“Nguy quá chú à, tôi mới vay mượn ngân hàng 400 triệu, gom góp xây cất được 12 phòng nghỉ, kèm nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Vậy mà 2 năm nay, dịch Covid-19 khiến tôi không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng và duy trì phí sinh hoạt gia đình. Vừa rồi, tôi đã phải sắm chục “cheo” lưới trở lại đi biển kiếm sống”, anh Nguyễn Ngọc A. (SN 1979), chủ một khách sạn tại TP.Sầm Sơn chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
Được biết, đây gần như là tình trạng chung của nhiều người dân TP.Sầm Sơn trong năm thứ 2 phải nếm trải những hệ luỵ mà dịch Covid-19 đã gây ra.
Trên tuyến đường Hồ Xuân Hương chạy dọc bờ biển Sầm Sơn là cảnh tượng san sát các khách sạn và nhà hàng… đóng cửa, nằm im lìm. Tuyệt nhiên, không một bóng du khách, chỉ lác đác người dân bản địa qua đường, trái ngược hoàn toàn với cảnh tượng “kinh hoàng”, ken đặc du khách ở nơi được mệnh danh là “thiên đường tắm biển” của miền Bắc nước ta cách đây 2 năm.
Ông Nguyễn Hữu Bày, chủ nhà hàng hải sản ngay trung tâm bãi tắm Sầm Sơn cho biết, đây là cảnh tượng mà 30 năm mới thấy… 2 lần. “Từ lúc Sầm Sơn bắt đầu phát triển mạnh ngành nghề du lịch tới nay, đây là lần thứ 2 tôi được chứng kiến cảnh tượng đìu hiu như thế này, lần đầu chính là năm ngoái (năm 2020), khi dịch Covid-19 mới bùng phát, tôi đã nghĩ đó đã là lần duy nhất, không ngờ dịch lại kéo dài tới vậy”, ông Bày buồn bã nói.
Dịch Covid-19 diễn ra đã khiến cho “guồng máy” của nền công nghiệp không khói của Sầm Sơn bị đình trệ, ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề trong guồng quay đó. Từ những ông chủ khách sạn lớn, những nhà hàng 5 sao, các quán cà phê xanh đỏ tấp nập chào mời khách, tới các bác chạy xe ôm, bà cụ bán rau....Nhưng đâu đó, đã có những chuyển biến để thích ứng, nhiều người rục rịch tìm về với nghề cũ, trở về làm những ngư dân, trở về với cái nghề đã "có sẵn trong máu" với hy vọng sẽ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Anh Lê Nhữ Hà, sinh năm 1980, một tài xế lái xe điện kỳ cựu ở Sầm Sơn với gần chục năm trong nghề chia sẻ: “Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ hạn chế đi lại và khách du lịch không tới cũng đúng thôi, giờ ưu tiên sức khỏe con người là trên hết. Tôi chạy xe điện chở khách du lịch ở Sầm Sơn đã gần chục năm nay rồi, nếu không có dịch thì với chiếc xe điện này có thể nuôi sống cả gia đình tôi 4 người. Để đầu tư chiếc xe điện, tôi cũng phải mất gần cả tỷ bạc, hiện vẫn đang nợ ngân hàng chút ít. Tuy nhiên, đầu hè thấy tình trạng dịch bệnh Covid-19 như thế, nên tôi đã sắm ngay ít “cheo” lưới để đi biển nên thu nhập cũng tạm ổn”.
Trong 2 năm qua, trên những bãi biển vắng bóng du khách, bỗng nhiên đã trở thành môi trường sinh trưởng lý tưởng cho loài ngao biển tìm đến, một dấu hiệu tái tạo của môi trường biển nơi đây. Tất nhiên, những người dân Sầm Sơn không thể bỏ lỡ món quà mà thiên nhiên nhiên ban tặng.
Vào mỗi buổi sáng, hàng đoàn người tâp trung đào ngao biển và mọi người vẫn hay gọi vui là "lễ hội đào ngao" trên bãi biển Sầm Sơn. Đây là cách người dân quên đi những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, đồng thời cũng là công việc kiếm sống có thu nhập khá với nhiều người.
Bà Định Thị Súy (SN1948), trú tại khu phố Trung Kỳ cho biết: "Mấy chục năm nay mới lại thấy nhiều ngao xuất hiện như vậy, chỉ cần lấy tay không đào nhẹ trên bề mặt cát là bắt được. Tôi đào từ sáng sớm tới tầm gần trưa cũng được khoảng 3 đến 4kg. Vì là ngao tự nhiên nên luộc hoặc nấu canh rất thơm và ngọt nước nên bán rất được giá, thường dao động từ 80 đến 120 nghìn đồng cho 1kg tùy kích cỡ".
Theo thống kê, năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 khiến khách tới Sầm Sơn chỉ đạt 3,25 triệu lượt, bằng 65,65% so với năm 2019, đạt 57,52% so với kế hoạch đề ra, doanh thu ước đạt 3.056 tỷ đồng. Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp ngay từ đầu hè, khiến lượng khách tới Sầm Sơn vắng bóng, mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ bị đình trệ.
Một số hình ảnh tại phố biển Sầm Sơn hè 2021.
Việt Phương