Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh V.T, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM bày tỏ vui mừng, cảm thấy may mắn khi đã kịp đòi lại tiền trước khi công ty Địa ốc Alibaba bị cơ quan chức năng điều tra, phong tỏa tài khoản.
Anh T. cho biết, cách chăm sóc khách hàng của nhân viên công ty Alibaba rất tốt khi mời chào.
“Người dân nghèo như chúng tôi, nghe tư vấn nói có thể mua đất với giá rẻ nên cũng thích. Họ hứa hẹn sẽ có sổ đỏ, thủ tục pháp lý đầy đủ. Vì thế, tôi cùng em gái đã đầu tư 700 triệu vào một dự án đất nền ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
“Nhân viên công ty hứa là sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ, nhưng chờ hoài vẫn không thấy gì. Nóng ruột nên tôi đã đến công ty hỏi. Họ không nói giật tiền của mình nhưng cứ hứa hẹn để kéo dài. Cứ mỗi lần tôi hỏi, nhân viên luôn trấn an như “anh cứ để đó đi, chắc chắn sẽ có lời”. Cứ như vậy đến mấy lần”, anh T. kể.
Tuy nhiên, nhận thấy tình hình không ổn, thời gian kéo dài hơn 1 năm mà sổ đỏ vẫn không có, đất sở hữu lại ở xa nên anh T. và em gái quyết tâm đến công ty để lấy lại tiền vào tháng 12/2018.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ trao đổi, phía công ty Alibaba cũng chịu hoàn trả tiền gốc cho khách hàng.
Anh T. cũng bày tỏ: “Đến thời điểm này, tôi cảm thấy mình rất may mắn vì đã lấy lại được tiền. Chứ để đến hôm nay thì chắc sẽ rất khó khăn. Người lao động như tôi không dám đầu tư lại kiểu này”.
“Mọi người nên thận trọng khi đầu tư theo kiểu sinh lợi nhuận từ bất động sản giống như công ty Alibaba. Nhiều người nói, đầu tư mà mình thận trọng quá thì cơ hội vụt mất. Nhưng đầu tư kiểu này cũng khó thưa kiện vì là giao dịch dân sự”, anh T. chia sẻ.
Theo một chuyên gia bất động sản, công ty Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị phân phối, ăn hoa hồng từ chủ đất, nhưng họ lại sẵn sàng trả lợi nhuận lên đến 45%/15 tháng để nhằm lôi kéo khách hàng.
Vị này phân tích: “Hiện nay, tiền hoa hồng môi giới mỗi dự án cao nhất cũng chỉ 8-10%/tổng giá trị dự án. Alibaba lấy đâu ra tiền để trả cho khách hàng cao hơn nhiều như vậy, nếu không phải là lấy của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước?”.
“Vì vậy, khi chính quyền nhiều tỉnh thành đang siết chặt quản lý đối với công ty Alibaba để chặn đứng những dự án ma, sẽ khiến doanh nghiệp này không thể làm hạ tầng và chào bán công khai mua bán các dự án.
Ngoài ra, khi ngày càng nhiều khách hàng phát hiện ra mô hình “kinh doanh đa cấp” đầy rủi ro thì sẽ đồng loạt đến hạn thanh lý rút tiền. Khi đó, công ty Alibaba sẽ rơi vào cơn khủng hoảng thực sự vì dòng tiền cạn kiệt, thu không đủ bù chi”, vị này nhận định.
Mới đây, căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo bộ Công an, cục Cảnh sát Kinh tế và kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc công ty Địa ốc Alibaba về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên quan vụ việc, cơ quan CSĐT bộ Công an phối hợp cùng Công an TP.HCM cũng thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ HĐQT công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khách hàng nói về những chiêu trò dụ dỗ của công ty Địa ốc Alibaba.