Ma trận thị trường tiền lưu niệm
Trong vai người cần nguồn cung tiền lẻ để đưa về các tỉnh tiêu thụ, PV tiếp cận một số điểm cung ứng. Người tên Hải (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Năm nay, tiền lưu niệm hình con chó khá hot, trong đó tờ 2 USD mạ vàng là đỉnh nhất. Hiện, bên em đang bán 420.000 đồng/tờ, anh lấy số lượng nhiều nên em sẽ chiết khấu, còn lại 390.000 đồng/tờ”.
Cũng loại tờ tiền này, các điểm đang bán ra với mức giá dao động từ 350.000 đồng đến 450.000 đồng/tờ. Giá này cao hơn 30 – 50% so với loại tiền in hình linh những năm trước đó. “Do đây là tờ tiền của Mỹ phát hành nên về Việt Nam chắc chắn sẽ có hạn, vì còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc đặt hàng. Nếu anh muốn lấy thì báo số lượng cụ thể, em sẽ đặt ngay cho anh chứ không còn kịp đâu”, Hải nói thêm.
“Về tờ tiền này, đây là lần đầu tiên bộ Tài chính Mỹ áp dụng công nghệ in 3D C-Thru Vision với các hình ảnh bảo mật độc quyền được in trong những hoa văn xen kẽ trên giấy chứng nhận cũng như tờ tiền nhằm chống làm giả”, Hải khua môi múa mép vẽ ra câu chuyện để bán tiền lẻ với giá “chát”.
Năm nay, tiền hình con chó được nhiều quốc gia phát hành, mang yếu tố độc lạ, vì vậy nhiều điểm kinh doanh đã thổi giá cao. Người tên Thắng, chủ shop tiền lẻ tại TP.HCM cho biết: “Ngoài tờ 2 USD mạ vàng hiện đang có cặp đồng xu hình chó của Úc được đúc bằng niken, mạ vàng/bạc dày 2 micromet, màu vàng óng ánh, với giá bán là 300.000 đồng/cặp. Nếu mua lẻ thì đồng vàng là 200.000 đồng, còn bạc giá 150.000 đồng/xu”.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, trên thị trường còn có hàng loạt loại tiền hình con chó khác được bán với giá khá cao. Ví dụ, tiền kỷ niệm hình con chó Numismas 2018 (Kamberra 50) cũng do Úc phát hành đang được chào bán trên thị trường từ 100 - 150.000 đồng/tờ. Rồi tiền hình con chó Belarus (loại 5 Rubles), tiền lưu niệm hình chó Macao, tờ 1 triệu USD lưu niệm của Mỹ hình con chó... được chào bán với giá khoảng 25.000 đồng/tờ.
Không chỉ các loại tiền như trên mà nhiều loại, đặc biệt là tiền Việt hiện không còn in cũng được bán với giá khá cao. Điển hình, loại tiền 100 đồng (in năm 1991) hiện có giá dao động quanh mức 25.000 – 30.000 đồng/tờ, còn tiền mệnh giá 10.000 đồng (loại giấy đỏ, chất liệu cotton, in năm 1993) cũng có giá 40.000 – 50.000 đồng/tờ. Tiền mệnh giá 20.000 đồng (in năm 1991) cũng có giá 50.000 đồng/tờ. Ngoài ra, tiền 50.000 đồng (màu xanh, in năm 1994) được rao bán 140.000 – 150.000 đồng/tờ, tiền mệnh giá 100.000 đồng (in năm 1994) có giá đến 220.000 – 250.000 đồng/tờ. Để tạo cơn sốt, nhiều điểm còn tung ra bộ 4 tờ tiền giấy cotton (mệnh giá 10, 20, 50, 100.000 đồng) bán với giá 440.000 – 500.000 đồng.
Bộ tiền mẫu 100 đồng in năm 1991 với 11 tờ cũng được bán với giá 400.000 đồng. Bộ 2 USD uncut 32 tờ (của Mỹ) được rao bán với giá kỷ lục 3,5 triệu đồng... Trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy các điểm đổi, kinh doanh tiền lẻ đều cùng chiêu thức quảng cáo về sự khan hiếm để đẩy giá lên cao, nhất là các loại tiền hình con chó. “Vì số lượng tiền hình con chó nhập về mỗi đợt có giới hạn trong khi nhu cầu lại rất cao nên chuyện cháy hàng sẽ khó tránh khỏi”, ông Tấn, chủ cửa hàng muabantienle.com nói.
