Vào đêm ngày 27, rạng sáng ngày 28/7 tới đây Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần với thời gian diễn ra kéo dài nhất của thế kỷ 21. Khu vực có thể quan sát được hiện tượng này bao gồm: Châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Úc.
Với tổng thời gian diễn ra của nguyệt thực là 6 giờ 13 phút, trong đó pha toàn phần kéo dài đến 1 giờ 43 phút. Ngoài ra, trên bầu trời lúc diễn ra hiện tượng này, mọi người còn có thể quan sát rất nhiều chòm sao đặc trưng của mùa thu và mùa hạ như: Bọ Cạp; tam giác mùa hè;... và hơn một nửa hệ mặt trời sẽ hiện hình lúc đó như: Sao Hỏa; sao Thổ; sao Mộc; sao Kim đều quan sát được bằng mắt thường từ sau khi mặt trời lặn vào chiều tối 27/7.
Cùng lúc, mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28-29/7 cũng sẽ là một hiện tượng thú vị. Một số sao băng đầu tiên của Perseids, mưa sao băng lớn nhất hằng năm, xuất hiện.
Để theo dõi hiện tượng này, nơi quan sát cần thoáng đãng, bầu trời trong, không mây và không mưa.
Tuy nhiên theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 27-28/7 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa và nhiều mây vì vậy cơ may người dân của khu vực này quan sát được là rất thấp.
Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đêm 27-28/7 trời tạnh ráo, đôi lúc có mây, một số nơi có mưa rào và rải rác có dông. Nhiệt độ khoảng 25-28 độ C. Đây được cho là khu vực lý tưởng để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần cùng mưa sao băng lớn nhất trong năm.
Nếu bỏ lỡ hiện tượng này, sẽ phải đợi tới năm 2021 nó mới xuất hiện trở lại.
Nguyệt thực toàn phần là hiện tượng khi mà mặt trăng di chuyển vào "vùng bóng tối hoàn toàn" của trái đất. Trong quá trình diễn ra hiện tượng, mặt trăng sẽ dần bị khuyết ở giai đoạn nguyệt thực một phần và sẽ ngả sang màu đỏ khi ở giai đoạn nguyệt thực toàn phần. Đây là lần thứ 2 Việt Nam quan sát được nguyệt thực toàn phần trong năm 2018, trước đó hiện tượng này đã diễn ra vào tối ngày 31/1.
Phong Linh