Ngày 18/3, ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa cho biết, sau khi phát hiện 4 con lợn của một hộ dân trên địa bàn chết bất thường, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu để xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xác định, số lợn trên chết do bị mắc dịch tả lợn châu Phi nên chính quyền phường Đông Lĩnh đã tiêu hủy theo quy định. Cũng theo ông Chung, ngay sau khi tiêu hủy số lợn mắc bệnh, xã cũng đã thông báo cho người dân biết, đồng thời lập tức tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi toàn bộ các gia trại, trang trại trên địa bàn và cho lập chốt kiểm soát lợn ra vào địa bàn.
Được biết, tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cũng phát hiện 1 con lợn chết bất thường. Hiện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, nhưng chưa có kết quả.
Trước đó, ngày 15/2, một số con lợn nái của 7 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Định Long, huyện Yên Định có hiện tượng chết bất thường. Những ngày tiếp theo, nhiều con lợn tại đây có biểu hiện lừ đừ di chuyển chậm và chết rải rác. Nhận được thông tin, lực lượng thú y xuống kiểm tra, theo dõi sau đó lấy mẫu gửi đi kiểm tra và xác định bị dịch tả châu Phi nên địa phương tiến hành tiêu hủy theo quy định. Đây là địa phương đầu tiên ở Thanh Hóa phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 5/3, tiếp tục phát hiện 4 con lợn của một hộ dân ở xã Thiệu Phúc bị dịch tả châu Phi.
Đến nay, tại Thanh Hóa đã có 25 hộ của 14 thôn, 12 xã ở 2 huyện Yên Định, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa có dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 667 con lợn, với tổng trọng lượng gần 33.000kg.
Để ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị các cấp nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch.
Ngoài các chốt ở những nơi có dịch, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên tuyến đường Hồ Chí Minh (2 chốt); Quốc lộ 10 và Quốc lộ 217 và tăng cường thêm lực lượng cho 2 chốt cố định huyết mạch trên Quốc lộ 1A (tại Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn và cầu Ghép, huyện Tĩnh Gia) nhằm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện chở gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Thanh Hóa, đặc biệt là những xe chở lợn vào các tỉnh phía Nam