynh cần dạy con mình sống đẹp, nhân văn, biết cách “tự vệ”, “tự sinh tồn” trước nạn bạo hành.

Theo tôi, giải pháp chiến lược là phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, biểu hiện lệch chuẩn. Phải chú trọng vai trò của gia đình, của nhà trường và cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành những kiểu tội phạm mới.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Cần xem xét những trẻ “hung hăng” dưới góc độ bệnh lý nền

PGS.TS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc bệnh viên Việt Pháp, Chủ tịch hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam:“Đối với những trường hợp giết người vì mâu thuẫn lãng xẹt như nhìn đều, mời rượu bia không uống… thì đa phần những trường hợp này, đối tượng không thể tự mình kiểm soát được hành vi, cần xem xét dưới góc độ bệnh lý nền. Cụ thể, những người này thường sẽ có bệnh lý bên trong, hoặc là nhân cách bùng nổ, hoặc xung đột của những người động kinh, tâm thần; hoặc là tâm thần phân liệt… nên sau tất cả những vụ án mạng xảy ra, đối tượng gây án bắt buộc phải bị đưa đi giám định, từ đó mới có kết luận.

Nếu nói về việc có phải do thiếu kỹ năng sống nên với dẫn tới những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, theo tôi không hẳn như vậy. Nếu thiếu kỹ năng sống thì khi mâu thuẫn xảy ra, đối tượng sẽ hành xử thiếu văn hóa, tế nhị như đánh cãi chửi nhau. Nhưng để gây ra hành vi côn đồ, hung hãn, phần nhiều do những xung đột bệnh lý gây ra. Thường thì những người có bệnh lý nền cũng như gia đình họ chưa phát hiện được.Chính vì vậy, để hạn chế được những vụ án đáng tiếc xảy ra, gia đình cần phát hiện những biểu hiện lệch lạc của người thân trong gia đình để điều trị, hoặc được tư vấn, cộng với việc giáo dục, quan tâm từ phía gia đình, nhà trường và xã hội”.

 

 

H.Lan- N.Thúy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.