Đi xe sang, chi quỹ trái phép hàng chục tỷ

Đi xe sang, chi quỹ trái phép hàng chục tỷ

Thứ 5, 27/12/2012 23:55

Theo kết luận của Thanh tra chính phủ, lãnh đạo TCty Vật tư nông nghiệp Việt Nam (Vigecam) đã mua xe sang vượt tiêu chuẩn hàng tỷ đồng; sử dụng quỹ khen thưởng trái phép hàng chục tỷ…

Mua xe sang tiền tỷ

Theo kết luận thanh tra, năm 2008, HĐQT Vigecam phê duyệt mua 2 xe ôtô Toyota Camry để phục vụ công tác sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án (1 xe giá 815 triệu đồng (làm tròn), 1 xe giá 830 triệu).

Thế nhưng, theo sổ nhật trình chạy xe, 2 xe này chủ yếu phục vụ đưa đón chủ tịch HĐQT Phạm Văn Hưng và TGĐ Nguyễn Đức Phong!

Pháp luật - Đi xe sang, chi quỹ trái phép hàng chục tỷVăn bản thông báo của Thanh tra Chính phủ gửi ông Trần Anh Tú xung quanh sai phạm tại Vigecam

Đến tháng 4/2008, mặc dù Thủ tướng chính phủ đã quyết định tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước kể cả các lực lượng vũ trang nhưng Vigecam vẫn phớt lờ, mua thêm 1 chiếc xe ô tô khác. Lần này, chiếc xe còn hoành tráng hơn, hiệu Toyota Prado, với giá tới gần 1,6 tỷ đồng.

Tổng số tiền chi vượt quy định của Vigecam cho số xe này lên đến 1,4 tỷ. Theo Thanh tra chính phủ việc mua xe “chủ yếu phục vụ việc đi lại của lãnh đạo Vigecam với giá như trên là vượt tiêu chuẩn, định mức so với quy định của Chính phủ”. Tuy vậy dường như sai phạm đã được hóa giải khi lãnh đạo Vigecam cho rằng “mua xe để phục vụ công tác chung”.

Trích quỹ trái phép hơn 15 tỷ đồng

Trong đơn tố cáo của ông Trần Anh Tú (nguyên phó phòng kinh doanh XNK của Vigecam) có nêu việc chi thưởng vô nguyên tắc, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Sau khi xác minh, Thanh tra chính phủ kết luận nội dung tố cáo của ông Tú là hoàn toàn đúng.

Cụ thể, trong các năm 2007-2008, Vigecam đã trích quỹ khen thưởng phúc lợi bằng 50% lợi nhuận sau thuế (tương đương hơn 18,1 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính, quỹ khen thưởng phúc lợi chỉ được trích không quá 3 tháng lương thực hiện. Tức là trường hợp áp dụng cao nhất thì số tiền Vigecam được trích ra là 2,97 tỷ đồng. Thanh tra chính phủ kết luận: “Như vậy, Vigecam đã trích vượt số tiền hơn 15,1 tỷ đồng ”. Nói cách khác, Vigecam đã lập quỹ trái phép trên 15 tỷ đồng để chi tiêu tùy tiện, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Không những thế, năm 2009, Vigecam quyết định sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi thưởng cho các phòng ban xuất sắc số tiền 500 triệu đồng. Nhưng, dù tại phiếu chi (số 61, ngày 4/2/2010) đã chi số tiền này nhưng đến ngày 14/7/2010, chi nhánh TP HCM mới nhận được 50 triệu đồng; đến nay phòng kinh doanh 1 chưa nhận được 70 triệu đồng.

Cùng đó, năm 2009, Vigecam ra quyết định sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi để chi thưởng tập thể được bình bầu thi đua số tiền 662 triệu đồng. Dù trên sổ sách đã thể hiện điều này nhưng đến ngày 2/6/2010, ông Đỗ Trường Trung (trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, chủ tịch công đoàn cơ sở) mới giao 732 triệu đồng cho bà Lê Minh Thảo (CB văn phòng tổng hợp, thủ quỹ công đoàn) giữ.

Ngoài ra, năm 2008-2009 và 4 tháng đầu năm 2010, Vigecam đã chi hơn 2,1 tỷ đồng giao dịch tiếp khách, tiếp thị chào hàng, quà tặng, tiền mua rượu, chè, mua điện thoại… Trong đó, có hơn 1,4 tỷ chi cho việc tiếp khách, 530 triệu đồng mua chè, hơn 172 triệu đồng mua điện thoại tặng đối tác…

Chỉ là “phê bình, rút kinh nghiệm”

Theo Thanh tra chính phủ, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc HĐQT, tổng giám đốc, các cán bộ có liên quan thuộc Vigecam từ năm 2007 đến nay.

Dù Thanh tra chính phủ đã kết luận sai phạm tại Vigecam là đặc biệt nghiêm trọng và cũng đã có kiến nghị xử lý rất cụ thể nhưng đến nay việc xử lý hậu thanh tra vẫn như “đánh trống bỏ dùi”.

Ông Trần Anh Tú, người đã tố cáo các sai phạm trên, mà cả 5 nội dung đều được Thanh tra chính phủ kết luận hoàn toàn đúng, cho biết, ông rất đau lòng khi sự việc không được xử lý đúng người đúng tội.

Thậm chí, tài liệu Thanh tra chính phủ thu thập được trong quá trình xác minh đã xác định ông Nguyễn Đức Phong dùng hồ sơ mang tên trường Kỹ thuật Quân chính, Quân đoàn 3 (một trường không có thật trong hệ thống nhà trường Quân đội) để dự thi tại chức vào Trường đại học Ngoại thương năm 1991 cũng đã được bỏ qua.

Lý do thật đơn giản: Bộ NN&PTNT đã dùng văn bản trả lời của Cục Nhà trường (số 1143/NT-B1) mà nội dung của văn bản này chỉ dựa trên xác nhận, làm chứng của 1 giáo viên và 1 cán bộ rằng trước đây, ông Phong có theo học bổ túc trong Quân đội!

Trước đó, ngày 18/10/2010, Chính phủ có văn bản giao cho Bộ NN&PTNT xử lý sau thanh tra tại Vigecam. Nhưng, theo ông Tú, Bộ này đã không xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật mà lại giao cho Vigecam tự xử lý.

Và Vigecam đã xử lý “nghiêm túc” bằng cách: “nghiêm khắc kiểm điểm, tự nhận hình thức phê bình, rút kinh nghiệm”. Kết quả xử lý này được Vigecam báo cáo Bộ NN&PTNT, và căn cứ vào đó để Bộ này báo cáo lên Thủ tướng!

P.V


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.