Phát biểu trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh đông xuân, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cho biết, tính đến đầu tháng 10/2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp thiệt mạng tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với năm 2017, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Theo báo nhân dân, số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam với 47.955 trường hợp (chiếm 77,6%), miền Bắc có 6.558 trường hợp (chiếm 10,6%), miền Trung có 6.236 trường hợp (chiếm 10,1%) và Tây Nguyên là 1.072 trường hợp (chiếm 1,7%). Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.711 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tay chân miệng phân bố rải rác tại 443 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong. Hiện chỉ còn 65 ca bệnh đang điều trị.
10 tỉnh có số mắc tích lũy trên 100.000 dân cao nhất nước gồm Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
Lý do dẫn đến sự chênh lệch số ca mắc phải giữa miền Bắc và miền Nam
Để giải thích cho hiện tượng này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, lý do tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn ở khu vực TP.HCM nói chung, miền Nam nói riêng là chủng virus EV71 quay lại, trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó. Hiện tại, chủng virus này được ghi nhận nhiều nhất trong số ca mắc.
Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.
Theo bác sĩ Khanh, sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán. Việc chúng ta cần làm bây giờ là kiểm soát chúng. Ngoài ra, với dân số cao hơn, lượng trẻ em cũng nhiều hơn nên số ca mắc nhiều hơn khu vực miền Bắc là điều dễ hiểu.
Zing.vn cho biết, trước sự bùng phát dịch bệnh với diễn biến vô cùng phức tạp trong thời gian này, phía bộ Y tế và cục Quản lý Dược tiến hành ban bố công văn khẩn yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh tay chân miệng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc.
Đối với các cơ sở có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn cần phải báo cáo kịp thời để bộ đưa ra phương án xử lý.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chủ động lên kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Tôn Vỹ (Tổng hợp)