Năm 1799, Võ Tánh trấn thủ Thành Bình Định (Quy Nhơn ngày nay), sau đó, bị quân Tây Sơn vây suốt gần 2 năm, cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu xin không giết hại binh sĩ trong Thành.
Riêng bản thân ông lên lầu Bát Giác hỏa thiêu mà tuẫn tiết.
Ngày nay, Lăng ông Võ Tánh đang tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận. Lăng Võ Tánh là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt.
Theo hồ sơ di tích mà sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM cung cấp cho PV Người Đưa Tin thì Võ Tánh mất năm 1801, quê gốc ở huyện Phước An, trấn Biên Hòa, sau về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (này là TP.HCM).
Võ Tánh là người tinh thông võ nghệ, binh thư, được người thời bấy giờ xưng tụng là một trong ba “Gia Định tam Hùng” (gồm Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp và ông).
Từ năm 1784 đến khoảng năm 1788, ông xây dựng lực lượng mở rộng ra cả vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay) và nhận lời đem quân phụ tá Nguyễn Ánh.
Như đã nói ở trên, ông là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc tử thủ thành Quy Nhơn, giúp cầm chân 2 tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, giúp Nguyễn Ánh mang đại quân ra bắc chiếm Phú Xuân năm 1802.
Về sau, ông được vua Gia Long truy tặng trước Quốc Công, sai người thu liệm hài cốt về chôn cất tại Phú Nhuận, Gia Định, cấp cho tự dân và tự điền, phu mộ, lại sau con là Võ Tánh coi việc thờ tự.
Sau này vua Minh Mạng lại truy phong ông tước Hoài Quốc Công.
Về Lăng mộ, trước năm 1975 nằm trong khu vực quân sự, rất khó khăn trong việc chăm sóc, bảo quản, do đó kiến trúc đền thờ, mộ xuống cấp nghiêm trọng.
Từ năm 2006 – 2007, diện tích lăng mộ được quy hoạch lại và các hạng mục kiến trúc như: Đền thờ diện tích 327,9m2, mộ diện tích 211,5 m2 được trùng tu, nâng cấp lại trên cơ sở đền thờ trước đó, đồng thời xây dựng thêm nhà bảo vệ, tường rào bảo vệ như hiện nay.
Kiến trúc mộ mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ gồm: bình phong tiền, trường bao, bệ thờ, mộ, bình phong hậu, trụ cột hình chữ kim…
Lăng Võ Tánh thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật gồm 2 khu vực bảo vệ. Khu vực I gồm: đền thờ và mộ diện tích là 539m2. Khu vực 2 gồm: nhà bảo vệ, sân vườn và diện tích đất còn lại tổng diện tích là 2221.8m2.
Ngày 31/12/2019, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố (năm 2019) cho Lăng ông Võ Tánh cùng 4 di tích khác.
Đó là, nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản.