"Thuốc bà đẻ"
Tôi đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều về các bài thuốc dân gian của các dân tộc khác trên cả nước. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy dân tộc nào có nhiều bài thuốc đặc biệt như dân tộc Mường. Hơn nữa, chưa thấy phương thuốc nào cầu kỳ như thuốc giúp phụ nữ dễ sinh nở của dân tộc Mường.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Bà Bùi Thị Đình, 58 tuổi ở xóm Ải, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) được coi là "bà đỡ" nức tiếng cả Mường Bi. Hiện, bà là người nắm được rất nhiều phương pháp giúp cho những người phụ nữ dân tộc Mường hoàn thành những ca đỡ đẻ khó cũng như là phương thuốc chăm sóc những đứa trẻ từ khi mới lọt lòng mẹ.
Trong ngôi nhà sàn, bà Đình mặc trang phục truyền thống của người Mường. Bà Đình tiết lộ những "bí kíp" gia truyền nhiều đời để lại. Phương thuốc đó là do cụ Bùi Thị Uôn (bà nội của bà Đình) là "bà đỡ" nức tiếng xứ Mường truyền lại. "Ngày trước tôi vẫn thường hay cùng bà đi khắp các vùng Mường đỡ đẻ. Năm tôi lên 20 tuổi bà nội đã truyền lại phương thuốc đó. Do đã được tiếp xúc với cây thuốc từ những lần đi cùng bà mà tôi chỉ học trong ba ngày là nhớ. Được bà nội truyền lại bài thuốc, tôi cố gắng sưu tầm, học hỏi từ những kinh nghiệm của các thầy lang ở các vùng khác. Sau này, tôi còn thêm vào bài thuốc gia truyền những loại thảo dược phụ khác để thành bài thuốc hiệu nghiệm cho quá trình sinh nở", bà Đình cho hay.
Một trong những loại cây vắc - xin bằng thảo dược ở xứ Mường
Bà Đình lý giải: "Những cây thuốc này có chất kích thích các dây thần kinh, giúp toàn thân được thư thái, sẵn sàng cho việc sinh con. Ngoài ra, bài thuốc này còn chống máu tụ trên đầu, chống băng huyết, chống nhiễm trùng sau khi đẻ, giúp cho người đàn bà sau khi đẻ sớm sạch máu hôi, lội nước sớm mà không bị buốt ngứa chân tay, không sợ bị hậu sản...".
Điều chế "vắc- xin"từ thảo dược
Bà Đình cho biết: "Ngoài phương thuốc dễ sinh, tôi còn tổng hợp được rất nhiều những bài thuốc bảo vệ trẻ mới sinh khỏi ốm đau, bệnh tật. Đó là những phương thuốc được kết hợp từ những kinh nghiệm chữa bệnh của dân tộc Mường. Đặc biệt, trong mỗi loại cây thảo dược đều có một vị thuốc riêng, nhiều cây thuốc thì tạo thành một vị thuốc. Một thang thuốc có thể được kết hợp từ rất nhiều vị thuốc. Quan trọng nhất của việc làm thuốc nam là kết hợp các vị thuốc lại với nhau để tạo thành một phương thuốc", bà Đình lý giải.
Khi người mẹ mới sinh con thường có triệu chứng không có sữa hoặc nếu có thì thường là sữa trong và nhạt, đầu vú nhỏ và mềm nhẽo, không có cảm giác căng tức, cơ thể mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, chậm tiêu, hay có cảm giác khó thở.... Chỉ cần dùng phương thuốc tổng hợp từ vị thuốc của những cây thảo dược như cây lá bướm, cây lá lốt lai, cây roi kiến, đem về giã nát đun khoảng một tiếng bắc xuống đợi nguội rồi uống thay nước lọc hàng ngày. Hơn nữa, những dưỡng chất giúp đứa trẻ mập mạp hơn, khỏe mạnh hơn cũng được mẹ truyền qua trẻ bằng tuyến sữa.
