Người dân đang bị “đầu độc” từ từ...
Trước thông tin đã có 6 người Trung Quốc chết vì dịch cúm A/H7N9, các bộ, ban ngành của ta đã rốt ráo cùng vào cuộc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh với cụm từ "chủ động phòng bệnh". Nhưng thực chất, nguy cơ tiềm ẩn bệnh cho người dân đã có từ lâu. Song các cơ quan chức năng đã buông lơi nhiệm vụ.
Việc kiểm tra, kiểm soát không thường xuyên của các lực lượng chức năng được nguỵ biện với đủ các lý do như thiếu nhân lực, vật lực, thiếu kinh phí... Không nói đâu xa, chỉ riêng bệnh cúm A/H7N9, nguồn lây lan bệnh từ gia cầm thì đã có không biết bao nhiêu tấn gà thải loại tiềm ẩn nguy cơ cao tràn vào thị trường nội địa. Điều này, các cơ quan chức năng biết cả, nhưng việc ngăn chặn nó vẫn cứ là... “quyết tâm cao”.
Hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc bị nhiễm chất độc hại, chẳng hạn táo đỏ ở Yên Đài -Sơn Đông (Trung Quốc) được bọc trong túi thuốc cực độc ngay từ trên cây đã bị tẩy chay từ nước bạn và các quốc gia khác nhưng vẫn được bán tại Việt Nam.
Chỉ khi tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu có thông tin năm người dân tộc Dao, tại bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã phải nhập viện do ăn phải hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó, một bệnh nhân tử vong thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Khi ấy, cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nho Trung Quốc nhập khẩu qua Lào Cai vượt mức cho phép 3 - 5 lần. Loại trái cây này đang bán tràn lan ở Việt Nam dưới nhãn nho Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng.
Kiểm tra tiêu huỷ gà nhập lậu.
Tại Trung Quốc, cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào khô, ô mai, hồng khô của nước này sử dụng các chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Nhưng thực tế hơn 80% hoa quả loại này được bày bán trên thị trường Việt Nam lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cùng với đó là hàng loạt vụ bê bối: Sữa nhiễm melamine, đậu đũa thấm đẫm thuốc trừ sâu, giá đỗ ngâm hóa chất kích thích tăng trưởng không được phép sử dụng, bánh bao nhôm, thịt lợn phát sáng vì nhiễm khuẩn lân tinh, hộp đựng thức ăn nhiễm độc, cốc giấy có chứa quá nhiều chất làm trắng, gạo nhiễm kim loại nặng gấp 5 lần giới hạn cho phép, xúc xích có giòi, sữa có hàm lượng thủy ngân cao bất thường...
Tất cả cứ vô tư vào thị trường trong nước mặc dù có rất nhiều cơ quan kiểm tra, kiểm soát từ cửa khẩu biên giới đến thị trường nội địa. Nhưng khi PV hỏi một vị giáo sư có tiếng, có tin tưởng chất lượng rau củ quả hiện nay không, vị này khẳng định: "Tôi không dám ăn rau, chỉ ăn các loại củ quả mà thôi. Những loại này sẽ ít dư lượng chất bảo vệ thực vật".
Cũng theo lời kể của vị giáo sư này, trong một lần ông tham gia khảo sát tình hình an toàn thực phẩm ở các cửa khẩu đã chứng kiến một việc khó tin khi người ta kiểm soát an toàn thực phẩm chỉ bằng một chiếc kính hiển vi. Bày ra như vậy là để cho vui, chứ kính hiển vi thì làm sao soi được thực vật, động vật nhiễm vi sinh vật gì hay có thể sinh ra độc tố gì!
GS. Nguyễn Minh Thuyết.
Thấy người chết... mới cuống cuồng vào cuộc
Một thực tế gần, nguy cơ hiển hiện trước mắt là sự lây lan bệnh cúm A/H7N9 từ việc nhập lậu gia cầm loại thải từ Trung Quốc vào thị trường nội địa. Nhìn nhận thực tế này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lo ngại vì siêu lợi nhuận, vì ham của rẻ mà vấn nạn gia cầm nhập vẫn đang thách thức, bất chấp nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Chúng ta đang đứng trước nhiều mối nguy cơ về bùng phát dịch bệnh từ nguồn thực phẩm như nhập lậu thịt mèo, hạt hướng dương có chất độc gây teo não, gia cầm nhập lậu gây bệnh cúm A/H7N9 nhưng dường như các cơ quan chức năng vì nhiều lý do khác nhau vẫn thờ ơ với việc ngăn chặn từ xa.
