Ra đời trong nỗ lực hóa giải sự càn quét của giặc Pháp, ban đầu địa đạo Củ Chi chỉ đơn giản là những căn hầm trú ẩn, tránh bom, đạn. Tuy nhiên, ít ai ngờ, công trình của một người nông dân chất phác lại trở thành công trình phòng thủ nổi tiếng thế giới sau này. Sau hơn 38 năm, những người từng tham gia đào địa đạo vẫn nhớ như in ngày đầu cầm cuốc luồn sâu dưới lòng đất, đào trong bóng tối. Và cho đến nay, những bí mật về cách thức hình thành công trình địa đạo dài hơn 200km chỉ dựa vào những công cụ thô sơ của người lính, nông dân mới ít nhiều tiết lộ.
Dù đã về hưu nhưng Đại tá Lê Văn Đào vẫn nhớ như in ngày đầu tham gia đào địa đạo (Ảnh: Hà Nguyễn).
Kỳ tích của một nông dân
Người khai sinh ra địa đạo Củ Chi là một nông dân chân chất có tên Nguyễn Văn Bộ. Ghi nhận sự kiện trên, ông Lê Văn Đào (SN 1942, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM), Đại tá đã về hưu, người từng tham gia đào địa đạo trong thời gian dài cho biết: "Địa đạo đã có từ thời chiến tranh chống Pháp nhưng còn rất thô sơ, do ông Nguyễn Văn Bộ (thường gọi là Sáu Bộ), một người nông dân chất phác sáng tạo ra. Mục đích ban đầu của ông Sáu Bộ là đào hầm để trú ẩn, tránh bom đạn cho người dân sống trong vùng".
Thấy đây là một biện pháp tốt để tránh thương vong nên mọi người hăng hái làm theo. "Hồi đó, cả làng học theo ông Sáu Bộ đào hầm. Thời gian đầu, những căn hầm của ông Sáu Bộ tỏ ra khá hiệu quả, chống địch rất tốt tuy còn khá đơn sơ", ông Đào cho biết thêm. Những căn hầm, địa đạo bí mật thời kỳ này của ông Sáu Bộ khá đơn giản nên dễ bị hư hỏng, không mấy tiện lợi.
Theo lời ông Đào, những căn hầm, địa đạo bí mật theo kỹ thuật của ông Sáu Bộ thường được đào trong các bụi tầm vông, chiều ngang 1,2m, chiều dài 2m. Nắp hầm được che bằng gỗ nên khiến hầm dễ bị hư hỏng, thấm nước. Sau này, Đảng cũng phát động phong trào toàn dân đào hầm, địa đạo bí mật nhưng mãi đến năm 1961, khi ngụy quân ngụy quyền bố ráp, càn quét dữ dội, những căn hầm theo kiểu giản đơn của ông Nguyễn Văn Bộ mới xuất hiện nhiều.
Ông Lê Văn Đào nhớ lại: "Sau năm 61, người ta biết đến hầm nhiều hơn. Đặc biệt là sau trận giặc càn vào rừng Kè Đôi thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Trong trận này, số người chết và bị bắt bớ quá nhiều nên khi được phát động phong trào đào địa đạo, hầm bí mật người dân hưởng ứng nhanh chóng. Và chính ông Sáu Bộ là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Ban đầu, chúng tôi đào đều hư hỏng do chọn trúng gan đất không tốt. Sau này rút kinh nghiệm và tích lũy thêm những sáng kiến, kỹ thuật mới. Điều đáng nói là phần nhiều, những kỹ thuật này đều do những người trực tiếp đào nghĩ ra chứ không hề qua trường lớp, đào tạo nào cả".
Theo đó, khi đào hầm trong rừng, các miệng hầm sẽ cách nhau 6m. "Trước đây, miệng hầm chấn cây nên dễ hư, mục, nay hầm đều được xây miệng, ém đất kỹ lưỡng, mưa gió không thể lọt vào. Nơi trống trải, hầm được đào cách nhau 10m. Xung quanh miệng hầm được trải đất thịt, trồng cỏ, trồng cây một cách tự nhiên. Ngoài ra khi gấp rút, người ta có thể dùng bộc phá khai hoang và lợi dụng điều này khiến xung hầm, miệng hầm như bị pháo nổ hoặc như một hố bom... Hầm trầm, được đào sâu xuống 5m, xuyên ngang rồi mới trổ thẳng lên các miệng đã chấm cách nhau 3m", ông Đào nhớ lại.
