Sau bữa cơm có món canh chua nấu thịt heo, chị N.T.L, sinh năm 1973, ở Bình Dương bị ho liên tục suốt 3 tháng, chữa nhiều nơi không khỏi. Ngày 19-7, chị vào Trung tâm Tai Mũi Họng (TT TMH) TPHCM khám. Các bác sĩ ở đây soi thấy dị vật to choán đầy lòng phế quản, màu trắng đục như khối xương. Chị bị hóc dị vật đường thở và dị vật này là mẩu xương heo. Bác sĩ chỉ gắp ra được hai miếng vì xương đã mủn và có mùi hôi, một tuần sau mới lấy ra hết được. Bệnh nhân phải nằm điều trị 19 ngày vì viêm phế quản nhiễm trùng. Đây không phải là một trường hợp hiếm gặp.
Thêm vài trường hợp điển hình
Chị N.T.T, sinh năm 1984, ở Đồng Nai bị hóc xương cá. Lúc đầu thấy bình thường, vẫn ăn cơm được nhưng càng ngày càng bị đau họng. Ngày 9-4 bệnh nhân được đưa đến TT TMH. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị hóc dị vật đường ăn. Miếng xương cá xuyên qua lòng thực quản đến vùng tuyến giáp thùy phải. Bác sĩ phải mổ, mở cạnh cổ bên phải và lấy ra được miếng xương có kích cỡ 2x 1,5cm. Bệnh nhân nằm viện 12 ngày.
Bà BB.K.H, ở quận 10 - TPHCM có hàm răng giả bị lỏng nhưng vẫn chủ quan không đến nha sĩ chỉnh lại. Ngày 27-1, trong lúc ăn cơm bà đã nuốt luôn cả hàm răng gồm 4 cái răng giả. Khi đưa vào cấp cứu tại TT TMH bác sĩ nội soi không gắp ra được vì móc sắt của hàm răng đã đâm vào niêm mạc thực quản gây phù nề. Khi soi đến lần thứ ba mới gắp được hàm răng ra, bệnh nhân bị rách niêm mạc thực quản, phải đặt ống nuôi ăn suốt bốn ngày.
Bác sĩ Lê Huỳnh Mai - TT TMH - cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2001, trung tâm đã nội soi cấp cứu cho 647 ca. Trong đó có 230 ca có dị vật đường thở và đường ăn. Đối với dị vật đường ăn thì xương cá chiếm 62,8%; răng giả 3,8%; vỏ viên thuốc: 3,5%.
Dị vật đường thở: Nam mắc nhiều hơn nữ
Một công trình nghiên cứu về tình hình dị vật đường thở tại TT TMH của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung phó giám đốc trung tâm - cho thấy số bệnh nhân nam chiếm 54%; nữ 46%, do nam có tính hiếu động hơn nữ. Hội chứng xâm nhập gồm: ho sặc sụa, khó thở, mặt tím tái hoặc đỏ bừng. Nghiên cứu cũng chia làm hai nhóm dị vật, gồm nhóm dị vật cấp đòi hỏi giải quyết càng sớm càng tốt, nếu không sẽ khó lấy và có thể phải mở khí quản. Điển hình là hạt đậu phộng (dễ bể nhất) mà nếu đến trước 24 giờ có thể nội soi lấy ra và cho xuất viện ngay. Nhóm dị vật mạn (thường gọi là dị vật bỏ quên) cho các triệu chứng ít cấp tính như: ho kéo dài, sốt vặt khiến bệnh nhân đi điều trị ở các chuyên khoa khác như khoa nội, lao, tốn kém nhiều mà không nghĩ đến tai mũi họng.
Dị vật đường ăn: Người già chiếm 14,3%
Một công trình nghiên cứu khác của các bác sĩ TT TMH về tình hình dị vật thực quản cho thấy tuổi gặp nhiều nhất là 16- 40 tuổi. Bệnh nhân nữ: 55,8%; nam: 44,2%. Người già chiếm tỉ lệ 14,3% do không có răng. Các bác sĩ cũng nhấn mạnh dị vật đường ăn là một cấp cứu trong tai mũi họng. Tuy nó ít gây nguy hiểm tính mạng cấp kỳ như dị vật đường thở, nhưng nếu không được xử trí kịp thời nó có thể gây tử vong khi có biến chứng. Các biến chứng thường gặp là trầy xước, rách niêm mạc thực quản, viêm niêm mạc thực quản, áp xe. Các loại dị vật có tỉ lệ gây biến chứng cao là xương heo (14,3%); xương vịt (11,4%); xương gà (10,9%)...
Sáu lời khuyên của bác sĩ 1. Khi đang ăn không nên cười giỡn, la hét. 2. Xương heo, gà, vịt không nên chặt nhỏ, dập vì vụn xương sẽ dính vào thịt. 3. Khi bị hóc dị vật nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, không nên đi chữa bằng các phương pháp mê tín dị đoan, chữa mẹo. 4. Không được dùng bất kỳ biện pháp gì để lấy hoặc đẩy dị vật. 5. Đối với người lớn tuổi, không có răng tốt nhất là không nên ăn cá, nếu ăn phải dùng tay gỡ xương. 6. Nếu răng giả bị lỏng, gãy móc... nên đi chỉnh sửa ngay. (Ghi theo lời của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung và Lê Huỳnh Mai) |
Theo Thiện Thành (Người lao động)