Tăng số ca sởi nhập viện
Ngày 18/12, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cho biết, đến tuần 50 năm 2024, Tp.HCM đã ghi nhận 373 ca mắc sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay là 3.189 ca, trong đó các quận, huyện có số ca mắc cao gồm quận Bình Chánh, Bình Tân và Tp.Thủ Đức.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, số trẻ mắc sởi nhập viện đang gia tăng, với 85% trường hợp đến từ các tỉnh lân cận. Hầu hết các ca mắc đều là trẻ chưa tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi vắc-xin. Một gia đình ở Bến Tre có 7 trẻ mắc sởi và tất cả phải nhập viện trong đợt dịch này.
Bác sĩ Quy cũng cho biết, một số trẻ chưa được tiêm vắc-xin vì phụ huynh quên lịch tiêm hoặc do sức khỏe của trẻ không đảm bảo. Đặc biệt, khoảng 10-12% trẻ mắc sởi không tiêm vắc-xin vì cha mẹ thuộc nhóm chống tiêm chủng, thường là những người tri thức và gia đình chỉ có một con.
Cụ thể, một trẻ 4 tuổi đã phải nhập viện do biến chứng từ bệnh sởi. Bác sĩ Quy chia sẻ: "Một số phụ huynh vẫn nghĩ rằng tiêm vắc-xin sởi có thể gây ra tự kỷ hoặc cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ không cần tiêm. Tuy nhiên, thực tế, vắc-xin sởi rất an toàn, hầu như không có tác dụng phụ nào được ghi nhận".
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thành Luân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19 cho biết, số ca mắc sởi nhập viện đang gia tăng nhanh chóng và chưa có dấu hiệu chững lại. Tại khoa, giường bệnh luôn trong tình trạng kín, nhiều trẻ mắc sởi phải điều trị tích cực, thậm chí có những trường hợp nặng cần thở máy hoặc lọc máu.
Ngoài ra, một số phụ huynh cho biết khi trẻ mắc bệnh, tự ý mua thuốc và kháng sinh từ các quầy thuốc địa phương để điều trị. Tuy nhiên, khi bệnh tình trở nặng và đưa trẻ đến bệnh viện, các bệnh nhi đã trong tình trạng cấp cứu nguy kịch.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị H. (43 tuổi, nhà ở Tp.Thủ Đức) có con nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do tự ý mua thuốc điều trị cho biết: Con trai chị 13 tuổi, bị sốt cao, nghĩ con cảm bình thường nên chị mua thuốc hạ sốt về cho uống. 2 ngày sau bé đi học bình thường, đến ngày thứ 3 nổi mẩn khắp người và đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch…
Cần tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ đầy đủ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu - Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vắc-xin sởi, để phòng ngừa bệnh.
Vắc-xin là một phát minh y học, giúp cơ thể tạo ra khả năng phòng chống bệnh. Vắc-xin sởi đã được áp dụng từ lâu và thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ mắc sởi giảm rõ rệt khi tiêm vắc-xin và nếu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi, trẻ sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh nặng. Tỉ lệ ngừa bệnh đạt 97%. Tác dụng phụ của vắc-xin rất thấp, trong khi lợi ích của việc tiêm rất lớn, giúp giảm biến chứng khi mắc bệnh.
Chiến dịch tiêm vắc-xin vẫn đang tiếp tục nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM, trong ngày 18/12, Tp.HCM tổ chức 30 điểm tiêm tại 16 quận, huyện, Tp.Thủ Đức, với 26 điểm tại Trạm Y tế và Trung tâm Y tế, 4 điểm tại bệnh viện.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2024 đến tuần 48, Thành phố ghi nhận 2.438 ca sởi, trong đó có 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, với 4 trường hợp tử vong.
Số ca bệnh từ các tỉnh khác cũng gia tăng, với 574 ca điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 342 ca nội trú. Tổng số ca sởi từ các tỉnh khác là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Tp.HCM.
Để đối phó với dịch sởi, Tp.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Tính đến ngày 1/12, chiến dịch đã tiêm được 6.278 mũi, đạt 17,16% so với tổng số trẻ đã rà soát.
Thông tin với Người Đưa Tin, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết trong thời gian qua, số ca mắc sởi tại tỉnh này đã gia tăng liên tục. Tuy nhiên, ngành Y tế Đồng Nai luôn nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Theo ông Trung, công tác phòng chống dịch vẫn tiếp tục tập trung vào việc khoanh vùng các ổ dịch, tiến hành khử khuẩn và tuyên truyền sâu rộng cho người dân để phòng ngừa. Ngành y tế cũng đã tăng cường công tác khám và điều trị, thu dung bệnh nhân, khiến đội ngũ nhân viên y tế làm việc hết công suất. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin phòng sởi hiện nay vẫn phụ thuộc vào Bộ Y tế.
Báo cáo từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tại đỉnh dịch ngày 12/12, bệnh viện đã tiếp nhận 9 bệnh nhi cấp cứu trong một ngày, với 50 bệnh nhi nhập viện và 271 bệnh nhi khám ngoại trú. Có 10 bệnh nhi phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Đặc biệt, một bệnh nhi 12 tháng tuổi (ở phường Long Bình, Tp.Biên Hòa), bị tổn thương gan nặng phải nhập viện, nhưng hiện nay tình trạng sức khỏe đã tạm ổn. Hiện chỉ còn 2 bệnh nhi phải thở máy.
Nguyễn Lành