Liên quan đến tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 9/9 đoàn Kiểm tra của bộ Y tế đã đến “thị sát” tại tỉnh này.
Tại buổi làm việc, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai báo cáo từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 13.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018), có 2 ca bệnh tử vong.
Ông Bạch Thái Bình, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018, là do ảnh hưởng giai đoạn cuối của mùa dịch bệnh năm 2018,…
Hơn nữa, Đồng Nai rất đông công nhân, nhiều nhà trọ, nhiều nơi chưa vệ sinh nơi ở đúng cách,… nên dẫn đến phát triển loăng quăng và muỗi.
Người dân cũng chưa tự giác, chưa chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi,… cũng chưa phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt côn trùng.
Đội ngũ cộng tác viên hoạt động chưa hiệu quả, bỏ sót dụng cụ chứa nước…
Theo đại diện thành viên đoàn kiểm tra của bộ Y tế, qua kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Tam Phước (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Đoàn nhận thấy người dân còn quá thờ ơ với việc chủ động phòng chống dịch bệnh.
Nhiều vật dụng chứa nước, chứa loăng quăng, bọ gậy vẫn chưa được lật úp; vệ sinh môi trường khu vực sinh sống chưa đảm bảo.
Do đó, đoàn kiểm tra đề nghị ngành y tế Đồng Nai cần quyết liệt hơn nữa, tăng cường trong những đợt cao điểm bằng mọi biện pháp, buộc người dân thực hiện tốt công tác chủ động phòng chống bệnh.
Theo Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay các tỉnh khu vực phía Nam đang trong mùa mưa, nên nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch là rất lớn, có nhiều ca mắc thì sẽ nhiều nguy cơ sẽ có ca tử vong.
Do đó, vấn đề cơ bản nhất là phải làm cho người dân và chính quyền, ban ngành, đoàn thể nhận thức rằng "không có loăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết".
Nếu trường hợp dân không hợp tác, có thể dùng các biện pháp xử phạt hành chính những gia đình để đọng nước có loăng quăng. Nếu không làm vậy dịch bệnh sẽ bùng phát, gây nguy cơ tử vong vì dịch bệnh cao trong cộng đồng.