Đi tìm 'Tam bất tử' nơi phát tích ông tổ nghề lược

Đi tìm 'Tam bất tử' nơi phát tích ông tổ nghề lược

Thứ 7, 06/07/2013 10:53

Ở làng Thụy Ứng (Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội) có một vị tổ nghề lược không rõ tên tuổi, quê quán, năm sinh, năm mất, có một cây đa 7 rễ khổng lồ và một chiếc giếng cổ bằng cối đá hàng nghìn năm tuổi. Đó là 3 vị thần đặc biệt, được dân làng tôn kính lập đền thờ như những đấng linh thiêng che chở, bảo vệ cho sự an nguy và hưng thịnh của làng.

Đình tổ nghề

Tuy là một làng nghề nổi tiếng với truyền thống làm lược lâu đời, nhưng dân làng Thụy Ứng không ai biết vị tổ nghề của mình là ai, tên tuổi ra sao, quê quán thế nào.

Ông Nguyễn Văn Lùn (81 tuổi), một vị cao niên uy tín trong làng cho biết trong các tài liệu, sử sách liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của làng Thụy Ứng, đều không thấy có thông tin nào nhắc đến lai lịch của vị tổ nghề mà dân làng một mực tôn kính. Mặc dù vậy, để tưởng nhớ công ơn truyền nghề của người xưa, giúp cho bao đời con cháu sau này có cơm ăn, áo mặc, đời sống ấm no, thịnh vượng, vào thời vua Bảo Đại, dân làng Thụy Ứng đã đóng góp sức người sức của, xây dựng đình tổ nghề để lấy nơi hương khói, thờ phụng. Vì không có gia phả, thần phả nên hàng năm, dân làng thường làm lễ tưởng nhớ công ơn thần tổ nghề vào tháng 2 và tháng 8 theo nhị kỳ hai tiết Xuân - Thu, chứ không biết rõ ngày giờ để làm giỗ như các nơi khác.

Xã hội - Đi tìm 'Tam bất tử' nơi phát tích ông tổ nghề lược

Đình tổ nghề.

Theo những câu chuyện được kể lại từ các bậc tiền bối, kiểu lược đầu tiên được vị tổ nghề truyền dạy cho dân làng là kiểu lược gỗ múi bưởi được làm hoàn toàn bằng tay. Loại gỗ làm lược được ưa chuộng nhất thời bấy giờ là gỗ chai, một loại gỗ vô cùng chắc, mịn, nhưng dường như đã bị tuyệt chủng từ lâu. Có lẽ loại gỗ quý hiếm này giờ đây chỉ còn tồn tại trong những hồi ức xa xưa của những nghệ nhân lão thành đã từng một đời gắn bó với những chiếc lược gỗ múi bưởi đã làm nên danh tiếng của làng nghề Thụy Ứng xưa nay. Người làng Thụy Ứng vẫn thường được nghe các lão nhân trong làng nhắc lại một trong những thời điểm thịnh vượng nhất của làng nghề.

Trải qua bao đời con cháu, nghề làm lược của làng Thụy Ứng vẫn được duy trì và phát triển để phù hợp với nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong xã hội hiện đại. Từ những chiếc lược gỗ múi bưởi, những người thợ khéo léo của làng nghề Thụy Ứng đã học hỏi và phát triển thêm nghề làm lược sừng, lược móng.

Ông Lùn quả quyết với giọng tự hào: "Bất kể già trẻ, gái trai trong làng, phàm đã là người làng Thụy Ứng, lọt lòng mẹ đã biết làm lược, chẳng cần dạy bảo nhiều. Nghề này đã gắn bó với dân làng hàng mấy trăm năm, đã ngấm vào máu thịt, vào tâm hồn của người dân như cuộc sống của chính họ". Đó là lý do giải thích tại sao, những đứa trẻ được sinh ra ở làng Thụy Ứng dù lớn lên có làm gì đi nữa, vẫn sớm bộc lộ những nét tài hoa có sẵn từ bao giờ.

Cây đa 7 rễ

Những người đã từng một lần đặt chân đến làng Thụy Ứng dù gần hay xa, thường không bao giờ nhầm lẫn trong những lần viếng thăm sau đó, bởi đầu làng là một cây đa 7 rễ khổng lồ có một không hai. Dù đã đi nhiều nơi, thấy không ít sự lạ, nhưng tôi chưa từng bắt gặp một cây đa nào đặc biệt đến vậy. Từ thân chính của cây đa, tỏa ra thêm 6 thân rễ khác nối tiếp nhau thành một vòng tròn lớn như 7 người khổng lồ đang đứng khoác vai nhau. Ông Lùn cho biết, khi ông còn là một cậu bé đã nghe cố nội của mình kể khi cố nội ông sinh ra đã thấy cây đa 7 rễ sừng sững đầu làng như trụ chống trời, bao nhiêu trận bão đi qua cũng không hề hấn. Hầu hết những người trong làng đều tin rằng, cây đa 7 rễ đã đứng ở đó hàng nghìn năm, trước cả khi có làng Thụy Ứng.