Theo bà Đình, những bệnh thông thường ở trẻ sơ sinh cũng được chữa bằng thuốc nam. Khi trẻ mới sinh, thấy trẻ có dấu hiệu khó tiêu: Phân nát, có bọt, màu hoa cà, hoa cải, mùi tanh. Người dân tộc Mường thường dùng phương thuốc được tổng hợp từ những vị thuốc của những cây thảo dược như cây đồng mảng, cây tui khụi, cây tơn nếp, hỉ ngan, hỉ lình để sắc nhỏ, đổ ngập nước đun trong vòng 30 phút, bắc xuống, đợi nguội mới cho trẻ uống. Có khoảng gần 50% trẻ sơ sinh mắc phải bệnh da vàng, nguyên nhân chủ yếu là do: Các hồng cầu thai nhi bị hủy thay vào đó là hồng cầu trưởng thành, khi hồng cầu bị hủy sẽ phóng thích vào máu một lượng lớn chất có sắc tố vàng làm cho đứa trẻ bị vàng da. Khi đứa trẻ mới sinh mẹ và bé cần được tắm nắng buổi sáng sớm khoảng 20 phút. Tắm nắng buổi sáng sớm giúp trẻ có được vitamin D, dễ dàng hấp thụ can - xi ở trong sữa mẹ và có thể chống được vàng da.
Mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra cần được tiêm những thứ vắc- xin: Lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, viêm gan siêu vi B, thủy đậu, quai bị... kháng bệnh. Bà Bùi Thị Đình cho hay: "Từ khi chưa có những loại vắc-xin tiêm phòng này, người dân tộc Mường đã có những cây thuốc chống lại những thứ bệnh mà trẻ em sẽ mắc phải này. Những cây thuốc mà bà lấy cho trẻ sơ sinh để phòng các bệnh cũng là những lượng kháng sinh chống lại các loại bệnh tật khác nhau". Thầy lang này lý giải: "Cơ thể của những đứa trẻ còn non yếu, chưa có đủ sức kháng lại những mầm mống gây bệnh. Chính vì vậy cần có những bài thuốc để những đứa trẻ có thể kháng lại sự xâm nhập của bệnh tật… Thai nhi mới lọt lòng mẹ sẽ được tắm rửa bằng những cây thuốc: Tía tô, lá pẳng gà, lá ven, bạc hà, diếp cá, lá nhọ nồi. Sau đó cần có những cây thuốc lá cánh bướm, lá sa nhân, lá lốt lai, cây pang, băm nhỏ, sắc thành thuốc cho người mẹ uống để có chất kháng bệnh truyền cho con qua đường sữa.
Theo bà Đình, nhờ những phương thuốc từ thảo dược thiên nhiên mà giúp cho những cuộc sinh nở dễ dàng, nhiều bà mẹ mới sinh con đã có thể lên nương rẫy, những đứa trẻ dân tộc rất khỏe mạnh, ít mắc bệnh tật.
Phương thuốc gia truyền của xứ Mường Ông Bùi Văn Dựng, trưởng thôn xóm Ải cho biết: Loại "vắc - xin bằng thảo dược" thực chất là những kinh nghiệm sử dụng các loại thảo dược của các thầy lang xứ Mường để tạo thành bài thuốc. Ở xóm này, bà Bùi Thị Đình có thể lấy được những cây thuốc cho những bà đẻ sinh nở dễ dàng và những cây thuốc giúp cho trẻ sơ sinh có thể chống lại được mọi bệnh tật. Ngày xưa còn chưa có trạm y tế thì bao nhiêu đứa bé ra đời cũng qua tay bà ấy. Hiện nay, với sự phát triển của y tế, việc sinh nở và chăm sóc trẻ nhỏ, cũng như tiêm phòng bằng vắc - xin của Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên người dân bản địa vẫn thường lấy thảo dược để tắm, xông hay đun lên cho trẻ uống. |
Hoàng Thế Tào