Đến thời điểm này (ngày 14/3), khắp cả nước đã có 17 tỉnh thành bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi và có nguy cơ dịch lây lan ngày càng cao. Do đó, là một trong những tỉnh thành có số lượng đàn lợn chăn nuôi đông nhất cả nước, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp khẩn để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, người chủ trì buổi họp nhấn mạnh, đến nay, việc phòng chống dịch bệnh vô cùng cấp bách, cần thành lập ngay ban chỉ đạo 3 cấp để xử lý phòng dịch. Tiếp tục thành lập thêm nhiều trạm kiểm dịch động vật, chốt chặn theo tinh thần triệt để, không để xe vượt trạm, né trạm không thực hiện kiểm dịch. Nếu phát hiện vượt trạm phải phạt thật nặng.
Trong khi đó, đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai báo cáo địa bàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn với hơn 2,5 triêụ con. Trong đó, số nuôi theo hình thức trang trại chiếm 75%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 25%.
Khi dịch tả lợn châu Phi tấn công vào các tỉnh phía Bắc, tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc liên quan đến dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệnh này. Đồng thời, tỉnh đã vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, sử dụng thức ăn sạch cho lợn,…
Không dừng lại ở đó, Đồng Nai thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20 để kiểm tra, giám sát lợn đi qua địa bàn nhằm ngăn chặn không để mầm mống dịch lây lan vào tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phía Nam qua đường vận chuyển,…
Bên cạnh đó, giữa “bão dịch”, tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra sức phòng chống dịch bằng cách chỉ đạo địa phương cùng lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường,… thường xuyên kiểm tra động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển qua địa bàn. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nghi nhập lậu, vận chuyển lậu để phát hiện dịch bệnh sớm nhằm ngăn chặn xử lý kịp thời. Tăng cường chẩn đoán, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh,…
“Chúng tôi đề nghị các huyện, xã theo dõi sát sao tình hình chăn nuôi trên địa bàn, tuyên truyền cho bà con chăn nuôi trang trại và nhỏ lẻ về dịch bệnh và vận động bà con khi phát hiện ổ dịch cần báo cho cơ quan chức năng, không nên giấu bệnh để ảnh hưởng đến tình hình chung. Đồng thời kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi heo có heo bị dịch bệnh, phải tiêu hủy. Đặc biệt, đợt dịch này người dân chăn nuôi được hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn bị tiêu hủy theo quy định nếu xảy ra dịch”, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai nói.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, các trại lớn, trại bé đều căng mình chống dịch. Ngoài ra hiện nay, để ngăn chặn dịch cần kiểm soát các phương tiện xuất heo đi để nắm được số lượng heo xuất đi, số lượng heo nhập đến.
“Nếu lỡ may 1 xã có heo bị dịch thì đến tại đó để đếm số lượng con heo, áng trọng lượng rồi đưa ra mức hỗ trợ cho người dân để hạn chế dịch lây lan. Bởi, nếu đã bị dịch còn kéo nhau đi cân từng nhà để xử lý heo cho đúng trọng lượng thì nguy cơ lây lan dịch càng nhanh. Việc cần làm là nếu có dịch phải kịp thời khoanh vùng để xử lý. Tâm lý người dân giấu dịch vì sợ mất trắng. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ thỏa đáng và xác định được ngày “giải ngân” tiền hỗ trợ thì họ sẽ an tâm và nhanh chóng báo cáo về heo bệnh”, ông Công nói.
Đại diện chi cục Thú y vùng 6 cho biết, loại vi rút gây nên dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam giống y hệt loại vi rút gây ra dịch tả lợn châu Phi ở Nga năm 2017 và ở Trung Quốc năm 2018. Để tránh dịch lây lan cần khoanh vùng dịch chặt chẽ, thức ăn phải sử dụng thức ăn “sạch”, nhất định không được lơ là chủ quan.
“Do dịch này thời gian ủ bệnh lâu dẫn đến xe chở heo từ Bắc vào Nam khi xuất phát heo không bệnh nhưng có nguy cơ khi đến điểm đích nhập hàng heo lại bệnh. Và, hiện tại từ phía Nam đèo Hải Vân trở về trong Nam chưa phát hiện ổ dịch”, vị đại diện chi cục Thú y vùng 6 thông tin.