Cuộc đời trong lòng đất
Hy sinh cho địa đạo mãi vững bền Ông Đào nhớ lại: "Đào địa đạo ngoài những khó khăn chung như gặp đất xấu, chướng ngại vật dẫn đến thi công chậm còn vấp phải những tai nạn thương tâm. Sự mất mát xương máu đó đến từ tai nạn cũng có, đến từ phía kẻ thù cũng có. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ngày hai đồng đội của tôi hy sinh khi đang đào hầm. Không may mắn như tôi, hai anh này đào phải lớp đất mềm, không chắc nên khi đào sâu được vài mét, bỗng dưng hầm sập. Khi cả hai được moi ra từ hàng trăm khối đất thì đã tắt thở". |
Theo ông Đào, những năm 1962, 1963, nhân dân Củ Chi hưởng ứng phong trào thi đua đào hầm, đào địa đạo trong đó có xã Phú Mỹ Hưng. Từng cầm cuốc cùn tham gia đào địa đạo từ tuổi 14, 15, ông Nguyễn Văn Tiền (SN 1935, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) hiểu hơn ai hết những khó khăn, gian khổ những ngày mà sau này ông gọi vui là "ngày lót ổ dưới lòng đất". Ông nhớ lại: "Còn nhỏ, thấy cha mẹ đào hầm tránh đạn, tôi cũng đã tham gia đến khi Đảng phát động phong trào đào hầm, đào địa đạo lũ con nít như chúng tôi cũng tham gia. Thời điểm ấy, ai cũng hừng hực khí thế, hăng say thi đua đào địa đạo. Đó là những ngày tháng đầu tiên tôi đánh giặc".
Ông Nguyễn Văn Tiền thoát ly từ quận Gò Vấp, ông xuống xã Trung An, nhanh chóng tham gia phong trào đào địa đạo của xã. Ông cho biết: "Tôi còn nhớ như in ngày mình cầm cây cuốc ngắn cũn mà người thời bấy giờ hay gọi là cuộc tây lom khom chui vào hầm cuốc từng cm đất một. Ngày ấy, đào địa đạo có khí thế như một ngày hội thực sự. Gái trai, già trẻ, lớn bé người đi trước chỉ người đi sau, ai ai cũng đều tích cực tham gia. Ai có việc của người nấy. Trước thì khi đào có tổ chức cụ thể, người già kéo ky (cái thúng để đựng, đổ đất khi đào - PV), đổ đất, trai gái, thanh niên thì thay phiên cầm cuốc đào hầm".
Khi đề cập về những kỹ thuật đào hầm để có được một hệ thống địa đạo thông suốt, nhiều tầng nhiều lớn với hơn 200km dưới lòng đất cả ông Đào và ông Tiền đều khẳng định: "Việc đào hầm, đào địa đạo ai không biết, không có kinh nghiệm thì thấy rất khó nhưng khi đã làm quen thì sẽ trở nên dễ dàng. Cái khó là làm sao để giữ bí mật". Theo đó, người đào phải đảm bảo được những yêu cầu như: Hai bên tường phải thẳng đều, địa đạo không có chỗ lồi chỗ lõm, không ngoài hẹp trong rộng, không bên thấp bên cao, nền phải bằng phẳng, trần có hình mái vòm,... Lỗ thông hơi thiết kế càng lên sát mặt đất càng thu nhỏ theo hình chóp nón...".
Địa đạo vốn gồm một tổ hợp những đường hầm nhiều tầng nhiều lớp. Để hoàn thành một hệ thống địa đạo trải dài trên hàng trăm km, người ta buộc phải chia thành nhiều nhóm, đào cùng lúc ở những vị trí khác nhau, thậm chí, ở những địa phương khác nhau. Ông Tiền miêu tả: "Thường thì mỗi nhóm đào một đường hầm. Các vị trí miệng hầm đã được tính toán sẵn, người ta ước lượng thời gian và dựa vào kinh nghiệm để những đường hầm dưới lòng đất thông nhau là chính. Hồi đó không có bất kỳ sự tham gia nào của khoa học hiện đại. Những người đào địa đạo ngầm thường dựa vào âm thanh dội lại từ phía bên kia để ước lượng xem mình có đào đúng hướng và mình còn cách xa đầu bên kia bao nhiêu lâu nữa. Phải chú ý lắm mới gặp được nhau dưới lòng đất tối đen".
Mỗi tấc đất là máu, là hơi thở...
Lao động trong lòng địch, trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, thế nhưng những người con thành đồng đất thép chỉ có một cây cuốc cùn. Họ được chia thành từng tốp, cụm. Tùy số lượng thành viên, các cụm này sẽ tự phân công người đào, người đổ đất. Ông Đào nhớ lại: "Hình ảnh những con người lưng trần đen đúa đất bùn ngả bóng trong ánh đèn nến giữa lòng đất cố đào từng cm đất một luôn tồn tại trong trí óc tôi trên mọi trận đánh sau này. Vì chính tôi là một trong nhiều người được lệnh phải trụ vững ở đất này trước sự càn quét gắt gao của địch. Và tôi biết, chỉ có những địa đạo, hầm bí mật này mới có thể đảm bảo an toàn cho mình, cho đồng đội, mới có thể cản bước tiến quân thù".
Với tư tưởng mỗi tấc đất là máu thịt là hơi thở của mình, những người con đất thép luôn ý thức việc bám trụ quê hương bằng những căn hầm, địa đạo, bỏ qua những mất mát hy sinh. Một sự trùng hợp đầy tự hào khi chúng tôi hỏi về những nguy hiểm, gian khổ trong ngày tham gia hình thành công trình quân sự vĩ đại trên, những con người như ông Đào, ông Tiền đều quả quyết: Khi ấy không ai cảm thấy sợ hay thấy gian khổ cả và nhiều kỷ niệm mà bản thân chúng tôi trải qua trong những ngày ấy đều là những kỷ niệm bi hùng.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Kỳ cuối: Ký ức bi hùng của những người con đất thép