Để có câu trả lời chính xác cho trường hợp người phụ nữ đẻ ra đỉa dài 30 cm, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với bác sỹ cùng các nhà nghiên cứu sinh vật học.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Người đưa tin, bác sỹ Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Trường hợp người phụ nữ mang đỉa trong người suốt hai tháng mà không biết thì đúng là đặc biệt và hiếm có. Đây không phải là trường hợp đẻ ra con đỉa như người dân đồn thổi mà do người phụ nữ này bị đỉa chui vào cơ thể. Sau thời gian sinh sống, hút máu no thì nó thoát ra. Con đỉa này sinh sống trong cơ thể người, thỏa sức hút máu nên lớn rất nhanh và có kích thước khổng lồ”.
Theo bác sĩ Bạo, chị Liên kể trước đó khoảng hai tháng chị đi bứt cỏ cho trâu tại một đầm ngập nước, có thể do chị xắn quần quá cao và đỉa đã chui vào.
Bác sỹ Bạo cũng cho biết thêm, trước đây cũng có một số trường hợp bị đỉa sống trong người. Khoảng tháng 2012, cháu Vàng Thị Chu thuộc bản Sài Khao (xã Mường Lý huyện vùng cao Mường Lát, Thanh Hóa) phải nhập viện trong tình trạng rất yếu, gầy gò. Cháu bé này luôn bị khó thở, các cơ hô hấp bị rút lõm nặng. Các bác sỹ đã nội soi thanh, phế quản và phát hiện một con đỉa thân dẹt, dài khoảng 5cm đang bám chặt vào thành trước khí quản. Sau đó các họ đã gắp thành công con đỉa ra khỏi cơ thể bé.
Tháng 7/2011, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cũng đã gắp một con đỉa trâu dài khoảng 5cm trong bàng quang em Dương Thanh Tùng (15 tuổi) ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Như vậy, theo bác sỹ Bạo, chuyện đỉa chui vào cơ thể người không phải hiếm. Nhưng, trường hợp đỉa sống trong cơ thể thời gian hai tháng trong cơ thể chị Liên và dài tới 30cm thì quả là trường hợp đặc biệt.
GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam
Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Người đưa tin về sự việc này, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam xác nhận đây không phải trường hợp kỳ lạ. Bởi vì loại đỉa này có thể sống trong cơ thể người rất lâu. Khi chúng hút no máu sẽ tìm ra ngoài theo đường sinh sản. Đỉa trâu là loại sinh vật hút máu động vật và người rất đáng sợ.
Nếu ấu trùng đỉa trâu lọt vào cơ thể động vật và người, nó có thể sinh sống và phát triển. Đỉa trâu khi bám vào sinh vật chủ, răng sẽ cứa vào da làm chảy máu vật chủ. Nhờ có chất hirudin có hoạt tính gây tê cục bộ và chống đông máu tiết ra từ tuyến đơn bào trên thành hầu làm máu vật chủ không bị đông và đỉa rời vật chủ khi đã hút no máu. Sinh vật chủ khi bị đỉa cắn sẽ khó nhận biết và khó cầm máu.
Trong trường hợp của chị Đinh Thị Liên, đỉa đã sống trong cơ thể suốt hai tháng thì đồng nghĩa lượng máu đỉa hút đi cũng khá nhiều. Thậm chí loại đỉa này có thể sống trong cơ thể người cả năm trời và có thể gây nguy hại đến tính mạng.
Cần loại bỏ thói quen uống nước lã GS. TS Hùng cũng cho biết, ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp bị đỉa trâu ký sinh vào trong cơ thể, thậm chí đỉa chui vào phổi, phế quản người qua con đường ăn uống. Một nguyên nhân quan trọng là do người dân có thói quen uống nước lã từ các nguồn nước thiên nhiên như khe suối, ao hồ nên bị đỉa chui vào miệng và bám vào niêm mạc họng, xuống thanh quản, khí quản, thực quản. Có khi đỉa chui tận phế quản và sinh sống trong thời gian dài mà khó phát hiện. |
Cao Tuân