Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bộ Giao thông vận tải (GTVT), công ty TNHH Grab Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan và 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án GrabCar). Thời gian diễn ra từ tháng 1/2016, đến tháng 1/2018.
TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương đầu tiên diễn ra cuộc thí điểm. Từ đây, cái tên GrabCar trở nên thân thuộc với người dân không chỉ ở 2 địa phương mà còn trên cả nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 14/11/2016, bộ GTVT đã tổ chức sơ kết 9 tháng thí điểm triển khai. Nội dung chỉ rõ những ưu điểm mà GrabCar mang lại, như được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm đánh giá rất cao; góp phần giảm ùn tắc giao thông do phương tiện đến đón đúng địa chỉ, với quãng đường di chuyển ngắn nhất. Đặc biệt là hành khách sử dụng dịch vụ hài lòng vì thời gian chờ đợi ngắn, giá rẻ và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu.
Theo lộ trình thí điểm, từ tháng 10/2016, GrabCar bắt đầu triển khai tại Đà Nẵng. Nhưng lãnh đạo thành phố này liên tiếp kiến nghị từ chối hoạt động của GrabCar. Tuy nhiên, theo thực tế ghi nhận của chúng tôi, dịch vụ này vẫn đang diễn ra tại Đà Nẵng và được đông đảo người dân, khách du lịch đón nhận.
Từ một địa điểm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, chúng tôi dùng điện thoại có ứng dụng GrabCar để đặt xe chở đến Ga Đà Nẵng. Ngay lập tức, trên màn hình xuất hiện một xe con có kèm BKS, cùng đầy đủ hình ảnh thông tin và số điện thoại của lái xe.
Chưa đầy 3 phút sau, xe đã đến và mở cửa mời khách. Người tài xế tên N.D.P. cho biết, hiện, anh đang công tác trong đội xe du lịch thuộc một hợp tác xã vận tải. Tuy nhiên, vào ngày không có tour, anh sử dụng xe đã được đăng ký để chở khách theo hợp đồng, qua ứng dụng GrabCar.
“Tôi biết có nhiều anh em lái xe khác trong đội cũng đang hoạt động theo hợp đồng qua GrabCar. Thậm chí, một số chủ hợp tác xã vận tải còn ủy quyền sử dụng xe để chở khách theo hợp đồng qua GrabCar”, anh P. nói.
Cũng theo lời người này, hiện tại, có rất nhiều người dân, du khách tại Đà Nẵng tìm đến với GrabCar bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và giá rẻ hơn taxi (rẻ hơn từ 2.500 - 4.000 đồng/km). “Chưa hết, khách hàng cũng được báo tổng chi phí phải trả từ trước theo cây số nên họ yên tâm. Có nhiều người vì tò mò mà đặt xe trải nghiệm dịch vụ này”, anh P. nói thêm.
Chị Trần Thị Phương, trú tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, chị hay sử dụng GrabCar để di chuyển mỗi lần vào Đà Nẵng vui chơi. “Tôi thấy nó khá tiện ích, nhanh gọn nên sử dụng. Người dân cần được sử dụng nhiều tiện ích như vậy hơn”, chị Phương chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Đạt, đại diện hợp tác xã vận tải cơ giới Hợp Nhất Đà Nẵng cho biết, đơn vị ông xem Grab Việt Nam như một đối tác và được quyền hợp tác với bất cứ tài xế nào của Hợp Nhất. Từ đây, các tài xế có thêm thu nhập, còn Nhà nước thêm nguồn thu.
Cũng theo lời ông Đạt, việc Đà Nẵng từ chối cho thí điểm triển khai GrabCar khiến ông khá bức xúc. “Là một thành phố du lịch, Đà Nẵng cần sớm triển khai ứng dụng GrabCar để lợi đôi đường, những đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng như chúng tôi được thuận lợi; còn khách hàng, đa phần là khách du lịch được sử dụng dịch vụ vận chuyển với chi phí rẻ, hưởng lợi rất nhiều”, ông Đạt trăn trở.
Mặc dù, bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị địa phương này phối hợp thực hiện đề án GrabCar, nhưng đến này, Đà Nẵng vẫn “quay lưng” lại. Quan điểm trên của Đà Nẵng gây nên những xôn xao, tranh cãi. Mà hơn hết là luồng ý kiến thiệt thòi lớn cho người dân và các đơn vị vận tải theo hợp đồng.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc đến sở GTVT Đà Nẵng (đơn vị tham mưu) để ghi nhận thông tin...
Mời độc giả đón đọc trong bài tiếp theo!
Nhóm PV