Đi tìm Sherlock Holmes trong đời thực
Thám tử đại tài Sherlock Holmes luôn tạo cho ta cảm giác đây không chỉ là một nhân vật trong tiểu thuyết mà là một người tồn tại ngoài đời thực. Đọc loạt tiểu thuyết về thám tử Sherlock Homles, người ta nhận ra nhà văn - bác sĩ Arthur Conan Doyle đã lấy chính bản thân mình để tạo nên nhân vật bác sĩ Watson.
Từng chi tiết nhỏ của bác sĩ Watson trùng khớp với nhà văn Conan Doyle như cơ thể khỏe mạnh, vai rộng và bộ ria quặp rậm rạp. Vậy còn Sherlock Holmes? Nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng dường như nhân vật Holmes vẫn là một ẩn số khó giải. Thám tử Homles vừa thật vừa ảo khiến các nhà văn khác cũng bị cuốn theo chuyến phiêu lưu đi tìm nguồn gốc thực của một nhân vật trong truyện.
Nhà văn Peter Costello - tác giả cuốn sách Thế giới thực của Sherlock Holmes đã dành thời gian tìm hiểu nhân vật Sherlock Holmes khá kỹ. Đi ngược lại không gian và thời gian, quay về thời điểm tháng 3/1885, chàng trai trẻ tuổi Conan Doyle khi đó đã là một bác sĩ trở về quê ở Southsea, ngoại ô của Portsmouth. Nhưng khi vừa đặt chân lên mảnh đất thân thương đó, bác sĩ Doyle đã bị cảnh sát địa phương mời tới thẩm vấn.
Nguyên nhân là do phía cảnh sát mới nhận được một lá thư nặc danh cung cấp thông tin về một thanh niên bị giết. Điều đáng chú ý là người này từng là bệnh nhân quen của bác sĩ Doyle. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến vị bác sĩ trẻ tuổi bởi Doyle mới tốt nghiệp trường y được bốn năm và đang phấn đấu trở thành một bác sĩ uy tín tại quê nhà.
Nhà văn Costello có nhắc đến một viên cảnh sát chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra vụ việc và đặt ra nghi vấn: "Viên cảnh sát này liệu có phải là nguyên mẫu của thám tử Sherlock Holmes không?". Còn trong cuốn Những lá thư Stark Munro của nhà văn Conan Doyle, ông có nhắc đến sự kiện bị thẩm vấn này nhưng không hề đề cập đến viên cảnh sát đã làm việc với ông.
Bởi vậy, người ta cho rằng, nguyên mẫu của thám tử Holmes phải là một nhân vật tầm cỡ, vĩ đại hơn nhiều, phải là những người có phong thái khoáng đạt gần với Sherlock Holmes nhất. Phải chăng thám tử Holmes là tổng hợp của rất nhiều người khác nhau chứ không phải chỉ dựa vào một người như các nhân vật khác?
Sau một thời gian dài nghiên cứu, đối chiếu và so sánh, các nhà nghiên cứu văn học cuối cùng cũng giải được ẩn số Sherlock Holmes: Nguyên mẫu vị thám tử tài ba Sherlock Holmes là bác sĩ Joseph Bell. Bell là giáo sư chuyên khoa giải phẫu tại trường đại học Edinburgh. Bell khá nổi tiếng bởi ông vừa là một nhà giáo vừa là vị bác sĩ đã từng phẫu thuật cho nữ hoàng Victoria khi bà tới thăm Scotland. Những bài giảng trên giảng đường của Bell được các giáo sư khác đánh giá rất cao.
Theo sự miêu tả của Martin Booth, tác giả cuốn tiểu sử về Conan Doyle - Bác sĩ và thám tử, để nhấn mạnh cho sự trùng hợp giữa Bell và Holmes, Booth đã chứng minh Bell là một người đàn ông có vóc dáng cao gầy, một đôi mắt xám, khuôn mặt góc cạnh và đặc biệt là giọng nói cao đặc trưng của Holmes. Bell còn là một nhà thơ lãng tử, có tài kể chuyện, yêu thể thao và thiên nhiên, chim muông và còn là một xạ thủ điêu luyện.
Nhưng có lẽ điều làm nên một Bell - nguyên mẫu của vị thám tử lừng danh Sherlock Holmes chính là sự nhạy bén trong quan sát biểu hiện của bệnh nhân trước khi chẩn đoán bệnh. Bell từng nói: "Khi khám và chẩn đoán bệnh, một bác sĩ không chỉ nhìn bệnh nhân mà còn phải biết lắng nghe, thăm dò và cảm nhận trạng thái cơ thể của họ".
Quả thật, phương pháp lập luận của Holmes rất gần với những suy luận của bác sĩ Bell. Cuốn tiểu thuyết "A Study in Scarlet" của nhà văn Doyle đã để thám tử Holmes có những phán đoán cực kỳ sắc bén của bác sĩ Bell: "Từ móng tay của người đàn ông, ống tay áo, ống quần, đôi giày vẻ mặt và mỗi chi tiết trên người nạn nhân có thể tiết lộ cho chúng ta nhiều điều". Và phương pháp quan sát từng chi tiết nhỏ đó được Doyle sử dụng trong suốt loạt truyện trinh thám Sherlock Holmes.
