10 năm tăng vốn…100 lần
Công ty CP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) vừa chuyển đổi thành công 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Theo đó, 5 triệu trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, không có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100.000 đồng/ TP (phát hành riêng lẻ từ tháng 5/2016 cho 5 nhà đầu tư cá nhân), vừa qua chính thức được chuyển thành 50 triệu cổ phiếu HQC (tỷ lệ 1 trái phiếu đổi 10 cổ phiếu).
Với thị giá hiện nay của cổ phiếu HQC quanh mức 3.500 đồng/ CP, các trái chủ của HQC đã phải chuyển đổi dưới mệnh giá tới 65%. Có nghĩa rằng lô cổ phiếu mà 5 cá nhân vừa nêu nhận được có thị giá chỉ là 175 tỷ đồng, bằng 1/3 số tiền đã bỏ ra mua trái phiếu.
Trên sổ sách, vốn điều lệ của HQC sau đợt chuyển đổi được điều chỉnh tăng từ 4.266 tỷ đồng lên 4.766 tỷ đồng, gấp gần 100 lần so với năm 2007 (50 tỷ đồng).
Tốc độ tăng vốn của HQC quả thực “đáng nể” trong làng chứng khoán Việt, đặc biệt từ khi doanh nghiệp địa ốc này được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Theo tính toán của người viết, HQC từ năm 2012-2017 đã phát hành 436,6 triệu ra công chúng để nâng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên mức 4.766 tỷ đồng hiện nay. Trong đó 48 triệu cổ phiếu cấn trừ nợ, hoán đổi 132 triệu cổ phiếu với một số công ty khác, chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu thành 50 triệu cổ phần, phát hành 63,6 triệu cổ phần trả cổ tức cho cổ đông, 50 triệu cổ phiếu được bán cho các đối tác chiến lược và 93 triệu cổ phần còn lại được bán cho cổ đông hiện hữu.
Hàng chục đợt phát hành cổ phiếu với rất nhiều cách thức, song tuyệt nhiên HQC không sử dụng tới lựa chọn phát hành ra công chúng, vốn được cho là minh bạch nhất trong các phương án phát tăng vốn. Tất cả các đợt phát hành cổ phần của HQC đều liên quan tới các cá nhân, doanh nghiệp “quen mặt”, nằm trong “hệ sinh thái” Hoàng Quân sẽ được phân tích ở phần sau. Trong khi đó, 93 triệu cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu vào các năm 2014-2015 chỉ bán thành công hơn 1 triệu đơn vị, phần còn lại được bán cho một số cá nhân và công ty có liên quan.
Cụ thể, năm 2014, sau khi chỉ bán được 50.906 cổ phần trên tổng số 30 triệu CP phát hành cho cổ đông hiện hữu, HQC đã phát hành số cổ phiếu “thừa” cho 4 cá nhân và một pháp nhân, trong đó có CTCP Quản lý quỹ Thăng Long, ông Nguyễn Đắc Tuấn Anh và bà Định Thị Việt Trinh.
Công ty Quản lý quỹ Thăng Long không phải cái tên quá xa lạ với Hoàng Quân. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty quản lý quỹ này chính là ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG). Ông Hồ Nam và Bamboo Capital từng là chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư phát triển BĐS Đông Dương – một thành viên quan trọng trong “ma trận” sở hữu của HQC.
Về phần mình, ông Nguyễn Đắc Tuấn Anh có địa chỉ thường trú tại Khu 4, Phường Kinh Dinh, Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận. Đây chính là quê gốc của ông Trương Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Hoàng Quân.
Một người có quê Ninh Thuận cùng với ông Trương Tuấn Anh nữa là bà Đinh Thị Việt Trinh, sinh năm 1992. Vào thời điểm mua cổ phiếu của Hoàng Quân, bà Trinh đang là…sinh viên trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Thật trùng hợp khi vợ ông Trương Thái Sơn, em trai ông Trương Anh Tuấn và là thành viên HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cũng là một người họ Đinh khác, bà Đinh Thị Thu Trâm.
Dấu hỏi về chất lượng cổ phiếu
Ngoài ra, các đợt sáp nhập công ty con bằng hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược của HQC đều diễn ra với các pháp nhân có liên hệ mật thiết với HQC hoặc lãnh đạo doanh nghiệp này.
Đơn cử, năm 2013, HQC phát hành 18 triệu cổ phiếu để cấn trừ nợ với CTCP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Mêkông và CTCP Việt Kiến Trúc. Vào thời điểm đó, HQC đang sở hữu lần lượt 40% và 32% vốn cổ phần của các doanh nghiệp trên. Hay vào năm 2014, HQC phát hành 50 triệu cổ phiếu cho ba đối tác chiến lược là CTCP ĐT-XD-PT Nhà Bảo Linh, CTCP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển BĐS Đông Dương.
