Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay, 23 địa phương đã tổ chức dạy học trực tiếp cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non tới THPT.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho biết, ngay sau lễ khai giảng, học sinh được đến trường học trực tiếp, Sở đã chỉ đạo tất cả các trường tăng số buổi học/tuần nên đến thời điểm này đã “chạy” trước chương trình 1 tuần. Cộng với thời gian dự trữ, giảm tải, thầy trò các trường đang có 3-4 tuần để đề phòng dịch Covid-19 lại bùng phát.
Theo ông Chiến, địa phương xác định học sinh được đến trường học trực tiếp là khoảng “thời gian vàng”, do đó phải tận dụng tối đa để dạy học theo chương trình, củng cố kiến thức cốt lõi, giảm các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại để phòng chống dịch. Với khối học sinh cuối cấp, Sở GD&ĐT giao cho các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi.
Mới chỉ ở tuần 5 của năm học nhưng cô Tân, giáo viên phụ trách lớp 5 ở Phú Thọ, đã dạy đến bài của tuần 7 do trường điều chỉnh số tiết. Thay vì dạy 8 tiết Tiếng Việt /tuần, môn học này tăng lên thành 12 tiết.
"Việc tăng tiết nhằm đẩy nhanh chương trình học, đề phòng Covid-19 bùng phát, phải chuyển sang dạy trực tuyến thì các nội dung cốt lõi cũng đã hoàn thành", cô Tân cho biết.
Môn Toán hay Tiếng Anh cũng được tăng thêm một số tiết mỗi tuần. Trong khi các môn khác như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật được điều chỉnh giảm trong giai đoạn này và sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của học kỳ.
Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung trong sách giáo khoa, nhiều nội dung hướng dẫn học sinh tự học. Theo cô Tân, việc này không ảnh hưởng đến nội dung cốt lõi, ngược lại giúp đẩy nhanh tiến độ trong "thời gian vàng" học trực tiếp.
Khi dạy được phần lớn nội dung cốt lõi, trường của cô Tân sẽ quay về thời khóa biểu bình thường để học sinh học đầy đủ nội dung còn lại, đồng thời ôn tập lại những phần đã học. Cách làm này giúp cô Tân và phụ huynh yên tâm hơn nếu tình hình dịch căng thẳng, cô trò phải chuyển sang dạy trực tuyến.
Nhiều trường khác ở tỉnh Phú Thọ cũng đẩy nhanh tiến độ năm học. Một số trường THPT tổ chức dạy theo thời khóa biểu chính khóa không chỉ buổi sáng mà còn bổ sung 3 buổi chiều mỗi tuần.
Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các trường tận dụng cơ hội này để dạy học trực tiếp, đồng thời chuẩn bị cho mọi tình huống để sẵn sàng chuyển phương thức.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết, tất cả các trường được chỉ đạo tranh thủ cả 2 buổi dạy học theo chương trình tinh giản mà Bộ GD&ĐT hướng dẫn. Với học sinh lớp 1, lớp 2, các trường ưu tiên dạy môn Tiếng Việt, Toán để học sinh sớm hình thành kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, tính toán…
Sở GD&ĐT cũng duy trì 10% thời gian cho học sinh học trực tuyến ôn tập kiến thức. “Với cấp THCS, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường dạy đủ số buổi trực tuyến, riêng học sinh tiểu học kỹ năng còn yếu, số lượng buổi có thể du di. Việc này phòng trường hợp dịch bệnh bất ngờ tấn công, các trường có thể chuyển phương thức dạy học, học sinh không bị bất ngờ”, ông Tuấn nói.
Tại Hà Giang, hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hoàng Su Phì chia sẻ với VnExpress, nhà trường đang đẩy nhanh chương trình khi học trực tiếp. Không phải trường bán trú, học sinh của trường chỉ học các buổi sáng trong tuần và được nghỉ chiều. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, theo chỉ đạo chung của Sở, Phòng GD&ĐT, trường dạy thêm 2 buổi chiều cho mỗi khối.
Thầy hiệu trưởng cho biết, những môn được dạy thêm thường có nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trường dự định tăng tiết các môn này trong khoảng 1-2 tháng, sau đó chuyển sang học tăng cường môn ít tiết để cân bằng.
Việc tăng tiết khiến thầy cô phải đẩy nhanh soạn giáo án, đồng thời lên lớp nhiều hơn. Do không tổ chức ăn bán trú, học sinh của trường khi học xong 5 tiết buổi sáng, chỉ có rất ít thời gian để về nhà ăn cơm, sau đó quay trở lại, bắt đầu học buổi chiều lúc 13h15. Tuy nhiên, hiệu trưởng vẫn cho rằng việc tăng số tiết chưa gây quá nhiều áp lực, lại giúp các trường không bị động khi phải học trực tuyến.
"Trước mắt, chúng tôi vẫn đẩy nhanh chương trình, cùng khắc phục với học sinh. Sau đó nếu dịch bệnh vẫn ổn định, tốc độ dạy có thể chậm lại để cả thầy cô và học trò cùng được nghỉ ngơi", ông nói.
Một số địa phương đang dạy trực tiếp khác như Bắc Giang, Yên Bái không đẩy nhanh chương trình nhưng điều chỉnh các nội dung từng môn, bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, hiện có một số địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa. Có 31 tỉnh, thành phố chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Tại Hà Nội, học sinh nghỉ học từ tháng 5 để phòng chống dịch và học trực tuyến từ tháng 9 đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng, ở những nơi cả tháng nay không phát sinh ca bệnh mới, Hà Nội nên cho học sinh tựu trường. Nếu qua 1-2 tuần, học sinh đến trường an toàn thì nên mở rộng các quận, huyện khác. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa công bố thời điểm học sinh được trở lại trường học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, ông Mai Huy Phương nói rằng, việc cho học sinh trở lại trường phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Ban đầu, học sinh học trực tuyến gặp một số khó khăn, nhất là với các em lớp 1, lớp 2. Nhưng sau một thời gian, học sinh và phụ huynh quen với phương thức học tập mới. Khoảng 200 học sinh Quảng Trị đang mắc kẹt tại các địa phương khác chờ phụ huynh đón về mới có thể nhập học.
Tỉnh Hà Nam buộc phải dừng dạy học trực tiếp từ ngày 21/9 đến nay vì có nhiều học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Chiều 10/10, Thông tin với Tiền Phong, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Quốc Tuấn, cho biết, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; khoảng 100 giáo viên, học sinh mắc Covid-19 đã được đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế.
“Trong tuần này, tỉnh Hà Nam chưa tính đến phương án cho học sinh quay trở lại trường vì vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, hơn 200.000 học sinh các cấp sẽ vẫn tiếp tục học trực tuyến đến khi dịch ổn định”, ông Tuấn cho biết.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tiền Phong)