Bằng kinh nghiệm truyền thống, hơn một năm nay, hàng chục nghệ nhân người Jrai, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã lên rừng tìm hơn 20 loại rễ cây rừng tự nhiên để khôi phục men rượu cần Tây Nguyên. Không quản khó khăn, những nghệ nhân Jrai đang cố gắng bảo tồn và phát huy nền văn hóa phi vật thể có từ lâu đời này - tục uống rượu cần.
Lễ tục thiêng liêng
Không biết tự bao giờ, rượu cần đã gắn bó mật thiết với đời sống của người đồng bào Tây Nguyên. Rượu cần luôn có mặt và chứng kiến mọi lễ tục của cộng đồng, từ lễ cúng thần linh, cúng Giàng, mừng lúa mới, lễ bỏ mả, đến những ngày hội làng, tiếp đãi khách... Có thể nói, không có rượu cần thì không có lễ tục.
Rượu cần được quý bởi nhiều lẽ. Người Tây Nguyên cho rằng, rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, phải như thế thì lời cầu nguyện của họ mới linh nghiệm.
Chính vì sự thiêng liêng đó, nên tục uống rượu cần của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ lâu đã trở thành một nét văn hóa. Và nữa, rượu cần được làm khá công phu, chất liệu là lương thực - thứ sản phẩm nuôi sống con người. Bởi vậy, vào những dịp lễ tết, tất cả mọi người, từ già trẻ, gái trai, không phân biệt chức sắc hay dân thường, ai cũng vin rượu cần mà uống, uống cho say mới thôi.
Đồng bào dân tộc thưởng thức rượu cần trong dịp lễ
Để làm được những ghè rượu cần phải trải qua rất nhiều công đoạn: Từ làm men, nấu cơm rượu, ủ rượu. Người làm men rượu cần phải đi bộ cả ngày đường lên rừng sâu thu hái rễ của hơn 20 loại cây thuốc. Trải qua các bước như sơ chế cây thuốc, giã rễ cây, giã gạo tẻ hoặc gạo nếp. Trộn hai thứ đó vào với nhau, pha thành viên và ủ suốt 3 ngày 3 đêm. Sau đó đem phơi khô trên sàn bếp khoảng gần một tuần. Lúc ấy những viên nén này sẽ là men rượu cần truyền thống của cộng đồng Jrai.
Nghệ nhân làm rượu cần phải sử dụng ngũ cốc đặc trưng như gạo tẻ, nếp; bo bo, sắn hoặc ngô. Tất cả được nấu chín, sau được trộn đều với men truyền thống rồi mang đi ủ một ngày một đêm sẽ trở thành cơm rượu. Khi đã dậy mùi mới đổ cơm rượu ấy vào ghè. Đáy ghè bao giờ cũng phải được lót một lớp trấu. Sau khi đổ đầy cơm rượu, tiếp tục phủ lên một lớp trấu. Trấu này có tác dụng ngăn cho bã rượu không chạy vào trong cần khi hút (uống).
Khi việc làm rượu đã xong, công việc sau cùng của người làm là lấy lá chuối bịt miệng ghè lại để giữ được mùi thơm của rượu. Sau khi đã buộc kín miệng, các ghè rượu sẽ được xếp một dãy dài theo thứ tự lớn nhỏ và để ở một góc nhà. Nếu đem chôn xuống đất thì khi mang lên uống, ghè rượu sẽ ngon hơn rất nhiều, chôn giữ càng lâu uống càng ngon (tùy theo loại ngũ cốc sử dụng).
Một điều đặc biệt, những nghệ nhân làm rượu cần đều là nữ. Theo phong tục từ xa xưa để lại, người ta đã kiêng không cho nam giới làm công việc này, vì công việc này cần một bàn tay khéo léo và hết sức cẩn trọng. Trong suốt 3 ngày 3 đêm ủ men, những nghệ nhân nữ không được gội đầu, không được giặt đồ. Phụ nữ đang mang thai thì tuyệt đối không được đến khu vực đang nấu rượu cần. Trong thời gian ủ men và làm rượu, có một điều bắt buộc ai cũng phải tuân theo là nghệ nhân phải giữ cho thân thể của mình thật sạch sẽ và không được quan hệ tình dục vì đồng bào cho rằng như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của men rượu.
Ở Tây Nguyên, hầu hết gia đình nào cũng biết cách làm rượu cần. Tuy nhiên, mỗi gia đình tùy theo kinh nghiệm và sở thích của mình sẽ có một công thức riêng để tạo nên hương vị mà mình muốn thưởng thức. Rượu cần truyền thống theo cộng đồng Jrai, nếu được làm đúng theo phương thức của dân tộc thì ghè rượu càng để lâu trong nhà càng ngon, hương vị đặc trưng. Một ghè rượu có thể làm say cả chục người.
Bên ghè rượu cần tìm về bản sắc
Vượt hàng trăm cây số từ TP.Pleiku, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Đinh Nhiêu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về văn hóa uống rượu cần của người Tây Nguyên. Với nhiệt huyết khôi phục men rượu cần truyền thống, nghệ nhân Đinh Nhiêu kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của men rượu cần đồng bào Jrai và ý định thành lập một tổ sản xuất men rượu cần.
