Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước), trong đó có Đồng Nai – là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho TP.HCM.
Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi sáng 13/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu lo ngại: "Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi thả trôi trên kênh, chỉ trong vòng vài tiếng người dân trục vớt được 3-4 tấn; có địa phương hiện không còn chỗ để tiêu huỷ lợn bệnh. Có nơi người dân chôn lợn chết ở gần nguồn nước hoặc chôn rồi lại đào lên di chuyển đến nơi khác".
Đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương mà báo chí phản ánh tình trạng này cần rà soát, kiểm tra lại ngay và xử lý nghiêm những vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng đó.
Một nội dung khác cũng rất được chú ý tại hội nghị là đề xuất lực lượng cảnh sát, quân đội tham gia công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo ba hướng: Tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được; lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn.
Ông Cường nói, trường hợp kịch bản trên xảy ra sẽ "vô cùng thảm khốc", gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe doạ một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
"Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu huỷ đảm bảo đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao", Bộ trưởng Cường đề nghị.
Cho rằng vừa rồi có một số chỗ kiểm soát còn lơi lỏng, như ở sông Cầu, lợn chết trôi xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, ông Cường nhấn mạnh, "lơi lỏng sẽ rất nguy hiểm, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ đưa lực lượng vũ trang vào kiểm tra tình hình chống dịch".
Trong khi đó, trao đổi với báo Lao động, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, Chống dịch tả lợn Châu Phi đã đề xuất lực lượng cảnh sát, quân đội tham gia công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, có sự tham gia của Cảnh sát môi trường sẽ có căn cứ để quy trách nhiệm và xử lý đối với các hành vi cố tình vứt lợn chết gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương.
Thứ trưởng Tiến cũng trăn trở, băn khoăn trước tình hình kiểm soát việc tiêu hủy lợn bệnh: “Khi chúng tôi về kiểm tra, cán bộ địa phương dẫn đoàn đến khu vực sông không có xác lợn. Nhưng qua thăm dò thông tin, chúng tôi đã tìm được khu vực có rất nhiều xác lợn bị trôi dạt trương sình mà không được xử lý tiêu hủy... Sắp tới, cần chế tài xử phạt thật nặng để răn đe”.
Đình Văn (Tổng hợp)