Liên quan đến dịch vụ đổi tiền lẻ công khai ở khu di tích đình, chùa Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với phòng Văn hóa, thông tin quận Hà Đông.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Hòa – Trưởng phòng Văn hóa, thông tin quận Hà Đông cho biết: “Trên địa bàn quận Hà Đông có 14/17 phường có lễ hội, tổng cộng có 45 lễ hội, bắt đầu từ 3/1 (âm lịch) kết thúc vào 10/3 (âm lịch). Ngay từ thời điểm đầu năm 2017, phòng đã có cuộc họp quán triệt về vấn để đảm bảo về an ninh trật tự về công tác lễ hội năm 2017.
Qua kiểm tra của đoàn thanh tra thuộc phòng Văn hóa, thông tin quận Hà Đông về một số lễ hội, khu di tích lịch sử có nhiều du khách thập phương đến thăm quan, lễ đầu năm thì công tác về an ninh, trật tự và một số vấn đề khác diễn ra ở một số phường đều được đảm bảo khá tốt.
Tuy nhiên vẫn có một số hoạt động cũng chưa thực sự đảm bảo như tình trạng một số điểm trông xe cho khách vẫn thu phí cao so với quy định, hoạt động đổi tiền lẻ chui xảy ra ở khu di tích lịch sử đình, chùa Bia Bà”.
Cũng theo lời của vị Trưởng phòng Văn hóa, thông tin quận Hà Đông, hoạt động đổi tiền lẻ không công khai nên rất khó kiểm soát. Thực tế hiện nay, một số người dân vẫn còn tư tưởng đến đình, chùa dâng lễ vẫn kèm theo cả tiền lẻ.
"Do có cầu nên vẫn có cung. Vấn đề xử phạt như thế nào đối với việc đổi tiền lẻ có thu phí cũng như thu phí trông giữ xe trái quy định là do phòng Tài chính chủ trì. Qua thông tin mà báo chí phản ánh, ban quản lý sẽ sớm sử lý dứt điểm tình trạng còn tồn đọng để năm sau sẽ không còn hiện tượng như đã nêu", ông Hòa nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề về hoạt động đổi tiền lẻ đã bị cấm nhưng vẫn diễn ra tại một số khu vực đền, chùa ở TP.Hà Nội, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với sở Văn hóa và thể thao Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Nam – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình thuộc sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cho biết: “Hàng năm đều có công văn của UBND thành phố chỉ đạo về công tác lễ hội cũng như có buổi họp liên ngành toàn thành phố về công tác lễ hội do Phó chủ tịch UBND thành phố chủ trì, chỉ đạo, quán triệt công tác lễ hội nói chung và nhấn mạnh về những cái còn tồn tại.
Tất cả các quận huyện có lễ hội đều tham gia, họp rất đầy đủ và nghiêm túc vào buổi giáp Tết, nhất là hiện tượng đổi tiền lẻ. Theo đó sở Văn hóa và thể thao Hà Nội có văn bản chỉ đạo các quận, huyện chấn chỉnh các vấn đề còn tồn tại ở các lễ hội”.
Cũng theo ông Ngô Văn Nam, công tác quán triệt năm nay cũng rất mạnh mẽ. Ngoài việc chỉ đạo của liên ngành toàn thành phố thì sở với tư cách là cơ quan thường trực cho các hoạt động lễ hội có kế hoạch tổ chức kiểm tra giám sát trước, trong và sau lễ hội tiếp tục kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Riêng đối với một số lễ hội lớn như chùa Hương, đền Gióng, đền Sóc Sơn thì các cơ quan phải làm việc nhuần nhuyễn đến hai, ba lần… Trước đó chính quyền địa phương đã xuống trực tiếp chỉ đạo, phân công làm việc, HĐND xuống giám sát, sau đó đoàn của sở tiếp tục xuống kiểm tra, nhắc nhở về lễ nghi và các hoạt động của lễ hội.
Ông Nam cũng khẳng định: “Hoạt động công khai đổi tiền là không có mà chỉ có hoạt động lén lút. Do đó mà việc phát hiện, ngăn chặn là rất khó khăn. Còn nếu có tình trạng bày sạp ngồi công khai như trước thì lực lượng an ninh lập tức tịch thu ngay. Có được như vậy thì chỉ cần chính quyền mạnh tay thì các vấn nạn này lập tức sẽ không còn cơ hội tồn tại. Và để được như vậy thì cũng phải từ trên chỉ đạo xuống tất các cấp, quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm này”.
Cũng theo đánh giá của ông Ngô Văn Nam thì các công tác lễ hội tại các quận, huyện đến thời điểm này tương đối tốt, chưa xảy ra những sai phạm lớn. Tương lai thì vấn nạn về đổi tiền lẻ sẽ không còn đất tồn tại.
"Đầu tiên là từ việc tuyên truyền của nhà chùa. Cụ thể nhà chùa sẽ giải thích cho người dân dù đặt tiền lẻ hay tiền chẵn thì cũng đều quy về một mối là dùng tiền đó để tu bổ nhà chùa, con người đi lễ chỉ cần thành tâm hướng về cửa phật, chứ không nhất thiết phải đặt tiền lẻ ở nhiều ban, bệ.
Thứ hai, siết chặt từ ngân hàng không đổi tiền lẻ các tờ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Cụ thể năm nay ngân hàng nhà nước đã dừng việc phát hành tiền mệnh giá như trên. Cuối cùng là việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệc tại đền chùa cũng bị cấm và sẽ bị xử lý nghiêm túc nếu phát hiện, do vậy mà vấn nạn này sẽ ngày càng được ngăn chặn", ông Nam cho hay.
Ngày 20/10/2016 bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có Công văn số 4237/BVHTTDL-VHCS về viêc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đó bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, thể thao và du lịch trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó nhấn mạnh: “Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... diễn ra trong lễ hội… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác". |
Nhóm PV