Báo lỗ vẫn mở rộng kinh doanh
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam ( VCCI) cho hay, tính đến năm 2010 có khoảng 1.500 – 2.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Theo một điều tra của VCCI, các DN FDI đánh giá điểm mạnh của Việt Nam bao gồm: Chính sách, bộ máy chính quyền rất coi trọng và mong muốn có DN FDI thêm vào đó Việt Nam tương đối an toàn nhất là không sợ bị thu hồi tài sản như một số nước, có mức thuế thấp.
Ông Tuấn cũng cho rằng nguồn lao động rẻ và tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo cũng là điểm thu hút các DN này và đương nhiên cũng phải nhìn nhận FDI tạo động lực rất lớn cho VN vì cứ 10 đồng xuất khẩu thì có đến 7 đồng là của FDI. Tuy nhiên có rất nhiều DN báo lỗ liên tục, không nộp thuế nhưng kinh doanh tăng trưởng rất bài bản và vẫn không ngừng mở rộng quy mô.
Vị này cũng cho biết, năm 2000 đã có một cuộc đua ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư có vốn nước ngoài, với tâm lý sủng bái DN FDI và sự cạnh tranh về thành tích chính trị, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra những ưu đãi có lợi để thu hút loại hình doanh nghiệp này trong khi các DN tư nhân trong nước khốn khổ. “ DN FDI quan trọng nhưng DN tư nhân trong nước cũng vậy” – ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR) cũng đưa ra ví dụ trong nhiều năm các hãng đồ uống như Coca-Cola và Pepsi liên tục báo lỗ nhưng bên cạnh đó vẫn không ngừng mở rộng kinh doanh. Ông Thành nhận định, Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI như cung ứng hạ tầng, môi trường và cả vấn đề pháp lý để bảo vệ những doanh nghiệp này nhưng họ lại không đóng thuế, đó là sự không công bằng và bất công.
Doanh nghiệp nào chuyển giá?
Bà Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, 100 tỷ USD là con số mà các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Phan Lê Thành Long – Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc tại Việt Nam chia sẻ, nói đến việc chuyển giá, các DN đến từ các quốc gia khác nhau không có sự khác biệt về hành vi, có chăng là khác biệt liên quan đến ngành nghề. Theo nghiên cứu sơ bộ, động cơ, động lực của những người hành nghề trực tiếp họ đưa ra những hoạt động chuyển giá liên quan đến vấn đề kỹ thuật, điều này phụ thuộc cấu trúc của DN, họ có ở những thiên đường thuế hay không? cấu trúc giao dịch hoạt động kinh doanh của họ thế nào? và họ sản xuất những sản phẩm gì?
Còn ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chuyển giá là vấn đề không mới và rất cũ ở nhiều quốc gia. Theo ông Tuấn một trong những nguyên nhân của chuyển giá ngoài lý do của DN thì cũng có lý do từ chính pháp luật của các nước. Nếu chính sách thuế nhà đầu tư không dự đoán được, DN không quản trị được rủi ro thì khi đó động lực để chuyển giá cũng lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc điều tra về chuyển giá rất khó khăn vì chắc chắn không có doanh nghiệp nào tự khai về vấn đề này. Năm 2013 VCCI cũng đã có một cuộc tiến hành điều tra về chuyển giá trong đó có 60% DN chuyển giá ở VN có lợi nhuận rất cao, 44% DN có mức lợi nhuận cao, DN lợi nhuận trung bình chỉ có 12%, DN lãi ít có 9%. Tuy nhiên, cũng lưu ý khoảng 30% DN khai lỗ cũng có chuyển giá. Cuộc điều tra cũng chỉ ra một số ngành có chuyển giá cao là những ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, linh kiện ô tô, nhựa, cao su… Ngoài ra, nhóm chuyển giá tương đối cao là nhóm tài sản vô hình khó định giá là bảo hiểm, tài chính, thông tin viễn thông.
Thiên Di