“Địa phương phải hỏi Trung ương rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 01/11/2023 11:56

Theo các ĐBQH, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ không đồng tình khi nhiều đại biểu cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện.

Theo ông Giang, thời gian qua, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo gửi tới các ĐBQH.

"Kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, phát hiện nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều", ông Giang nói và cho hay hầu hết bất cập là do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Giang thừa nhận cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

Đối thoại - “Địa phương phải hỏi Trung ương rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”

 Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng theo ông Giang, gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật đều đã nằm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV tới hết năm 2025. Tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập, có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.

“Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách”, đại biểu Giang nhấn mạnh.

Đối thoại - “Địa phương phải hỏi Trung ương rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản” (Hình 2).

Đại biểu Lê Xuân Thân - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang về vấn đề rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho biết, tháng 6 đầu năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 101.

“Đây là Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, trong đó có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của các cán bộ”, ông Thân nói.

Bên cạnh việc sợ trách nhiệm không dám làm, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, còn có nguyên nhân khác là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 7 - tháng 9), các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu ở lĩnh vực luật, Nghị định, Thông tư chưa có văn bản của các địa phương. Qua kết quả rà soát, tỉ lệ chồng chéo có nhưng không cao.

Ông Thân cho rằng chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm và pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, bởi “địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi Bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”.  Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể.

Đối thoại - “Địa phương phải hỏi Trung ương rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản” (Hình 3).

 Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng tranh luận với đại biểu Nguyễn Trường Giang về nội dung trên, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục hoan nghênh việc Quốc hội, Chính phủ tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để tìm ra những lỗ hổng, bất cập, chồng chéo.

Theo ông Hạ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm.

Đánh giá cao việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, qua giám sát, có thực trạng là hiện nay, có một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.

Đại biểu lấy ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Ông Hạ cho rằng, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.