Giá cao ngất ngưởng
Bên cạnh các loại tiền nói trên, cũng giống như mọi năm, các tờ tiền mệnh giá nhỏ, có số seri đẹp như lộc phát (68), phát lộc (86), hay tiền phong thủy, bộ tiền tứ linh, thuận buồm xuôi gió... cũng được nhiều người săn đón. Theo ghi nhận của PV, mức “phí” đổi tiền lẻ hiện nay đang rơi vào khoảng từ 5 – 15% cho các mệnh giá tiền phổ biến. Cá biệt, có những mệnh giá tiền lên tới 30 – 50%, thậm chí lên tới 80 – 90%. Điển hình, tại điểm đổi tiền lẻ muabantien.com đưa ra mức giá cực “chát”: Tiền mệnh giá 200.000 đồng có phí là 5%, còn 10.000 đồng là 9%. Nhưng mệnh giá tiền 1.000 đồng lại có giá tới 30%. Riêng tờ 500 đồng được hét với cái giá trên trời, lên đến 80%, có nơi 90%.
Sở dĩ tiền 500 đồng có mức giá “cắt cổ” kỷ lục là do ngân hàng không phát hành. Chính vì thế, các điểm kinh doanh, mua bán lại có dịp đẩy giá lên cao ngất ngưởng. “Năm nay, tờ tiền này sẽ cực hot do ngân hàng không phát hành nữa, thế nên để sở hữu được nó là chuyện không hề dễ dàng. Tôi là người kinh doanh tiền lẻ nhiều năm nên mới có nguồn cung, chứ nhiều điểm quảng cáo rầm rộ nhưng không có hàng đâu”, ông Tấn nói.
Như vậy, so với giá trị thực, các điểm kinh doanh đang thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, theo một số người hoạt động lâu năm trong dịch vụ đổi tiền lẻ, người dùng cần cẩn trọng với tiền giả. “Thực tế, để có được các bộ tiền nói trên, nhất là với những mệnh giá tiền đã tuyệt chủng, đặc biệt là tiền nước ngoài thì rất khó khăn. Nhưng có điều dễ thấy là nhan nhản nơi rao bán các loại tiền này. Vì vậy, khả năng tiền giả là rất cao, chỉ cần họ có hình ảnh hoặc bản gốc sau đó đưa vào máy móc xử lý và in ấn sẽ tạo ra các loại tiền này một cách dễ dàng. Hơn nữa do là dòng tiền lưu niệm nên không mấy người để ý cũng như ít bị kiểm soát gắt gao như tiền đang lưu hành, dùng để thanh toán”, ông N.D.V., một người có nhiều năm đổi tiền ở quận 3, TP.HCM nói.
Với “phí” đổi ở mức cắt cổ, các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm soát dòng tiền này. “Đây thực chất là hoạt động kinh doanh, mua bán tiền. Nói là đổi tiền lẻ nhưng khách hàng phải mua, còn người cung là bán. Họ kinh doanh có tổ chức, đường dây và điều tiết thị trường, chứ không phải ngẫu nhiên”, TS.Nguyễn Minh Hồng, trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM nói.
Cũng theo chuyên gia này: “Cần phải kiểm soát dòng tiền và kênh kinh doanh này, vì ở đây chắc chắn có vấn đề. Dù mệnh giá tiền nhỏ nhưng thực tế giao dịch lại rất lớn về số tiền (dùng để mua bán, trao đổi, kinh doanh...). Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đổi tiền lẻ để trục lợi, bán ra với giá cao song về bản chất, đây là hành vi kinh doanh tiền”.
Dùng vào việc có ích Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Với các mệnh giá tiền nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống, ngân hàng Nhà nước sẽ không in mới. Các mệnh giá khác vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đổi cho các ngân hàng thương mại, phục vụ người dân trong dịp năm mới. Vì thế, người có nhu cầu hãy tìm đến các ngân hàng để có thể đổi được tiền phù hợp với nhu cầu nhưng không dùng vào việc cấm, trái với quy định của Nhà nước”. |