Vụ bắt giữ gây xôn xao nước Mỹ
Thị trưởng Washington D.C đã bị bắt vì tội tàng trữ ma túy vào một đêm tại khách sạn quốc tế Vista sau một cuộc điều tra bí mật của FBI và cảnh sát D.C. Thị trưởng bị bắt đúng lúc ông đang hút ma túy trong một phòng của khách sạn. Khi cảnh sát ập vào, thị trưởng cùng người tình lâu năm Rasheeda Moore không hề có ý chống đối mà đã đồng ý làm việc với chính quyền liên bang.
Theo máy camera của khách sạn, người tình của thị trưởng Barry không hút ma túy hay có quan hệ tình dục với thị trưởng trước khi bị bắt. Cuộc gặp gỡ của họ diễn ra trong khoảng một giờ. Sau khi bị bắt, thị trưởng Barry được giải đến trụ sở chính của FBI và được gặp một thẩm phán sẽ giải quyết vụ việc. Khoảng 12h40 sáng, ông Barry và nhân viên tư vấn D.C Herbert O. Reid Sr đã đến nhà của thị trưởng tại khu vực Hillcrest nằm ở phía Đông Nam Washington bằng một chiếc xe Chevrolet màu xanh. Họ từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào từ phía nhà báo và đi vòng ra phía cửa sau của ngôi nhà.
Sáng hôm sau, nhà của thị trưởng Barry đã bị cánh phóng viên báo chí và các đài truyền hình vây kín. Các quan chức thành phố và bạn bè của Barry đều rất ngạc nhiên khi nhận được tin ông bị bắt. Bầu không khí tại trung tâm Reeves trở nên căng thẳng hơn khi nghe tin thị trưởng Barry phạm tội. Sự việc nhanh chóng lan rộng khắp nước Mỹ khiến cả đất nước xôn xao, không tin vào những gì đang xảy ra.
Hoạt động điều tra ngầm đã bắt đầu trước vụ bắt giữ vài tuần, một bồi thẩm đoàn đã được lập nên, cáo buộc thị trưởng sử dụng ma túy cùng Charles Lewis, một cựu nhân viên của DC. Các công tố viên cũng đã xem xét việc lập một bản cáo trạng chống lại thị trưởng về tội âm mưu tàng trữ ma túy, khai man trốn thuế.
Nhiều nguồn tin cho biết, chính quyền liên bang cũng bắt đầu điều tra trường hợp này khi họ bất ngờ phát hiện ông Barry ở cùng phòng trong một khách sạn cùng Lewis, người đang bị tình nghi có liên quan đến việc buôn bán, tàng trữ ma túy và mọi tài liệu thu được đều chống lại ông Barry.
Ông Barry và vợ Effi.
Kết hợp cùng một sự việc cách đó khoảng 10 năm, ông Barry đã bị dính vào một số cáo buộc tàng trữ ma túy trong lần tranh cử đầu tiên năm 1981. Tuy nhiên, những cáo buộc lần đó không có cơ sở chứng minh ông Barry đang phạm pháp. Bởi vậy, lần này, cảnh sát liên bang quyết định điều tra kỹ càng sự việc.
Khi tin thị trưởng bị bắt lan rộng, cả chính quyền thành phố đều rất lo lắng và không biết chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động ra sao với những bê bối "tày đình" của thị trưởng. Việc ông Barry bị bắt khiến phe đồng minh và các đối thủ chính trị của ông thất vọng. Họ đã kỳ vọng quá nhiều vào một thị trưởng được lòng dân.
Một số nhà quan sát cho biết, vụ bắt giữ gần như đã có kết quả cuối cùng trong cuộc chạy đua vào chức thị trưởng nhiệm kỳ tiếp theo và cuộc đua này dường như chỉ còn một ứng cử viên duy nhất là đối thủ của ông Barry.
Ngồi tù vẫn đắc cử chức thị trưởng
Ông Barry bị bắt đúng vào nhiệm kỳ thứ 3 khi đang đương chức thị trưởng. Những tưởng sự nghiệp của ông Barry sẽ đặt dấu chấm hết tại đây với việc bóc lịch trong trại tù liên bang nhưng kỳ lạ thay, ông vẫn được giữ chức trong thời gian này mà chính quyền liên bang không hề đưa ra bất cứ một bình luận nào. Do ông Barry bị nghiện ma túy nặng nên năm 1991, ông Barry bị chuyển vào trại cải huấn.
Tuy nhiên, vị thị trưởng bất chấp tất cả, ông vẫn tái tranh cử chức thị trưởng thành phố ngay sau khi mãn hạn tù và điều ngạc nhiên là ông đã giành chiến thắng. Cho đến năm 1994, ông Barry tiếp tục gây ra nhiều vụ bê bối liên quan đến chính trị và tình dục, làm khiến cả nước Mỹ liên tục bị "sốc".