Trong đó, Công ty Bảo Linh thuộc sở hữu của anh em ông Trương Anh Tuấn. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 7/10/2016, ông Trương Anh Tuấn cùng em trai là ông Trương Thái Sơn và anh rể là ông Nguyễn Tôn sở hữu 80% cổ phần của Công ty Bảo Linh.
Công ty XD và KD nhà Bình Thuận cũng thuộc sở hữu của ông Trương Anh Tuấn (ông Tuấn hiện là chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này). “Bổn cũ” được soạn lại khi HQC trong năm 2015 hoán đổi 132 triệu cổ phiếu để hợp nhất các công ty CTCP TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, CTCP địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, CTCP Phát triển BĐS Đông Dương, CTCP cảng Bình Minh, qua đó biến những pháp nhân này trở thành công ty con của HQC với tỷ lệ nắm giữ rất cao.
Như đã phân tích, phát hành cổ phiếu ra công chúng là phương thức tăng vốn minh bạch nhất (dù vẫn còn nhiều khuyết điểm). Trong trường hợp của HQC, yếu tố khách quan là giá cổ phiếu công ty này liên tục nằm dưới mệnh giá khiến chủ tịch Trương Anh Tuấn cùng các cộng sự phải tìm đến các giải pháp còn lại nhằm tăng cường nguồn lực.
Tuy nhiên, cấn trừ nợ bằng cổ phiếu, hoán đổi cổ phiếu hay phát hành cho nhà đầu tư chiến lược vốn không phải những phương thức được thị trường đánh giá cao, nhất là khi mà phần lớn các giao dịch trên đều được thực hiện với các công ty hoặc cá nhân có liên quan với HQC và lãnh đạo doanh nghiệp này.
Việc cổ đông hiện hữu từ chối mua cổ phiếu trong hai đợt phát hành vào các năm 2014-2015 phản ánh rõ nhất quan điểm của cổ đông đối với sức khỏe tài chính của Hoàng Quân. Nên nhớ rằng sau 6 năm lên sàn, HQC mới chỉ chia cổ tức bằng tiền đúng hai lần, với tổng số tiền là…450 đồng/ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,5%, so sánh với lãi tiền gửi mỗi năm khoảng 7-8%.
Dấu hỏi đặt ra là tại sao HQC liên tục tăng vốn và tăng bằng mọi giá như vậy. Theo thống kê của người viết, ngoại trừ năm 2008 dương 42 tỷ và năm 2010 dương 27 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HQC luôn ở mức âm trong giai đoạn 2007-2016, trong đó có những năm âm rất lớn, như năm 2009 âm 463 tỷ đồng, năm 2014 âm 755 tỷ đồng hay năm 2015 âm 808 tỷ đồng.
Điều này cho thấy mặc dù HQC vẫn tạo ra doanh thu, song thực tế không thu được tiền về. Và để bù đắp, doanh nghiệp này buộc phải vay nợ hoặc tăng vốn. HQC cho đến nay đã thực hiện rất tốt cả hai phương án trên, với số dư vay nợ ngân hàng tăng 10 lần từ 77 tỷ cuối năm 2007 lên hơn 800 tỷ cùng kỳ 2016. Cũng trong khoảng thời gian 10 năm này, như đã phân tích, vốn điều lệ của HQC được nâng gần 100 lần lên 4.766 tỷ đồng.
Và có vẻ Chủ tịch Trương Tuấn Anh cùng “bộ sậu” của HQC vẫn chưa muốn dừng lại ở đây. Đại hội đồng cổ đông thường niên HQC năm 2017 diễn ra vào ngày 20/5 đã thông qua chủ trương phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 1-5 năm.
Mặc dù đây không phải là trái phiếu chuyển đổi, song không ai biết chắc rằng liệu số trái phiếu này có lại được phân phối cho các trái chủ quen thuộc, để rồi sau đó chuyển thành nợ và cuối cùng là hoán đổi nợ thành cổ phiếu.
Siết chặt tăng vốn “ảo” Thực trạng tăng vốn “ảo” đang diễn ra nhức nhối trên sàn chứng khoán Việt. Rất nhiều công ty niêm yết có tốc độ gia tăng vốn, tài sản với tốc độ chóng mặt, tuy nhiên thực chất chỉ là tăng về mặt hình thức trên sổ sách, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm méo mó cấu trúc thị trường. Để hạn chế tối đa thực trạng nguy hiểm này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn khả năng doanh nghiệp niêm yết, nhất là các công ty bất động sản tăng vốn “ảo”. Trước đó, Thông tư 202 có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 mặc dù đã phần nào ngăn chặn việc tăng vốn bằng thủ thuật hợp nhất, hoán đổi nợ với biên độ lớn (50% vốn điều lệ), song đang dần bộc lộ hạn chế khi không có chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp chia làm nhiều lần tăng vốn “ảo”… |
Nghi Điền