Từ ngày 1/1/2017, theo điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, CSGT sẽ xử phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 200 đến 400 ngàn đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình). Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".
Tuy nhiên, với những trường hợp mượn xe của người trong gia đình, điều khiển xe vi phạm giao thông và bị công an bắt thì phải làm thế nào, liệu có bị phạt thêm về lỗi không chính chủ hay không? PV báo Người Đưa Tin đã cùng trao đổi với Luật sư Cao Văn Tỉnh để giải đáp những thắc mắc này.
Luật sư Cao Văn Tỉnh cho biết: “Có thể coi việc mượn xe là một hợp đồng, vì giữa người mượn và người cho mượn có sự thỏa thuận với nhau, không vi phạm quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì hình thức của hợp đồng nói chung không bắt buộc phải lập thành văn bản (trừ một số loại hợp đồng có quy định về hình thức) nên những hợp đồng bằng miệng vẫn được pháp luật thừa nhận. Việc cho mượn xe cũng không bị giới hạn trong gia đình hay cùng hộ khẩu, chỉ cần không vi phạm pháp luật.
Theo quy định pháp luật, CSGT không được phép dừng phương tiện trên đường chỉ để xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Tại khoản 9 Điều 76 Nghị định 46 quy định: “Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, khoản 5 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe”.
Người đi mượn xe, dù ngắn hay dài hạn không cần phải làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện. Tuy nhiên, nếu người sử dụng xe đi mượn gây tai nạn hoặc vi phạm pháp luật, chủ sở hữu xe có trách nhiệm liên đới, phải đến cơ quan công an khai báo. Các trường hợp mua bán, cho tặng hoặc thừa kế xe máy thì người sử dụng phương tiện phải đi sang tên".
Ngoài ra, luật sư Tỉnh cũng lưu ý: “Trong quá trình xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, CSGT phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cũng như kỹ năng để xác minh ai là chủ sở hữu xe. Nếu chủ sỡ hữu đã bán lại xe, đã ký giấy tờ mua bán mà người mua cố tình không đến cơ quan công an làm thủ tục sang tên đổi chủ theo thời hạn quy định, người mua sẽ bị phạt”.
Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ 1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe; b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được Điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. |
Dương Nhung