Đối với nhiều người, khi bị tù giam hoặc vướng vào nhiều bê bối, sự nghiệp của họ sẽ đi xuống và mất một thời gian dài để quay lại với cuộc sống bình thường. Nhưng thị trưởng Barry vẫn được chọn làm thị trưởng lần thứ 4 vào năm này với 56 % số phiếu bầu.
Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi trong tù, Barry đã lấy lại danh tiếng chính trị của mình vào năm 2004 khi ông được chọn một ghế trong hội đồng thành phố, đại diện cho những thành viên và cộng đồng nghèo khổ nhất từ đơn vị 8 của thành phố.
Mặc dù khá thành công trong lĩnh vực chính trị nhưng Marion Barry cũng bị dư luận chê bai nhiều về tội phạm luật có chủ ý như sử dụng ma túy, vi phạm luật giao thông, đặc biệt là tội danh trốn thuế. Thậm chí, ngày 9/3/2006, cựu thị trưởng Marion Barry đã bị kết án ba năm quản chế với tội trốn thuế. Các công tố viên cho biết, Barry đã không hề khai số tiền thuế và không chịu nộp thuế thu nhập trong suốt 9 năm trời. Ông Barry còn viện lý do sức khỏe, mắc bệnh thận mãn tính. Sau khi điều tra, người ta phát hiện thấy việc trốn thuế của Barry hoàn toàn có "kế hoạch", kể cả việc thu xếp vào viện để phẫu thuật thận.
Theo tính toán của cơ quan thuế, riêng trong năm 2007, ông Barry trốn tới 277.000 USD tiền thuế. Cũng chính vì vậy, thị trưởng Barry được liệt vào danh sách những "ông trùm" trốn thuế giỏi nhất nước Mỹ. Khi được hỏi về những sự việc bê bối do ông gây ra, ông Barry vẫn khẳng định đã bị FBI gài bẫy trong trận vây bắt bí mật năm 1990 và đổ lỗi cho giới truyền thông đã tường trình sai sự việc và không nhìn sâu vào những vấn đề của ông.
Trong suốt thời gian đương chức, thị trưởng liên tiếp vướng vào các rắc rối với người tình cũ nóng bỏng, nghi án rình mò phụ nữ và các vấn đề về việc sử dụng công quỹ. Tuy nhiên, vụ rình mò đã bị xếp lại và bị giấu kín, không được điều tra làm rõ. Mặc cho người dân bất bình và tò mò về sự việc nhưng ông Barry vẫn bình tĩnh và thản nhiên gây ra những bê bối khác.
Người dân thành phố Washington thực sự mất kiên nhẫn và cảm thấy khó chịu với những bê bối liên quan đến pháp luật của ông. Tất nhiên, họ không thể phủ nhận ông là một chính khách thành công. Chính thị trưởng Barry đã mở cánh cửa quyền lực cho dân thiểu số và có nhiều đóng góp lớn cho đất nước.
Một kiến trúc sư 30 tuổi đặt vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ: "Nếu ông Barry là một thị trưởng và là một nghị viên giỏi thì sao quận 8 vẫn là thành phố nghèo nhất thành phố?". Trong khi đó, một số người dân đã sống ở Canstance Woody hơn 50 năm quả quyết, ông Barry cống hiến sức mình nhiều hơn bất cứ một thị trưởng nào khác từ trước đến nay. Đắc cử chức đô trưởng Washington năm 1979 và 2 lần tái cử, ông Barry có thành tích cung cấp việc làm mùa hè cho giới trẻ và giúp cư dân xin việc hay lãnh thầu với thành phố.
Lần cuối cùng ông vướng vào các cuộc điều tra của hội đồng thành phố là quan hệ giữa ông với người tình cũ 40 tuổi Donna Watts-Brighthaupt liên quan đến một gói thầu 60.000 USD cấp cho Donna. Trong vụ việc này, ông Barry còn tuyên bố: "Tôi hoàn toàn hoan nghênh cuộc điều tra ấy bởi tôi không có gì khúc mắc trong gói thầu này, mọi thủ tục đều tuân theo luật định". Và lần này, ông Barry trắng án.
Trong một bộ phim tài liệu mới tựa đề "The nine live of Marion Barry" (tạm dịch 9 năm nhìn lại cuộc đời Marion Barry), cuộc đời và sự nghiệp đầy tranh luận của thị trưởng đã được kể lại một cách chi tiết, kể cả những bê bối chính trị gây sốc cho cả nước Mỹ.
"The nine live of Marion Barry" được đạo diễn và sản xuất bởi Dana Flor cùng Toby Oppenheimer, bộ phim quay ngược lại về lịch sử của ông Barry, từ giai đoạn ông còn là một nhà hoạt động chính trị trẻ trong thập niên 1960 đến cuộc vận động chính trị vào năm 2004. Thị trưởng Barry đã trở thành niềm tự hào cho thế hệ của ông, một thị trưởng da đen đầu tiên của Hoa Kỳ.
An Mai (Theo Washington Post)