Từ xa xưa, những nữ nghệ nhân của đồng bào Jrai đã biết lên rừng tìm rễ của hơn 20 loại cây thuốc nam về làm men rượu cần. Nghệ nhân Đinh Nhiêu tâm sự: Từ rất lâu rồi, rượu cần là thứ đồ uống không thể thiếu trong những dịp lễ tết, ngày hội vui của người đồng bào. Nhưng khoảng hơn chục năm nay, mọi người đã ít biết đến men rượu cần truyền thống. Thay vào đó là những men rượu được làm từ Trung Quốc được bày bán la liệt trên thị trường. Khi nấu rượu bằng loại men này, rượu cần sẽ không còn hương vị đặc trưng, và khi uống xong thường thấy rất đau đầu.
Với mong muốn giữ lại được bản sắc văn hóa, cuối năm 2010, nghệ nhân Đinh Nhiêu thành lập một tổ sản xuất men rượu cần tại xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Tổ sản xuất men rượu cần lúc này gồm khoảng 10 nghệ nhân (đến nay hơn 20), tất cả đều là nữ. Những nghệ nhân lớp trước đang cố gắng dạy lại kinh nghiệm cho lớp trẻ.
Chị Ksor - Hter (29 tuổi) dân tộc Jrai, buôn SômahangB, xã Ia Yeng chia sẻ: Làm men rượu cần vất vả lắm, phải đi bộ cả ngày đường lên rừng kiếm rễ cây. Do loại rễ cây cần tìm bây giờ rất hiếm nên nhiều khi phải đi hết núi này đến núi khác mới tìm được. Để giã được rễ cây cũng rất mệt nhọc, nhiều khi phồng hết cả tay mới giã xong.
Hiểu được nỗi vất vả của những người làm men rượu cần, nghệ nhân Đinh Nhiêu đang thực hiện ước muốn đưa máy móc vào thay thế sức lao động. Ông cho biết hiện tổ sản xuất đang nghiên cứu một loại máy giã rễ cây. Loại máy này sẽ sử dụng động cơ để giã rễ cây được liên tục, giúp các nghệ nhân đỡ tốn sức lao động. Thêm vào đó, ông cũng đang nghiên cứu một loại khay bằng gỗ có thể làm ra nhiều viên men một lúc, thay cho cách úp chén truyền thống, mỗi lần chỉ được một viên. Những loại rễ cây làm men rượu sẽ được đưa về vườn trồng thử nghiệm để giữ nguồn nguyên liệu.
Nghệ nhân Đinh Nhiêu cho biết, kế hoạch trong năm 2012 tổ sản xuất sẽ đưa một số máy móc vào thay thế sức lao động dù kinh phí ban đầu tương đối lớn, một chiếc máy giã rễ cây tốn khoảng 20 triệu đồng.
Theo chân nghệ nhân Đinh Nhiêu, chúng tôi đến nhà cụ Ksor - Hgui, một nghệ nhân có tiếng ở buôn Sôhang B, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Căn nhà sàn khá rộng rãi, đây chính là nơi các nghệ nhân đang sản xuất men rượu cần. Chị Ksor - Htek (con gái của cụ Ksor - Hgui) trải chiếc chiếu ra giữa nhà, ghè rượu cần đặt ở giữa và mọi người cùng ngồi quây quần xung quanh.
Lần lượt chúng tôi, ai cũng được thưởng thức rượu cần với món lá mì vò nát nấu chung ớt xanh và lá đu đủ non. Quả là thứ rượu đặc trưng của núi rừng cao nguyên. Vin cần rượu mà uống để thưởng thức vị đắng của rễ cây, vị ngọt của gạo nếp, vị chua của men rượu tất cả hương vị hòa quyện lại, cho người uống cảm giác hưng phấn, lâng lâng đến khó tả. Bên ghè rượu, những người già thì kể lại chuyện từ xa xưa, những thanh niên thì nói với nhau về công việc, ý định tương lai.
Những thiếu nữ người đồng bào dường như xinh tươi hơn, men rượu cần đã ngấm, mặt họ đỏ hồng hào trông hết sức đáng yêu. Chúng tôi đã ngồi bên nhau, trò chuyện vui vẻ trong một cảm giác thân thiện, gần gũi và thật tự hào về bản sắc văn hóa của người đồng bào Tây Nguyên.
Chúng tôi tạm chia tay khi cuộc vui chưa tàn và ra về trong sự nuối tiếc. Câu nói của nghệ nhân Đinh Nhiêu trong lúc trò chuyện như vẫn còn bên tai trên đường về: Nếu cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần là điều kiện để con người cởi mở, hòa nhập với nhau. Bảo tồn văn hóa cồng chiêng thôi là chưa đủ, văn hóa rượu cần cũng rất cần được gìn giữ và phát huy, vì nó cũng là một phần tạo nên nét đẹp văn hóa Tây Nguyên.
Nguyễn Tâm