Bóng mát của cây đa 7 gốc là điều tuyệt vời nhất đối với những đứa trẻ chăn trâu trong những ngày hè nắng bức. Chúng thường buộc trâu vào gốc đa và chơi đùa trên khoảng đất rộng lớn mà đối với chúng không khác gì một chiếc ô khổng lồ che mưa nắng. Nhưng cũng vì là nơi buộc trâu của dân làng suốt một thời gian dài nên sự di chuyển theo vòng tròn của những con trâu quanh gốc cây đã tạo thành một giao thông hào sâu hoắm. Mỗi khi trời mưa to, vòng tròn giao thông hào lại ngập đầy nước mà gốc đa là một ốc đảo lọt thỏm bên trong. Một hôm, có một vị khách lạ tỏ ra rất am tường địa lý, phong thủy đến thăm làng.

Thấy trước nguy cơ cây đa cổ thụ bị ngập úng mà chết, vị khách mới hoảng hốt góp ý với các vị cao niên "Cây đa này khác gì một vị thần canh giữ cho sự an nguy, hưng thịnh của làng ta. Cây vượng thì làng vượng, cây suy thì làng suy. Cớ sao lại để trâu bò quần thảo tạo thành giao thông hào đọng nước như vậy? E rằng không giữ nổi cây". Ngay sau đó, người làng đã họp bàn với nhau lấp giao thông hào, xây một bờ tường xung quanh, ngăn không cho dân tiếp tục buộc trâu bò. Dân làng cũng lập đền thờ cạnh gốc cây để tỏ lòng tôn kính đối với một trong những vị thần bất tử bảo vệ cho làng.

Xã hội - Đi tìm 'Tam bất tử' nơi phát tích ông tổ nghề lược (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Lùn, một bậc cao niên đáng kính trong làng.

Giếng cổ nghìn năm

Nếu như cây đa 7 rễ là tấm bình phong che chắn đầu làng thì giếng cổ nghìn năm lại giống như một trái tim ở giữa làng. Đây là một trong những chiếc giếng cổ hiếm hoi được tìm thấy ở Việt Nam được làm hoàn toàn bằng cối đá. Từ miệng giếng nhìn xuống đáy, không ai không khỏi bị choáng ngợp bởi những lớp cối đá xanh được xếp xen kẽ nhau thành từng tầng từ trên xuống dưới, từ to đến nhỏ như một cột đá xuyên thẳng xuống lòng đất rồi đắm mình trong một cột nước trong vắt, tỏa hơi mát lạnh.

Là người am hiểu lịch sử, nắm rõ các gia phả, thần phả của làng Thụy Ứng từ xưa đến nay, ông Nguyễn Văn Lùn cho biết theo phỏng đoán của ông cùng một số vị cao niên khác trong làng thì giếng đá cổ này phải có từ thời Bắc thuộc, cách đây hàng nghìn năm. Bởi vì, đó là thời kỳ mà những chiếc cối đá xanh, loại cối đá được dùng để xây giếng rất thịnh hành. Điều đặc biệt là kỹ thuật xây giếng ở đây vô cùng ảo diệu, các loạt cối đá được xếp từ đáy lên theo một trình tự và cách thức được áp dụng trong lối kiến trúc phong thủy của phương Đông.

Tuy nhiên những bí ẩn xung quanh chiếc giếng đá cổ này vẫn còn là những câu hỏi đang để ngỏ chờ lời giải đáp.

Ông Lùn bảo bây giờ người trong làng đã chuyển sang dùng nước máy hết, cho nên không sử dụng đến giếng nước đá cổ này nữa. Nhưng trước đó, giếng đá cổ là nơi dân làng tụ tập cùng nhau tắm rửa, giặt giũ, chuyện trò... vô cùng đông vui, nhộn nhịp. Nước giếng mát lạnh vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn tâm hồn người dân Thụy Ứng. Từ khi nào giếng đá cổ đã trở thành một vị thần bất tử trong niềm tin của những người dân hiền lành, chăm chỉ ở nơi này. Với ước mong thần giếng sẽ che chở, bảo bọc cho dân làng được đời đời ấm no, hạnh phúc, người ta đã xây đền thờ cạnh giếng để hương khói trong dịp tuần rằm, mùng 1.

Không ai biết có phải nhờ sự phù trợ của "Tam bất tử" hay vì đôi tay khéo léo, đầu óc giỏi làm ăn mà làng Thụy Ứng ngày càng trù phú với nghề lược nổi tiếng xa gần. Do vậy đình thờ ông tổ nghề, cây đa 7 rễ và giếng cổ ngàn năm luôn là niềm tự hào của những người con đất Thụy.                                                      

Bí ẩn tuyệt kỹ của người xưa

Với những người không mấy am hiểu về loại kiến thức phức tạp này, khi nhìn xuống giếng sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên của giếng đá cổ. Nhưng những người giỏi phong thủy, kiến trúc sẽ ngay lập tức nhận ra một kỹ thuật tuyệt đỉnh trong cách xếp đặt những chiếc cối đá với nhau tạo thành một bức thành kiên cố khiến cho giếng đá trường tồn mãi với thời gian, không gì có thể xâm phạm được.

Dương Dung

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.