Mua bao nhiêu cũng có
Tin vào sự kì diệu của sừng tê giác có thể chữa bách bệnh từ đau đầu đến bệnh gút, bệnh nan y và thậm chí cả ung thư, tăng cường sức mạnh đàn ông, nhiều đại gia, những người lắm tiền nhiều của không tiếc tay, vung cả trăm triệu đồng để sở hữu khoảng 100 gam sừng tê giác. Thực chất, công cụ chế biến loại "thần dược" này khá đơn giản, thông thường chỉ cần mài sừng tê giác thành dạng bột pha với nước để uống là có thể chữa bách bệnh. Để mài được sừng tê giác chỉ cần một đĩa chuyên dụng, làm sao khi mài sừng không bị lẫn với các tạp chất khác. Vì thế mà một số làng gốm cổ truyền đã bắt tay vào sản xuất đĩa chuyên dụng để mài sừng tê giác phục vụ cho các bậc "đế vương" thời hiện đại. Những người thợ ở làng gốm, họ nắm bắt thị trường, nhu cầu của đại gia rất nhanh.
Tê giác có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn trộm lấy sừng
Nắm bắt được xu hướng đó cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều thợ gốm làng gốm Bát Tràng cổ truyền ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội đã bắt tay vào sản xuất đĩa mài sừng tê giác. Tại chợ gốm ở Bát Tràng, chỉ nhìn qua các cửa hàng bày bán sản phẩm của họ là phát hiện ra, ki-ốt nào cũng có hàng bày bán sẵn. Dù không được bày bán ở những vị trí bắt mắt, nhưng là mặt hàng khá được "chuộng" trong thời gian gần đây nên chỉ cần hỏi mua là quý khách được đáp ứng nhu cầu ngay. Chúng được đặt ở vị trí sâu bên trong bởi những người biết và mua loại đĩa này phần lớn là đại gia, người thật sự giàu có hoặc những người bị bệnh thập tử nhất sinh, coi uống sừng tê giác là cơ hội cuối cùng để sống sót. Tuy nhiên, cũng có cửa hàng treo hẳn một biển nhỏ ghi rõ, có bán đĩa mài sừng tê giác.
Qua khảo sát của PV, những chiếc đĩa mài sừng tê giác được chia làm bốn cỡ, có đường kính khác nhau, loại 14cm, 16cm, 20cm và 22cm. Trong đó cỡ trung bình 20cm được nhiều người tìm mua nhất. Mặt trong của đĩa thô giáp, thành đĩa được tráng mem xanh hoặc trắng bóng láng có in hình một con tê giác với cái sừng dài hoặc chữ thọ, mặt dưới đĩa được in chữ "đĩa mài sừng" và hình con tê giác kèm theo địa chỉ nơi sản xuất "Bát Tràng - Việt Nam".
Chị Loan, chủ cửa hàng Loan Tuấn (kiot 76 chợ gốm Bát Tràng) cho biết: "Đĩa mài loại nhỏ, giá chênh nhau ít nhưng loại to thì chênh nhiều hơn. Với chất liệu gốm loại hai có màu xám hơn, loại kích cỡ nhỏ nhất có giá 40.000 đồng, tương ứng các kích cỡ tiếp theo là 60, 70, 80.000 đồng/ chiếc. Trong khi đó, đĩa mài gốm có màu trắng được bán với giá đắt gấp rưỡi đến gấp đôi. Nếu mua nhiều có thể giảm hơn một chút nữa".
Trò chuyện với ông chủ cửa hàng Đạt Hải (kiot 63 chợ gốm), chúng tôi được ông tiết lộ: "Cửa hàng của tôi chỉ bán cỡ 22cm, các loại cỡ khác, khách hàng ít mua lắm. Giá bán tùy thuộc vào chất liệu gốm sứ. Đĩa mài sừng được làm bằng chất liệu gốm tốt, được nung ở 1.350 độ nên có thể mài thoải mái và rất bền. Nếu chất liệu gốm nhẹ, kém, không đạt tiêu chuẩn về độ nung, sau khi mài xong sẽ không đảm bảo mùn của sứ có bị lẫn vào trong nước hay không". Theo ông chủ Đạt Hải, đĩa mài sừng tên giác, lượng tiêu thụ cũng ít, khách chỉ mua một đến hai cái, ai mua nhiều mới đến năm cái, chứ chưa có ai mua đến mấy chục cái liền một lúc. Cũng vì thế mà ở các cửa hàng, trữ lượng đĩa mài sừng tê giác không nhiều. Muốn mua số lượng lớn, khách phải đặt hàng trước thì chủ lò gốm mới sản xuất.
Chị Lan Anh ở cửa hàng Lan Anh (kiot 19) thì chia sẻ: "Cùng là loại chất liệu gốm sứ nhưng loại hàng sứ trắng nhiệt độ nung cao hơn, đất đẹp và khó làm hơn nên giá cao hơn. Còn hàng nhìn như men ngọc (hàng ôxi) thì giá thấp hơn một chút. Về cơ bản giá của loại đĩa này ở các cửa hàng như nhau, chênh lệch không đáng kể. Với lại lượng khách tìm mua không nhiều, toàn là khách đại gia, nhiều tiền nên họ không quan tâm nhiều đến giá cả mà họ quan tâm đến chất xứ và thẩm mỹ". Cũng theo bà chủ Lan Anh, nhiều mối lấy đĩa mài của chị còn ngỏ ý hỏi chị có nhu cầu mua sừng không để cung cấp nhưng chị không dám mua. Vì một miếng sừng giá hàng trăm triệu đồng, hơn nữa không biết thật, giả thế nào.
