Báo Người lao động dẫn thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, giao Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan điều tra việc một số tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị chìm bất thường trong thời gian qua.
Ghi nhận báo cáo của Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (gọi tắt là PJICO Bình Định, thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO), từ đầu năm đến nay, có 9 tàu cá mua bảo hiểm của đơn vị bị chìm bất thường. Đáng chú ý, trong tháng 7, có 7 tàu cá bị chìm, gây thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.
Gân đây nhất là trường hợp của ông Lê Văn Thiểu (trú ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn). Theo đó vào đêm 29/7, trong lúc tàu cá vỏ thép BĐ-99999 TS của gia đình ông do người đồng hương là Lê Văn Roan làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân đang khai thác hải sản bằng lưới rê trên vùng biển Khánh Hòa thì xảy ra sự cố kỹ thuật. Máy tàu hư hỏng, vỏ tàu bị thủng khiến cho nước tràn vào khoang.
Sau sự cố nêu trên, ông Lê Văn Thiểu đề nghị PJICO Bình Định bồi thường tổng giá trị tài sản thiệt hại 9 tỷ đồng, trong đó có 7 tỷ đồng là giá trị tàu cá và 2 tỷ đồng là giá trị ngư cụ.
Một trường hợp khác tàu cá vỏ gỗ BĐ 99456 TS của bà Nguyễn Thị Ai (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) bị phá nước và chìm vào đêm 6/7 trong lúc hoạt động nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.Thời điểm gặp nạn trên tàu có 8 ngư dân, được các tàu cứu vớt. Sau khi bị chìm, chủ tàu làm hồ sơ đề nghị PJICO Bình Định bồi thường 7 tỉ đồng.
Trao đổi với báo Công an nhân dân, ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc PJICO Bình Định, số lượng tàu cá của ngư dân tỉnh này đã bị chìm đắm trong năm 2019 tăng gấp đôi so với năm 2018 là dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, một điều đáng lưu ý là thời điểm xảy ra nhiều vụ chìm tàu (tháng 7) thời tiết trên biển ổn định, chưa có mưa bão.
"Theo khai báo của các chủ tàu, nguyên nhân bị chìm tàu là do phá nước hoặc đâm vào vật thể lạ. Trong khi đó, toàn bộ số tàu chìm không tìm thấy xác nên khó thẩm định được nguyên nhân. Ngoài ra, trong nội dung khai báo diễn biến quá trình chìm tàu, giữa chủ tàu và các thuyền viên hoạt động trên tàu khai báo không nhất quán nên không biết đâu mà lần" - ông Nam nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh này có 61 tàu cá được đóng mới và 1 tàu cá được đầu tư nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Trong số đó có 48 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ vật liệu composite và 6 tàu vỏ gỗ với tổng dư nợ tín dụng hơn 933 tỷ đồng.
Hiện có 29 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn bảo hiểm, chưa mua được bảo hiểm. Các ngân hàng thương mại cho vay đề nghị không cho tàu đi hoạt động sản xuất, các tàu phải nằm bờ. Dự kiến, ngày 1/1/2020, có 37 tàu hết hạn bảo hiểm, đến tháng 7/2020 thì toàn bộ 57 tàu vỏ thép của Bình Định sẽ hết hạn bảo hiểm.
Dân Việt dẫn lời ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO khẳng định, đơn vị chưa dừng cũng như không có chỉ đạo việc dừng bán bảo hiểm cho ngư dân mà chỉ tạm dừng để rà soát, đánh giá lại.
"Trong 4 năm thực hiện bảo hiểm tàu theo Nghị định 67/CP có tổng số 33 sự cố tổn thất thì riêng năm 2019 có tới 9 sự cố. Do vậy, PJICO chỉ đạo các công ty thành viên tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Quy trình cấp đơn bảo hiểm cần nhiều thời gian hơn trước đây" - ông Hải nhấn mạnh.
Bá Di (T/h)