Sau nhiều thế kỷ đứng ngoài cuộc, Địa Trung Hải đã trở lại trong tâm điểm chú ý của quốc tế. Một cuộc đấu tranh quyền lực lớn đang diễn ra ở phần phía Đông khu vực, khiến người ta liên tưởng đến sự đối đầu của đế chế Anh và Nga vào thế kỷ 19 ở Trung Á.
Những cuộc khủng hoảng gần đây ở Trung Đông đã tạm gác sang một bên để nhường sân khấu cho Địa Trung Hải, nơi có các nguồn tài nguyên ẩn dưới đáy biển khiến nhiều thế lực khao khát.
Các phát hiện dầu khí ngoài khơi bờ biển của Ai Cập, dải Gaza, Israel, Lebanon, Syria và Síp đã bổ sung thêm một khía cạnh mới cho các cuộc xung đột cũ vốn chưa được giải quyết. Tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về quyền kiểm soát biển Aegean, sự phân chia đảo Síp, và vấn đề biên giới trên biển giữa Lebanon và Israel chỉ là một vài ví dụ.
Hầu như tất cả các nước trên bờ Đông Địa Trung Hải đều tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung đột và chồng chéo lấn nhau để khai thác các nguồn tài nguyên này. Một cuộc tranh cãi chính trị và pháp lý sau nhiều thập kỷ đã xuất hiện.
Theo Middle East Eye, những căng thẳng ngày càng gia tăng gần đây được cho là do việc Mỹ rút lui khỏi vai trò trọng tài khu vực gần đây. Vấn đề hiện tại của khu vực là thiếu sự lãnh đạo của Mỹ bởi nước này có đủ cả quyền lực mềm và cứng, cũng như danh tiếng để tạo ra tiếng nói khác biệt.
Với lập trường mới của Tổng thống Donald Trump, thay vì giải quyết các vấn đề của đồng minh, Washington thường chọn cách bỏ qua. Hơn nữa, từ tháng 11 trở đi, Mỹ sẽ còn tê liệt trong nhiều tháng để tìm người thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Kế hoạch tham vọng
Khi Mỹ để lại khoảng trống, nhiều quốc gia sẵn sàng lấp đầy. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai ví dụ hoàn hảo ở đây. Trong khoảng một thập kỷ qua, Nga đã chơi một ván bài thông minh trong các cuộc xung đột Syria và Libya – để giờ đây, trong bất kỳ kịch bản giải quyết các cuộc khủng hoảng này, lợi ích của Moscow sẽ phải được tính đến.
Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy một cách quyết đoán hơn đối với chương trình nghị sự đầy tham vọng trong khu vực bao gồm biển Aegean, vùng đặc khu kinh tế, vấn đề đảo Síp và một lần nữa, các cuộc xung đột ở Syria và Libya. Hơn nữa, sự ủng hộ của Ankara đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo đang khuấy động căng thẳng ở Ai Cập, Israel, UAE và Saudi Arabia, cũng như ở một số quốc gia phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như quyết tâm lấy lại vinh quang thống trị mà họ đã nắm giữ trong nhiều thế kỷ dưới thời Đế chế Ottoman. Đặc biệt, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập coi đây là một mối đe dọa hiện hữu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu trong nhiều thập kỷ, nhưng có vẻ giờ đây đã từ bỏ mục đích này. Giới quan sát mô tả, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giờ đây có thái độ giống như một người đính hôn trong thời gian dài nhưng chợt nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ tiến tới được hôn nhân, và phản ứng lại bằng sự giận dữ.
Không bạn bè
Sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia từng tìm cách duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng - đã chuyển sang vị thế gần như không cần bạn bè trong khu vực. Ankara đang có căng thẳng với Hy Lạp, Síp, Syria, Iraq, Ai Cập, Pháp và EU. Nước này cũng có mối quan hệ đối đầu với Saudi Arabia và UAE, mối quan hệ mâu thuẫn với Mỹ và các chương trình nghị sự xung đột với Nga ở Syria và Libya.
Nền kinh tế của đất nước cũng đang trong tình trạng bấp bênh. Nhưng Tổng thống Erdogan là một lãnh đạo khôn khéo, và ông vẫn sở hữu một số lá bài quan trọng như vị trí chiến lược ở sườn phía Nam của NATO, các căn cứ quân sự của Mỹ trong nước, và đe dọa đưa hàng triệu người tị nạn Syria đến châu Âu.
Sau khi dự án đường ống East Med nối từ Địa Trung Hải tới châu Âu với sự góp mặt của Ai Cập, Israel, Síp và Hy Lạp, thông qua vào cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Libya đã ký một thỏa thuận về ranh giới trên biển để khả năng ngăn chặn bất kỳ đường ống dẫn nào đến châu Âu.
Trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có sự mâu thuẫn ở Syria và Libya, nhưng về kế hoạch đường ống East Med nói trên, họ có thể sẽ đứng cùng một chiến tuyến. Cả hai quốc gia đều có chung lợi ích trong việc ngăn chặn sự mở rộng các nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Về phần mình, EU đang hành động theo kiểu phân tán. Pháp đang ủng hộ Hy Lạp. Đức đang cố gắng làm trung gian. Italy đang quan tâm đến vấn đề di cư và tổng bộ Brussels dường như bị tê liệt.
Các cuộc tập trận hải quân chung trong khu vực không giúp làm dịu căng thẳng và trong những trường hợp như vậy, sự cố rất có thể xảy ra nếu khả năng quản lý không tốt.