Dịch vụ đổi tiền lẻ 'mọc lên như nấm', giá cao 'ngất trời' (1)

Dịch vụ đổi tiền lẻ 'mọc lên như nấm', giá cao 'ngất trời' (1)

Thứ 3, 14/02/2017 17:07

Cứ đến dịp đầu năm mới sau Tết Nguyên đán ít ngày, dịch vụ đổi tiền lẻ lại "mọc như nấm" với giá “cắt cổ” ở nhiều điểm tại Hà Nội.

image

Hoạt động công khai

Ngày 14/2, PV báo Người Đưa Tin đã thực hiện cuộc khảo sát về việc đổi tiền lẻ tại một số khu di tích đình, chùa, đền ở khu vực Hà Nội.

Ngay trong sân khu di tích đình, chùa Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) có hàng chục điểm đổi tiền lẻ, mệnh giá từ 500 đồng cho đến 10.000 đồng.

Những xếp tiền lẻ được để trong một chiếc tủ kính nhỏ, gấp sẵn với tỉ lệ cho trước và nhanh chóng được giao dịch với bất kỳ khách hàng nào đang có nhu cầu.

Bên trong tủ kính được bày hai loại tiền: Một loại là tiền mới, nguyên seri được bọc giấy thành một cọc; loại nữa là tiền lẻ cũ hơn. Hai loại tiền có mức đổi khác nhau.

Khi PV ngỏ ý muốn đổi một số tiền lẻ, chủ cửa hàng hỏi ngay: "Em muốn đổi loại nào? Bao nhiêu tiền?".

Người này cũng không quên tư vấn: "Mấy năm trở lại đây tiền lẻ khá khan hiếm. Loại tiền 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 10.000 đồng tỉ lệ đổi là 10:7 hoặc 10:8. Tiền mới nguyên seri tỉ lệ đổi 10:6 (tức là đổi 10.000 đồng lấy 7.000 đồng hoặc 10.000 đồng lấy 6.000 đồng). Nếu em cần lễ nhiều thì nên đổi một cọc nguyên seri, mỗi cọc là 100 tờ, giá cao hơn chút nhưng tiền mới 100%".

Kết nối NĐT - Dịch vụ đổi tiền lẻ 'mọc lên như nấm', giá cao 'ngất trời' (1)

 Chủ điểm đổi tiền lẻ ngay trong sân khu di tích Bia Bà đang mời chào khách.

Khi PV hỏi về các loại mệnh giá khác, ông chủ tiến vào phía tủ kính lấy ra một vài xếp tiền 5.000 đồng còn mới cứng, nguyên phần đai bọc, seri. Các tờ tiền được xếp đúng 100 tờ.

Ông chủ nói: “Với loại tiền này thì phải đổi cả tập, đổi 700.000 đồng lấy 500.000 đồng. Loại tiền này, em lấy nguyên cả cọc thì tôi mới đổi, không đổi lẻ. Còn với các loại tiền đã sắp sẵn từ 10.000–100.000 đồng ở ngoài thì cũng tùy. Nếu lấy ít tất cả đều 10:7, tức là 10.000 đồng sẽ đổi được 7.000 đồng tiền lẻ”.

Quả thực, nếu đổi tiền lẻ loại nguyên một cọc, số seri theo đúng thứ tự như của điểm đổi tiền lẻ này, vị chủ hàng này sẽ hưởng chênh lệnh lên đến 40%. Còn người đổi để dùng sẽ không khác gì mua hàng giá đắt “cắt cổ”.

Di chuyển ra phía cổng trước của khu di tích đình, chùa Bia Bà, nhiều quán bán hàng mã bên cạnh bán hàng. Tiền lẻ của những quán này này cũng được để trong tủ kính bày ngay sát mặt đường.

Thấy PV tiến lại gần quầy bán hàng, chủ hàng là một người phụ nữ ngoài 50 tuổi liền chào mời: “Đổi tiền lẻ hả em? Ở đây có đầy đủ loại tiền từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng đến 5.000 đồng. Tiền mới, cũ đều có cả. Tiền mới thì giá đổi tỉ lệ 10:7, cũ thì 10:8, đổi càng nhiều thì giá sẽ giảm. Em đổi ở bên ngoài này chắc chắn giá “mềm” hơn so với đổi trong sân đền đấy”.

Theo người phụ nữ này, nếu đổi tiền mới các mệnh giá 500 đồng và 5.000 đồng thì phải mất 30%. Tiền cũ thì giá đổi sẽ “dễ chịu” hơn sẽ từ 15-20%.

Cũng theo khảo sát của PV tại một số điểm đổi tiền lẻ khác trong khu di tích này đều có giá và tỉ lệ đổi tương đương đương nhau.

