Theo thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 100-120 bệnh nhi đến khám tại bệnh viện với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi… nghi ngờ mắc cúm.
TS. BS Ðỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày miền bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây.
“Riêng trong tháng 11, có khoảng gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện. Trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10-20% số bệnh nhân so với trước”, BS Hải chia sẻ với báo Sức khỏe đời sống.
Tính trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 15 - 20 ca mắc mới. Đó là những trường hợp trẻ nhỏ bị cúm nặng, có biến chứng hoặc trên nền bệnh mãn tính khác. Còn các trường hợp lớn hơn, xét nghiệm có mắc cúm A hầu hết đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà.
Liên quan đến bệnh cúm A, hiện nay nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc cúm về sử dụng, khiến cho giá của mặt hàng này lên cao. Tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, đặc biệt là các nhà thuốc quanh bệnh viện Nhi Trung ương cho hay giá một viên thuốc Tamiflu hiện là 150.000 đồng/viên.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ với báo An ninh thủ đô, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Bản thân các bác sĩ cũng có những giới hạn chỉ định cho bệnh nhân.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng nêu rõ những đối tượng được chỉ định khi sử dụng thuốc như: Trẻ mắc cúm có biến chứng như viêm phổi, viêm não hay viêm cơ tim; người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi; các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bao gồm (nhóm nhân viên y tế nếu bị cúm; nhóm trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh; phụ nữ có thai, người già, người bệnh mãn tính).
Tuy vậy, không phải lúc nào mắc cúm phải sử dụng Tamiflu. Nếu cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính thì bệnh cúm sẽ tự khỏi chỉ sau 2 - 7 ngày mà không nhất thiết phải sử dụng đến Tamiflu. Người mắc bệnh khi đó chỉ cần nghỉ ngơi, chữa các triệu chứng theo tư vấn, chỉ định từ các bác sĩ. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, gây tổn thương phổi thì cần nhập viện để các bác sĩ theo dõi và điều trị.
Trong các trường hợp nếu người dân tự ý mua và sử dụng Tamiflu mà không có chỉ định từ các bác sĩ thì việc sử thuốc sẽ gần như không có hiệu quả. Thậm chí, nếu sử dụng thuốc tràn lan sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc sẽ vô cùng nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn là thuốc có thể đem đến những tác dụng phụ không mong muốn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dùng.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia của bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể. Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
Phong Linh (tổng hợp)