Chị Bờ kể rằng, mưa đã làm ba kilogam ngô giống đã gieo hỏng sạch. Cây thì bị giập hết lá, cây thì bị nước làm trôi cả gốc, cây thì bị đất lấp lên. Những ngày tới, cả gia đình phải tìm lại giống để trồng lại.
Theo thống kê của UBND huyện Mèo Vạc, đợt mưa đá xảy ra đêm 30-3 đã làm hơn 500ha ngô của người dân địa phương hư hỏng toàn bộ, phải trồng lại mới. Ngô là cây lương thực chính của người bản xứ khi lúa gạo không tìm được sự sống ở vùng toàn đá với đá này.
Nhưng để trồng được một cây ngô, người dân đã phải trèo núi, tải từng vốc đất đổ vào hốc đá. Sau đó cho phân, hạt giống vào rồi ngồi chờ xem ông trời có cho ăn hay không. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh có lần nói rằng: “Nếu tính ra thì giá trị công lao động của người dân ở đây còn cao hơn cả giá trị sản phẩm thu được.”
Dù vất vả, nhưng không phải thu hoạch về là ăn được ngay. Đồng bào Hà Giang nói riêng và Tây, Đông bắc nói chung đã phải tuốt hạt ngô, xay mịn, "đồ" hai đến ba lần để thành món mèn mén. Họ ăn mèn mén như người dưới xuôi ăn cơm. Có mẩu chuyện rằng, có một người nông dân bị ốm, phải vào viện. Bác sĩ bảo phải nấu cháo cho ăn, nhưng người bệnh lập tức cãi lại: “Ngay cả mèn mén, tao còn không ăn được nữa là cháo”, để nói lên sự gắn bó giữa ngô và người ở đất này.
Sau mưa đá, phần lớn diện tích ngô của các địa phương trong vùng thiên tai đều bị hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang nói, tới đây tỉnh sẽ hỗ trợ giống, giúp người dân trồng lại hơn 800 ha ngô đã bị hỏng hoàn toàn.
Cụ Giàng Thị Páo, 67 tuổi nói “từ bé đến giờ chưa thấy mưa đá làm hư hỏng cây cối, bắt phải trồng lại nhiều như thế này”.
Bà Páo cũng biết những ngày sắp đến sẽ rất vất vả vì "tiền hết", "phân bón không có". Nhưng bà cũng nói rằng, "vất vả cũng phải làm, vì có làm mới có cái để mà ăn".