Trích đoạn một trong những vụ án trong cuốn truyện, Holmes giải thích cho Watson lý do Holmes khẳng định một người đã từng sống ở Afghnistan như sau: "Người đàn ông này có dáng vẻ của một bác sĩ và tác phong của một sĩ quan quân đội. Điều này có thể nói, ông ta là bác sĩ quân y. Ông ta có một khuôn mặt sạm đen nhưng cơ thể lại sáng màu nên chắc chắn ông ta không phải người da màu, chứng tỏ ông ta vừa trở về từ một vùng nhiệt đới.
Hơn nữa, chuyến đi này của ông ta rất vất vả và còn bị ốm nữa, thể hiện rất rõ trên khuôn mặt hốc hác như thiếu ngủ. Cánh tay trái bị thương bởi ông ta giữ thẳng tay một cách không tự nhiên. Vùng nhiệt đới nào khiến một bác sĩ quân y người Anh trông vất vả như vậy, lại còn khiến cánh tay bị thương? Rõ ràng chỉ có Afghanistan".
Cuốn sách Thế giới thực của Sherlock Holmes.
Điểm tương đồng giữa tính cách và trí thông minh giữa "con đẻ" của Conan Doyle và bác sĩ Bell rất rõ ràng và khó có thể phủ nhận nhưng không thể nói khi sáng tạo nên thám tử Holmes, Doyle hoàn toàn chỉ dựa vào một hình mẫu là bác sĩ Bell. Tác giả của các truyện hư cấu thường hiếm khi chỉ xây dựng nhân vật của mình trên một nguyên mẫu duy nhất mà còn lấy từ nhiều nguồn khác nhau và tất nhiên, Sherlock Holmes cũng không phải là một ngoại lệ. Ngoài nguyên mẫu là bác sĩ Bell, các nhà nghiên cứu văn học còn nhận thấy, Sherlock Holmes còn mang cả một số tính cách vừa thực vừa ảo.
Không "ăn theo" các nhân vật đi trước
Trong buổi trả lời phỏng vấn năm 1894, một phóng viên trẻ đã hỏi nhà văn Conan Doyle: "Thưa ông, nhân vật thám tử lừng danh Sherlock Holmes của ông có chịu ảnh hưởng nào từ các tác phẩm của nhà văn Mỹ Edgar Allen Poe hay không?". Nhà văn Doyle cười hiền, trả lời: "Nhiều chứ! Thám tử Dupin của Poe là một thám tử hư cấu giỏi nhất đấy!". Cô phóng viên trẻ tiếp tục hỏi xoáy: "Nói vậy thì Sherlock Holmes của ông có được liệt vào hàng thám tử giỏi nhất không?".
Nhà văn Doyle hơi ngập ngừng: "Tôi không loại trừ điều đó nhưng... Dupin vẫn là vô địch". Dupin được nhà văn Doyle nhắc đến là một nhân vật thám tử nghiệp dư trong truyện trinh thám của Poe, xuất bản trong giai đoạn những năm 1841 - 1844, trước khi Sherlock Holmes ra đời gần 50 năm. Những truyện này đã đưa Poe trở thành cha đẻ của một loạt các tiểu thuyết trinh thám hiện đại sau này.
Mặc dù công khai thừa nhận "con đẻ" của mình thừa hưởng ít nhiều phong cách của Poe nhưng Conan Doyle lại để Holmes "chê bai" các thám tử khác bằng cách để Holmes nói với Watson trong một câu chuyện rằng: "Mỗi khi anh ca ngợi tôi, anh luôn so sánh tôi với Dupin là sao? Nhưng tôi có thể nói thẳng rằng Dupin là một gã hoàn toàn kém cỏi".
Trong truyện của mình, Conan Doyle cũng để Holmes chê bai một thám tử lừng danh khác là nhân vật thanh tra Lecoq của nhà văn Pháp Emile Gaboriau (1833 - 1873). Doyle để Holmes nói mỉa mai: "Lecoq là kẻ làm việc rất ẩu.
Để xác định một tên tù vô danh tôi chỉ mất 24 giờ đồng hồ, còn ông ta phải mất tới tận sáu tháng". Có thể Doyle muốn độc giả của mình hiểu rằng, nhân vật của ông chỉ lấy Dupin và Lecoq làm cảm hứng chứ không phải là một nhân vật "ăn theo". Dĩ nhiên, Doyle cũng như các nhà văn khác, ông luôn tự hào về sáng tác của mình và muốn nhân vật của ông chính là "đứa con" do chính tay ông tạo ra, mang phong cách của chính mình.
Sherlock Holmes - sản phẩm kỳ công của Doyle Có thể thấy tất cả các anh hùng hư cấu đều mang bóng dáng của tác giả và ở Sherlock Holmes người ta cũng nhận thấy hình ảnh của nhà văn Conan Doyle. Cá tính và xu hướng phát hiện sự việc khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đã làm cho thám tử đại tài Sherlock Holmes nổi tiếng hơn bao giờ hết. Cùng với tài hoá trang, lòng nhiệt tình truy đuổi tội phạm và những thí nghiệm ngay tại hiện trường vụ án, thám tử Holmes đã trở thành vị thám tử đặc biệt trong lòng những người mê truyện trinh thám. Có thể nói, thám tử Sherlock Holmes thực sự là một sáng tạo kỳ công nhất của nhà văn Conan Doyle. |
Hồng Nhung (Theo Universal Journal/Word Press)