"Theo tôi thì có hai nguyên nhân, một là các cơ quan chức năng làm việc không rốt ráo, thiếu những biện pháp thật tích cực. Thậm chí cũng phải kiểm tra xem liệu có hiện tượng tiêu cực, móc ngoặc với những người buôn bán lậu những thực phẩm độc hại này hay trong một số lực lượng quản lý của mình không? Bởi vì ở những cửa ngõ giao thương với nước ngoài mình đều có những điểm chốt chặn để kiểm dịch, để kiểm tra hàng hoá nhưng tại sao hàng lậu nói chung và gia cầm nhập lậu nói riêng vẫn chở về tận dưới xuôi, nhập cả vào Thủ đô Hà Nội. Vì thế, phải xem rõ vì sao lại như vậy.
Thứ hai, ý thức của người dân cũng có một số người do thúc đẩy mưu sinh, thấy có lợi thì làm, không lường trước được những tác hại gây ra cho người dân, đồng bào mình và cho nền kinh tế chung của đất nước, cũng như cho chính sức khoẻ của họ và gia đình. Cho nên họ vẫn chấp nhận buôn bán những loại thực phẩm có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Từ hai nguyên nhân đó, chúng ta phải có biện pháp để giải quyết tận gốc mới là cách phòng bệnh từ xa".
Cũng theo ông Thuyết, các cơ quan được giao nhiệm vụ phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là bộ Y tế phải có những biện pháp quyết liệt hơn, hữu hiệu hơn. Ngoài ra các lực lượng khác như hải quan, quản lý thị trường cũng phải vào cuộc một cách nghiêm túc. Đồng thời phải có các biện pháp khen thưởng, kỷ luật xứng đáng để cho các địa phương người ta làm tốt thì tiếp tục tốt hơn, còn địa phương nào làm chưa tốt thì phải có chế tài xử lý. Tránh tình trạng người làm tốt cũng như người làm không tốt.
Về phía người dân, một mặt phải tuyên truyền, đặc biệt là những người dân làm nghề buôn bán gia cầm, thực phẩm, những người dân sống sát đường biên, thường xuyên có quan hệ mua bán với nước ngoài, bày cho họ cách chuyển ngành nghề kinh doanh chính đáng. Với những trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thậm chí là truy tố hình sự.
"Theo tôi, phải làm rốt ráo từ các cấp các ngành cho tới người dân, đừng để tình trạng "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" hoặc "nước đến chân mới nhảy" thì câu chuyện này không bao giờ giải quyết được", ông Thuyết nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ nổi cáu thôi chưa đủ! Một vị giáo sư luôn lo lắng cho cái ăn của người dân bày tỏ: "Đất nước đang phát triển từng ngày nhưng sức khỏe người dân khi ăn các loại thực phẩm độc hại lại đang yếu đi từng giờ. Vì vậy, sự nổi cáu của một bộ trưởng khi nghe cấp dưới báo cáo chung chung cũng đã chứng tỏ sự sốt ruột, bất lực với một cơ chế lề dề, làm cho có. Nhưng chỉ cáu thôi thì chưa đủ, mà các vị còn phải hành động thực tế. Sự chậm trễ ra tay của các vị muộn chừng nào là tính mạng và sức khỏe của người dân bị ngấm độc nặng chừng ấy". |
Nguy cơ tái phát dịch cúm A/H5N1? Ngày 9/4, BS Đoàn Tấn Bửu – Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Đồng Tháp xác nhận, bệnh nhân Nguyễn Duy Hoàng H. (SN 2009, trú tại ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong sau một thời gian điều trị cúm A/H5N1. Trong khi đó, tại Ninh Thuận, hơn 4.000 con chim yến trong đàn nuôi tại một cơ sở trên đường Thống Nhất, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, đã chết đột ngột. Kết quả hai lần xét nghiệm mẫu cho thấy chim dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Theo các bác sĩ chuyên khoa, cúm gia cầm có thể gây bệnh cho người tiếp xúc. Đến nay, cúm A/H5N1 được đánh giá là loại cúm nguy hiểm, theo các thống kê có đến 50% bệnh nhân tử vong. |
Minh Khánh - Quốc Triều