Tại thời điểm PV có mặt ở khu di tích đình, chùa Bia Bà cũng có các lực lượng chức năng túc trực, tuy nhiên hoạt động đổi tiền vẫn diễn ra một cách công khai. Điều đáng nói, một số người dân khi đến tham quan ở đây, khi dâng lễ vẫn sử dụng tiền lẻ cùng lễ vật khác lên ban thờ để cầu may.

Liên quan đến dịch vụ đổi tiền lẻ công khai ở khu di tích đình, chùa Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ban quản lý.

Kết nối NĐT - Dịch vụ đổi tiền lẻ 'mọc lên như nấm', giá cao 'ngất trời' (1) (Hình 2).

 Ông Phạm Văn Hiền – Phó ban quản lý thường trực di tích lịch sử đình chùa Bia Bà nói "khó trong việc xử lý vi phạm".

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hiền – Phó ban quản lý thường trực di tích lịch sử đình, chùa Bia Bà cho biết: “Bia Bà là khu di tích lịch sử quốc gia. Về công tác quản lý, UBND phường La Khê đã giao cho ban quản lý. Chúng tôi cũng đã nghiêm túc thực hiện việc quản lý chặt chẽ các hoạt động trong khi di tích.

Trước hết là phối kết hợp với các lực lượng chức năng, công an, an ninh viên và đội quản lý trật tự của tổ dân phố để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian mở cửa khu di tích. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một số thiếu sót trong việc quản lý.

Về hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ở khu di tích nhưng là hoạt động chui. Thật sự thì rất khó xử lý việc này. Vì hầu hết những người buôn bán cũng như làm dịch vụ đổi tiền lẻ là người địa phương, trong khi những người làm công tác đảm bảo trật tự cũng ở đây nên rất khó xử lý”.

Nhiều điểm hoạt động “ngầm”

Tiếp tục tìm hiểu về hoạt động đổi tiền lẻ ở một số địa điểm khác trên địa bàn TP.Hà Nội, ngày 6/2, PV đã có mặt tại đền Voi Phục (thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội).

Hai bên đường vào đền có một số địa điểm bán đồ cúng lễ tự phát nằm liền kề nhau. Điều đáng nói, những địa điểm này không chỉ bán đồ phục vụ nhu cầu tâm linh mà còn kiêm cả việc đổi tiền lẻ cho khách thập phương có nhu cầu đổi tiền để lễ.

Tiền lẻ không được bày công khai trong các tủ kính như đã thấy ở một số đền, chùa khác mà được các chủ hàng cất vào túi nilông, hoạt động lén lút hơn, chỉ khi có người hỏi thì người bán hàng mới đưa ra để đổi. 

Qua tìm hiểu ở địa điểm này, tiền lẻ có nhiều mệnh giá, thấp nhất là 500 đồng, 1.000 đồng và cao nhất là 10.000 đồng với mức chênh lệch khác nhau tùy theo mệnh giá.

Kết nối NĐT - Dịch vụ đổi tiền lẻ 'mọc lên như nấm', giá cao 'ngất trời' (1) (Hình 3).

Dịch vụ đổi tiền lẻ luôn sẵn để phục vụ khách có nhu cầu ở một số khu vực tại Hà Nội.

Tiếp cận với một điểm bán đồ lễ, khi PV ngỏ ý muốn đổi tiền lẻ mệnh giá 10.000 đồng thì lập tức người bán hàng ra giá “mười ăn chín” nghĩa là đổi 100.000 thì người đổi sẽ chịu lỗ 10.000 và nhận về 90.000 đồng.

Còn đối với các loại tiền mệnh giá thấp hơn thì mức “ăn” chênh lệch cũng thấp hơn. Đổi tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng thì mức chênh lệch sẽ là 20%. Theo như lời người bán hàng thì việc đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch đã “có giá của nó” và diễn ra quanh năm.

Trước thực trạng này, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ban quản lý đền Voi Phục. Tuy nhiên ông Đỗ Trùy - Phó ban quản lý đền Voi Phục lại khẳng định: “Ban đã đặt các biển cấm hoạt động mê tín dị đoan như bói toán, xem tướng và đổi tiền lẻ trong khuôn viên đền".

Ông Trùy cũng khẳng định hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại khuôn viên đền không hề xảy ra.

Theo lời vị Phó ban quản lý đền thì việc đổi tiền lẻ chỉ ưu tiên cho một số đơn vị cần tiền lẻ như vườn thú Thủ Lệ để trả tiền thừa lại cho khách khi mua vé vào cổng. Việc đổi tiền này không hưởng chệnh lệch, tuy nhiên việc đổi tiền này không hề có giấy tờ kí nhận mà chỉ dựa vào… quen biết.

Cũng theo ông Trùy, việc đổi tiền hưởng chênh lệch tại một số điểm bán vàng mã trong khuôn viên đền diễn ra một cách chui lủi và ban quản lý sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý.

(Còn nữa…)

Nhóm PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.