Bộ đĩa mài sừng tê giác có bốn loại kích cỡ khác nhau
Giá cả đa dạng
Nằm ở vị trí lối vào cổng chợ nên cửa hàng của bà chủ hiệu Tâm Thuận có phần đắt khách, người ra người vào tấp nập. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua đĩa mài sừng tê giác với số lượng lớn, bà Thuận không ngần ngại cho biết: "Hiện, đĩa mài sừng tê giác cũng khá nhiều người tìm mua. Cửa hàng của tôi có bốn kích cỡ khác nhau, từ nhỏ cho đến lớn và được làm từ hai loại chất liệu là loại đẹp và loại thường. Loại đẹp thì chất men trắng và mịn hơn, còn loại thường thì chất mem đen hơn. Vì thế, giá của sản phẩm phụ thuộc vào kích cỡ và chất liệu. Cùng một kích cỡ nhưng loại đẹp đắt gấp đôi loại thường. Hàng có sẵn không nhiều, nhưng nếu khách đặt thì bao nhiêu cũng có. Cỡ nhỏ nhất, loại thường có giá 35.000 đồng, loại to hơn chút có giá 70.000 đồng. Cứ tăng dần lên thế theo kích cỡ và loại đẹp thì gấp đôi lên. Nếu mua buôn với số lượng lớn thì sẽ được giảm giá từ 10.000 - 15.000 đồng/ đĩa".
Trong khi đó, tại cửa hàng gốm sứ Dũng Mai, bà chủ cửa hàng đưa ra mức giá khá hấp dẫn. Chị Mai cho biết: "Loại đẹp, cỡ lớn nhất có giá 120.000 đồng, nhỏ hơn 85.000 đồng, nhỏ hơn nữa là 70.000 đồng và nhỏ nhất là 50.000 đồng. Cả bộ bốn chiếc là 325.000 đồng, nhưng nếu mua nhiều sẽ được giảm còn 310.000 đồng/bộ, không thể thấp hơn. Cửa hàng sẽ đóng gói cẩn thận, đảm bảo an toàn hàng cho khách. Giá này là giá đã đóng gói và giao tại cửa hàng, chưa bao gồm công vận chuyển, nếu khách hàng có yêu cầu, cửa hàng sẽ chuyển đến tận nơi và người mua chịu chi phí vận chuyển".
Quy luật có cầu ắt có cung, điều này cho thấy dù ít hay nhiều thì xu hướng ngày càng nhiều người tìm đến loại "thần dược" sừng tê giác ngày càng đáng báo động. Trong khi đó, hội nghị lớn nhất hành tinh vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) để thảo luận các biện pháp đối phó với nạn săn bắt trộm tê giác, Việt Nam bị liệt vào "tầm ngắm" và được coi là trung tâm tiêu thụ và sử dụng sừng tê giác của thế giới.
Như vậy, liệu việc sản xuất và buôn bán đĩa mài sừng tê giác có bị coi là một hành vi cổ súy, tiếp tay cho hoạt động buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng thiết nghĩ, việc buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác trái phép cần lên án và hình phạt cũng cần nghiêm khắc hơn. Đặc biệt cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh "ghê gớm" như nhiều người vẫn nghĩ.
Không thể xử phạt Luật sư Lê Minh Trường, công ty Tư vấn luật Sunlaw cho rằng: "Buôn bán đĩa mài sừng tê giác, về mặt pháp lý, chưa có tiết chế nào để xử phạt việc sản xuất và buôn bán loại đĩa này. Và một thực tế hiển nhiên là không phải cứ cấm sản xuất và buôn bán đĩa mài sừng thì việc buôn bán trái phép sừng tê giác sẽ giảm. Hai điều đó không có mối liên hệ nào, xét về mặt kinh tế hay khoa học. Hơn nữa, đĩa mài sừng tê giác sản xuất ra không chỉ là để phục vụ vào việc mài sừng tê giác mà có thể mài sừng các con vật khác. Kể cả khi họ để hình tê giác hay in chữ trên đĩa mài sừng tê giác thì đó cũng chỉ là một biểu trưng chứ không phải chứng cớ để khép tội. Hiện tại, về mặt pháp lý việc buôn bán tràn lan loại đĩa này không ảnh hưởng gì, vì nó có nguồn gốc xuất xứ và nhà sản xuất rõ ràng nên ta không thể cấm việc sản xuất. Còn nếu nghĩ rằng đó là việc tiếp tay hay cổ suý cho hành vi săn bắt và buôn bán sừng tê giác thì là hiểu dưới góc độ suy diễn. Không có cơ sở nào chứng minh việc một người thợ sản xuất ra 1.000 chiếc đĩa mài sừng thì sẽ có 1.000 con tê giác bị giết chết lấy sừng. Các nhà quản lý có thể xử phạt khi hành vi này bất hợp pháp, còn việc sản xuất kinh doanh là theo cung cầu của thị trường và đương nhiên không có lý do gì để cấm vấn đề này cả". |
Thiên Vũ - Thanh Loan